Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 9-9 cho biết, Ta-gi-ki-xtan sẽ là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du của ông Tập Cận Bình. Tại Ta-gi-ki-xtan, ông Tập sẽ tham dự Hội nghị của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) trong hai ngày 11 đến 12-9 trước khi đến Ấn Độ, Xri-lan-ka và Man-đi-vơ. Ông Tập sẽ kết thúc chuyến thăm của mình vào ngày 19-9.
![]() |
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh Reuters) |
SCO được Trung Quốc, Nga và 4 quốc gia Trung Á là Ka-dắc-xtan, Kiếc-gi-xtan, Ta-gi-ki-xtan và U-giơ-bê-ki-xtan thành lập vào năm 2001. Đây là một tổ chức an ninh trong khu vực nhằm đấu tranh với những nguy cơ từ các tổ chức Hồi giáo cực đoan và các nhóm buôn bán ma túy tại Áp-ga-ni-xtan.
Theo Roi-tơ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào cuối tuần qua cho biết ông Tập đã hủy chuyến thăm Pa-ki-xtan, vốn cũng nằm trong lịch trình của chuyến công du lần này của ông do tình hình bất ổn hiện nay tại nước này.
12.000 binh sĩ nước ngoài tham gia lực lượng thánh chiến tại Xi-ri
Hơn 12.000 người nước ngoài đã gia nhập các nhóm phiến quân tại Xi-ri, trong đó từ 60% đến 70% là đến từ khu vực Trung Đông và từ 20% đến 25% đến từ phương Tây. Đây là nhận định của chuyên gia Pi-tơ Nô-man, người đứng đầu Trung tâm quốc tế về Nghiên cứu Chủ nghĩa cực đoan tại Luân-đôn, Anh.
Theo ông Pi-tơ Nô-man, đã có hơn 12.000 người nước ngoài đã gia nhập các nhóm nổi dậy tại Xi-ri chỉ trong 3 năm qua. Cuộc khủng hoảng và bạo lực bất ổn tại Xi-ri trong những năm qua cũng đã trở thành cuộc chiêu mộ chiến binh nước ngoài lớn nhất trong lịch sử. Ông không nêu rõ con số chiến binh nước ngoài đang tham chiến cho Nhà nước Hồi giáo tự xưng, chiếm đóng một phần lãnh thổ của I-rắc và Xi-ri.
Tuy-ni-di là nước có nhiều công dân tham gia lực lượng thánh chiến nhất, với khoảng 3.000 người. Chính phủ A-rập Xê-út cũng công bố con số thống kê có khoảng từ 1.200 đến 2.500 người gia nhập nhóm Hồi giáo cực đoan. Ma-rốc và Gioóc-đa-ni thông báo con số khoảng 1.500 người.
Trong khi đó, Pháp, Mỹ, Anh, Đức, Bỉ là những nước phương Tây có số lượng đáng kể công dân gia nhập lực lượng thánh chiến, với Pháp nhiều nhất là 700 người và Mỹ ít nhất là khoảng 100 người. Theo chuyên gia Pi-tơ Nô-man, các cuộc không kích của Mỹ tại I-rắc đã ngăn chặn Nhà nước Hồi giáo mở rộng các cuộc tấn công đánh chiếm tại I-rắc và việc lực lượng người Cuốc giành chiến thắng tại một số khu vực cũng có tác động tới việc chiêu mộ binh sĩ của lực lượng cực đoan./.
Theo vov.vn