5 thách thức lớn đang chờ đợi tân Tổng thống Áp-ga-ni-xtan

08:10, 01/10/2014
Ngày 29-9, an ninh đã được tăng cường tại Thủ đô Ca-bun của Áp-ga-ni-xtan trước lễ nhậm chức của tân Tổng thống Áp-ra Ga-ni, thay thế người tiền nhiệm Ha-mít Ka-dai. Đây là dấu mốc của sự chuyển giao quyền lực đầu tiên giữa 2 Tổng thống dân cử của Áp-ga-ni-xtan. 
 
Lễ nhậm chức diễn ra trong bối cảnh Áp-ga-ni-xtan vừa thoát khỏi bế tắc chính trị sau cuộc bầu cử Tổng thống gây tranh cãi vừa qua, cũng như diễn ra trước thời điểm các lực lượng nước ngoài rút quân vào cuối năm nay.
 
Tại lễ nhậm chức, ông Áp-đu-la (đối thủ của ông Ga-ni) được chỉ định làm “người điều hành cấp cao”, một vị trí mới được thành lập, tương đương chức vụ Thủ tướng. Nhiều nhà lãnh đạo nước ngoài cũng được mời tham dự buổi lễ nhậm chức của tân Tổng thống Áp-ga-ni-xtan.
 
Sau khi nhậm chức, tân Tổng thống Áp-ga-ni-xtan chắc hẳn sẽ không muốn bỏ phí một giây phút nào để bắt tay vào công cuộc cải cách đất nước. Trước mắt, ông Áp-ra Ga-ni sẽ phải đối mặt với 5 thách thức lớn.  
 
Tạo nên một Chính phủ thống nhất
 
Mặc dù cả ông Áp-ra Ga-ni và đối thủ cùng tranh cử vị trí Tổng thống trước đây Áp-đu-la Áp-đu-la đều công khai ủng hộ thỏa thuận thành lập Chính phủ đoàn kết dân tộc, những người ủng hộ ông Áp-đu-la vẫn cho rằng chiến thắng của ông Ga-ni dựa trên sự gian lận. 
 
Bởi vậy, công việc đầu tiên mà ông Ga-ni khi lên nắm quyền là làm thế nào để giữ cho Chính phủ mới trở thành một khối thống nhất và mạnh mẽ.
 
Để làm được điều này, Tổng thống Áp-ra Ga-ni cần phải nhanh chóng cải cách hệ thống bầu cử nhằm chuẩn bị cho kỳ bầu cử Quốc hội trong năm tới. Tuy nhiên, cải cách không phải là điều dễ dàng. Nhiều người dân Áp-ga-ni-xtan lo ngại rằng thỏa thuận Chính phủ đoàn kết dân tộc có thể không kéo dài được lâu.
 
Tân Tổng thống Áp-ra Ga-ni (phải) và ứng cử viên Tổng thống Áp-đu-la Áp-đu-la bắt tay ký kết thoả thuận thành lập Chính phủ đoàn kết dân tộc ở Ca-bun. Ảnh: AFP
Tân Tổng thống Áp-ra Ga-ni (phải) và ứng cử viên Tổng thống Áp-đu-la Áp-đu-la bắt tay ký kết thoả thuận thành lập Chính phủ đoàn kết dân tộc ở Ca-bun. Ảnh: AFP
Vực dậy nền kinh tế Áp-ga-ni-xtan
 
6 tháng sóng gió và nhiều tranh cãi về kết quả cuộc bầu cử Tổng thống đã có tác động tiêu cực đến nền kinh tế Áp-ga-ni-xtan vốn đã yếu, phụ thuộc chủ yếu vào viện trợ nước ngoài. Việc lên nắm quyền của ông Ga-ni mang lại cho người dân Áp-ga-ni-xtan hy vọng về một vị cứu tinh của kinh tế Áp-ga-ni-xtan.
 
Tân Tổng thống Áp-ra Ga-ni từng nắm giữ chức vụ Bộ trưởng Tài chính Áp-ga-ni-xtan và cũng từng là chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới, bởi thế không nghi ngờ gì ông có đủ khả năng để phục hồi nền kinh tế Áp-ga-ni-xtan. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất là nạn tham nhũng đang tràn lan ở đất nước này.
 
Ông Ga-ni cho biết ông sẽ không tha thứ cho bất kỳ hành động tham nhũng nào, nhưng liệu ông có thành công hay không trong việc đấu tranh chống tham nhũng phụ thuộc vào những cải cách sắp tới của ông. Người tiền nhiệm cựu Tổng thống Ha-mít Ka-dai đã hầu như thất bại trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở Áp-ga-ni-xtan.
 
Bảo vệ người dân Áp-ga-ni-xtan được an toàn
 
An ninh luôn là thách thức đối với đất nước Áp-ga-ni-xtan. Ngay trước lễ nhậm chức của ông Ga-ni, những vụ nổ bom vẫn tiếp tục xảy ra khiến nhiều người chết và bị thương. 
 
Áp-ga-ni-xtan đang đối mặt với sự đe dọa của Ta-li-ban khi lực lượng quân sự quốc tế NATO sẽ rút quân vào cuối năm 2014. Khoảng 350 nghìn binh sĩ Áp-ga-ni-xtan chưa được trang bị đầy đủ sẽ đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ đất nước. Trong khi đó, lợi dụng tình hình rối ren về những tranh cãi kết quả bầu cử vừa qua, lực lượng Ta-li-ban đã nhanh chóng tập hợp và lớn mạnh theo từng ngày. 
 
Theo thông tin Roi-tơ, ngày 30-9, tân Tổng thống Áp-ga-ni-xtan ký hiệp ước an ninh song phương với Mỹ. Thông tin này đã được Đại sứ quán Mỹ tại Ca-bun và cố vấn của Tổng thống Ga-ni, ông Đao-út Sun-tan-doi xác nhận. Hãng tin Roi-tơ dẫn lời quan chức Mỹ cho biết, thỏa thuận an ninh này sẽ cho phép Mỹ để lại một số lượng binh sĩ nhất định tại Áp-ga-ni-xtan.
 
Đàm phán hay không đàm phán
 
Ông Áp-ra Ga-ni đã tuyên bố rằng cuộc xung đột ở Áp-ga-ni-xtan sẽ được giải quyết qua các biện pháp hòa bình. Tuy nhiên, quá trình đàm phán giữa Chính quyền Áp-ga-ni-xtan và lực lượng Ta-li-ban từ trước đến nay chưa thu lại kết quả to lớn nào. 
 
Thậm chí, các nhà cầm quyền của Áp-ga-ni-xtan trước đây đã từng thả hàng chục tù nhân của Ta-li-ban nhằm gây dựng lòng tin với lãnh đạo của lực lượng Ta-li-ban nhưng dường như sự việc này không có tác động đáng kể.
 
Theo BBC, nhiều người dân Áp-ga-ni-xtan nghi ngờ triển vọng ông Ga-ni sẽ mang lại kết quả tốt hơn so với người tiền nhiệm đối với những xung đột với Ta-li-ban. Trong con mắt của lực lượng Ta-li-ban, cả ông Áp-ra Ga-ni và ông Áp-đu-la Áp-đu-la đều là "bù nhìn của Mỹ". Những diễn biến gần đây cho thấy lực lượng này vẫn còn ý định tiếp tục chiến đấu hơn là ngồi vào bàn đàm phán.
 
Vai trò tương lai của người vợ và định kiến xã hội Áp-ga-ni-xtan
 
Ông Áp-ra Ga-ni sẽ phải đối mặt với lựa chọn khó khăn khi nhắc đến vai trò tương lai của người vợ của ông, bà Ru-la Ga-ni. Bà Ga-ni là một người Mỹ gốc Li-băng. Hai người gặp nhau trong những năm 1970 khi họ đang theo học tại trường đại học của Mỹ ở Bây-rút. 
 
BBC cho biết, trong xã hội Cộng hòa Hồi giáo Áp-ga-ni-xtan, vai trò người phụ nữ vẫn còn bị xem thường. Đây là một xã hội còn bảo thủ với quan niệm vai trò thống trị và làm chủ thuộc về nam giới. Nhưng với cương vị là người vợ của Tổng thống đồng thời cũng là người phụ nữ có nhiều hoạt động xã hội, có lẽ bà Ga-ni sẽ thổi luồng gió mới vào xã hội Áp-ga-ni-xtan.
 
Bà Ru-la Ga-ni ra mắt công chúng hồi đầu năm nay khi phát biểu tại một trong những chiến dịch tranh cử của chồng. Sự xuất hiện của bà Ga-ni khiến một số nhà hoạt động vì quyền lợi phụ nữ ở Áp-ga-ni-xtan tin rằng điều này có thể sẽ có tác động tích cực đối với cuộc sống phụ nữ tại đất nước này.
 
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu sự tác động này sẽ đi đến bao xa, liệu xã hội Hồi giáo Áp-ga-ni-xtan có thể chấp nhận thay đổi những định kiến về người phụ nữ đã ăn sâu vào tâm trí họ từ xưa đến nay? Những định kiến này có ảnh hưởng đến vị trí Tổng thống mà ông Ga-ni vừa đảm nhận hay không, ảnh hưởng như thế nào, ông Ga-ni sẽ giải quyết việc đó ra sao? Những câu hỏi đó vẫn còn chờ câu trả lời trong tương lai./.
 
Theo: VOV


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Hoàng Thị Hoài Phương

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com