Trong khi Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) đang siết thêm các biện pháp trừng phạt Nga, thì chính họ cũng bị tổn hại nặng nề về kinh tế từ “con dao hai lưỡi” này...
Theo Báo "EU observer", gói biện pháp trừng phạt mà EU áp dụng với Nga có thể khiến Mát-xcơ-va thiệt hại khoảng 100 tỷ ơ-rô trong năm nay và năm tới, song cũng có thể gây tổn thất tương tự cho EU. Báo trên đánh giá kinh tế Nga sẽ tổn thất 23 tỷ ơ-rô trong năm 2014 và 75 tỷ ơ-rô năm 2015 vì các biện pháp trừng phạt của EU. Trong khi đó, Uỷ ban Châu Âu (EC) cho biết, các nước thành viên EU sẽ thiệt hại khoảng 40 tỷ và 50 tỷ ơ-rô trong 2 năm này do bị hạn chế tiếp cận thị trường tài chính Nga, cũng như lệnh cấm cung cấp vũ khí và hàng hóa, công nghệ lưỡng dụng.
Trong khi đó, Uỷ ban Phương Đông nghiên cứu kinh tế của Đức cho biết, các biện pháp trừng phạt nói trên sẽ gây rủi ro cho 350 nghìn người lao động trong các cơ sở lệ thuộc vào quan hệ thương mại Đức - Nga. Ngoài ra, những biện pháp này còn đặc biệt gây lo ngại cho các nước có nền kinh tế mong manh như I-ta-li-a.
![]() |
Tổng thống B.Ô-ba-ma đọc thông báo tăng cường các biện pháp cấm vận đối với Nga, hôm 29-7. |
Ba Lan cũng cho biết, các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga sẽ khiến tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ba Lan giảm trong năm nay. Theo Phó Thủ tướng nước này Gia-nút Pi-e-trô-chin-xki, kim ngạch xuất khẩu của Ba Lan sang Nga cho tới nay đã giảm 7%, trong khi kim ngạch xuất khẩu sang U-crai-na giảm từ 26-29%. Trước đó, ngày 30-7, Nga tuyên bố cấm nhập khẩu hầu hết các loại rau, quả từ Ba Lan và đe dọa mở rộng có giới hạn biện pháp này với các nước khác trong EU. Vác-sa-va cho rằng, biện pháp này là hành động trả đũa của Crem-li đối với các biện pháp trừng phạt mới của phương Tây liên quan đến vai trò của Nga ở U-crai-na.
Nhiều doanh nghiệp lớn khác ở châu Âu như Siemens, Royal Dutch Shell, Erste Group cũng bày tỏ lo ngại về những thiệt hại sau các lệnh cấm vận của EU và Mỹ đối với Nga. Mới đây, tờ "Financial Times" (Thời báo Tài chính) của Anh đưa tin cổ phiếu của hãng trang phục thể thao hàng đầu thế giới Adidas đã giảm 15% sau khi hãng công bố dự báo giảm lợi nhuận liên quan đến việc sớm đóng cửa hàng loạt cửa hàng tại Nga để tránh rủi ro.
Nguy hiểm hơn, cuộc khủng hoảng U-crai-na cùng với việc Mỹ, phương Tây tăng cường các biện pháp cấm vận nhằm vào Nga sẽ không chỉ gây ra những tác động tiêu cực đến các nền kinh tế thuộc EU; các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) và rộng hơn là kinh tế toàn cầu. Đây là đánh giá trong báo cáo được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra hôm 29-7.
Báo cáo nhận định: “Tác động lan truyền từ những căng thẳng địa chính trị giữa Nga và U-crai-na cho đến nay đã gây ra những hệ quả tiêu cực về kinh tế đối với tất cả các nước can dự… Tình trạng leo thang căng thẳng thông qua áp đặt cấm vận và trả đũa có thể gây ra những tác động dây chuyền ở châu Âu, Trung Á và nhiều khu vực khác”.
Báo cáo cho biết: Các ngân hàng của Áo có nguy cơ chịu tổn thất lớn nhất từ các lệnh cấm vận nhằm vào Nga. Bất kỳ một tác động ảnh hưởng nào mà các tổ chức, định chế này phải gánh chịu có thể sẽ lan sang nhiều nước khác, thông qua các kênh tín dụng ở các thị trường mới nổi ở châu Âu. Những ngân hàng cho vay ở Thụy Điển, Pháp, I-ta-li-a cũng không có được sự “bảo vệ” tốt như các định chế tài chính ở các nền kinh tế phát triển khác, nhất là trong bối cảnh “chất lượng tín dụng của Nga, U-crai-na đi xuống, các ngân hàng sẽ phải đối mặt với các mối nguy phá sản”.
IMF cũng nêu bật một “nguy cơ tiềm tàng khác” - sự gián đoạn nguồn cung khí đốt của Nga cho châu Âu, bởi riêng tập đoàn Gazprom đã đảm nhận tới 1/3 nhu cầu khí đốt của EU và 1/2 sản lượng này được vận chuyển qua U-crai-na.
Trong khi đó, Nga và Mỹ vẫn thể hiện những bất đồng sâu sắc trong vấn đề U-crai-na. Ngày 1-8, trong cuộc điện đàm đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma và Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-chin kể từ khi Mỹ và EU áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Mát-xcơ-va liên quan vấn đề U-crai-na, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí rằng, bế tắc hiện nay ở U-crai-na không có lợi đối với cả Mỹ và Nga. Song phía Nga nhấn mạnh, những biện pháp trừng phạt mới mà Mỹ và EU áp đặt với Nga là phản tác dụng và gây tổn hại nghiêm trọng mối quan hệ Nga - Mỹ cũng như sự ổn định trên thế giới. Mát-xcơ-va cho rằng, những biện pháp trừng phạt này sẽ không giúp đạt được mục đích chính - giảm căng thẳng tại U-crai-na và giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị của nước này. Còn Nhà Trắng lại một lần nữa bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về sự ủng hộ của Nga đối với lực lượng đòi liên bang hóa ở U-crai-na./.
Theo: QĐND