Cựu chuyên gia CIA đã phân tích “hiện tượng lạ” IS và khẳng định đây là một sự lai tạp giữa mô hình khủng bố và quốc gia - dân tộc.
Mới đây tờ báo Christian Science Monitor của Mỹ có đăng bài về hiện tượng độc nhất vô nhị mang tên “Nhà nước Hồi giáo” (IS). Bài báo dẫn thông tin từ một báo cáo nghiên cứu khẳng định IS “chưa từng có tiền lệ trong thời hiện đại”.
Cuộc điều tra này do Soufan Group - một hãng an ninh tình báo có trụ sở ở Niu-oóc tiến hành. Soufan Group đã nghiên cứu chiến lược của nhóm khủng bố thông qua các tài liệu và các trang tweet của nhóm này trên mạng, các quan sát đối với những kẻ đào tẩu của nhóm IS, và các phân tích của bản thân nhân viên Su-phan, bao gồm một cựu nhân viên CIA.
Pa-trích Skin-nơ, cựu nhân viên CIA từng công tác ở khu vực Trung Đông và đồng tác giả của báo cáo trên cho biết, điều làm nên sự khác biệt của IS là chiến lược và tổ chức của nó. Ông nói, IS kết hợp trong mình cả hai yếu tố: một nhóm khủng bố và một quốc gia - dân tộc.
![]() |
Phiến quân IS diễu hành trên đường phố Mô-sun, I-rắc, hồi tháng 6-2014. Ảnh: Internet |
Skin-nơ cho biết, họ chưa bao giờ thấy một nhóm nào có tính chiến lược và sự rõ ràng như nhóm này.
Chẳng hạn, hồi tháng 7-2012, “Nhà nước Hồi giáo” tuyên bố chúng sẽ thực hiện chiến dịch có tên gọi “đập vỡ các bức tường” nhằm giải cứu các chiến binh của mình - gồm hơn 1.000 tên bị giam ở 2 nhà tù lớn ở I-rắc trong đó có nhà tù Abu Grai-bơ.
Skin-nơ nói: “Chúng phải mất một năm, nhưng cuối cùng vẫn đạt được mục đích và nhờ đó làm cho hàng ngũ của mình đông lên”.
Báo cáo tình báo ghi nhận, các tiểu tổ hoạt động ngầm của IS đã trở thành các đơn vị quân sự cỡ lớn. Những thay đổi như thế này cần đến các lãnh đạo có các kỹ năng đa dạng. “May là IS có sẵn trong hàng ngũ cấp cao của mình các cựu đảng viên Đảng Bát từng giữ vị trí cao dưới thời Sa-đam Hút-xen”.
Nhờ vậy, IS có thể hành động vừa như một tổ chức khủng bố, vừa với tư cách một đội quân chính quy khi cần thiết.
Tuy nhiên, IS không đặt ra mối nguy trực tiếp đối với nước Mỹ. Mối nguy hại chủ yếu nằm ở hoạt động “cực đoan hóa” người Mỹ bằng tuyên truyền trên mạng xã hội.
Báo cáo nhận định IS sẽ không thể sụp đổ trong một sớm, một chiều. Bắt nguồn từ tổ chức An Kê-đa ở I-rắc, “IS phải mất một thập kỷ mới tác oai tác quái được” và do đó, sẽ phải mất “nhiều năm chứ không phải nhiều tháng hay tuần” thì mới giải quyết xong vấn nạn này.
Theo Skin-nơ, ý tưởng gửi lục quân Mỹ tới I-rắc không phải là ý tưởng hay và sự can thiệp quân sự của Mỹ vào I-rắc là nguyên nhân chính khiến IS trỗi dậy. Skin-nơ cho rằng, nếu quân Mỹ được đưa trở lại I-rắc bây giờ thì điều đó sẽ càng củng cố các tuyên truyền mà IS phát đi.
Hiện nay ở I-rắc và Xi-ri các nhóm phiến quân đang đánh lẫn nhau và “IS không có bạn bè”. Khi ấy quân Mỹ mà xuất hiện trên bộ thì sẽ chỉ giúp các nhóm này đoàn kết lại. “Các nhóm đó sẽ quay đầu lại để cùng đánh Mỹ”.
Và do vậy, theo Skin-nơ, chiến lược của Mỹ sẽ là tiến hành không kích và kiềm chế sự bành trướng của IS. Tư tưởng là “đưa chúng vào trong hộp rồi công kích chúng trong lúc nuôi hy vọng tân Chính phủ I-rắc sẽ cải thiện việc hòa giải sắc tộc”.
Báo cáo của nhóm Skin-nơ thừa nhận, “hành động quân sự (của liên quân do Mỹ dẫn đầu) sẽ hạn chế tầm vươn của IS nhưng sẽ không hủy diệt được sức hút của tổ chức này (đối với những kẻ cuồng tín)”./.
Theo: VOV