Nga - U-crai-na nối lại đàm phán năng lượng

09:08, 29/08/2014

Trả lời họp báo sáng 27-8, Tổng thống Vla-đi-mia Pu-chin tuyên bố ông đã đạt được thỏa thuận với Tổng thống U-crai-na Pê-trô Pô-rô-xen-cô về việc nối lại các cuộc đàm phán về năng lượng giữa hai nước. Tuy nhiên, lối thoát cho cuộc khủng hoảng ở U-crai-na vẫn cần một cuộc đối thoại rộng lớn hơn.

Bế tắc về thỏa thuận ngừng bắn

Trước khi cuộc gặp song phương diễn ra, giới quan sát cho rằng có rất ít hy vọng hai bên sẽ đạt được đột phá trong cuộc gặp này khi mà cuộc gặp cấp cao 4 bên trước đó đã diễn ra hết sức khó khăn trong suốt 6 giờ mà không ghi nhận được một bước tiến cụ thể nào cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay tại U-crai-na.

Tổng thống Pu-chin đã không đề cập tới các điều khoản quan trọng về thỏa thuận ngừng bắn ở Đông Nam U-crai-na. Ông nhấn mạnh, nhóm tiếp xúc về U-crai-na cần hoạt động trở lại sớm nhất có thể, song khẳng định việc tìm ra điều kiện cho một lệnh ngừng bắn với lực lượng ly khai là trách nhiệm của Ki-ép.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Xéc-gây La-vrốp cho rằng, để đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại U-crai-na cần một cuộc đối thoại rộng lớn với sự tham gia của tất cả các khu vực và lực lượng chính trị ở nước này. Ông La-vrốp khẳng định quan điểm của Mỹ và EU đang cản trở một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở U-crai-na, đồng thời nhấn mạnh lãnh đạo EU không phản đối việc quay lại thỏa thuận Giơ-ne-vơ đạt được từ tháng 4 vừa qua về bình ổn tình hình U-crai-na.

Thủ tướng Đức A.Méc-ken (trái) và Tổng thống U-crai-na Pê-trô Pô-rô-xen-cô. Ảnh: Internet
Thủ tướng Đức A.Méc-ken (trái) và Tổng thống U-crai-na Pê-trô Pô-rô-xen-cô. Ảnh: Internet

Vũ khí khí đốt

Theo tiết lộ của ông Găng-tơ Oét-tinh-gơ - Ủy viên phụ trách năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) - EU đang phác thảo các kịch bản khủng hoảng trong trường hợp Nga ngừng hoàn toàn việc cung cấp khí đốt cho khối này. Trả lời phỏng vấn báo Đức Bild ngày 26-8, ông không tin Tổng thống Pu-chin sẽ biến việc cung cấp khí đốt thành công cụ chính sách của mình, mặc dù có 6 nước thành viên EU phụ thuộc 100% vào nguồn cung khí đốt Nga, 4 trong số đó nhận khí đốt trực tiếp từ Nga, không qua lãnh thổ U-crai-na. Tuy nhiên, một khi việc ngừng chuyển tải khí đốt xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, như khi bị tấn công, khi đó Bun-ga-ri và Slô-va-ki-a sẽ hoàn toàn bị cắt nguồn cung khí đốt. Trong trường hợp này, EU cần cung cấp khí đốt ngược cho các nước đó. Nếu cần thiết, EU sẽ đảm nhận cả việc đảm bảo khí đốt cho U-crai-na. Các cơ sở dự trữ khí đốt của U-crai-na hiện mới tích được một nửa trong khi cần phải tích đầy cho mùa đông.

Trước đó, ngày 26-8, tờ Le Monde của Pháp đã có bài bình luận mang tựa đề “U-crai-na: Chi phí của cuộc chiến”, trong đó nhận định rằng dù có lôi kéo được Ki-ép về phía mình, EU cũng sẽ phải trả một cái giá rất đắt. Theo bài báo trên, Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken đã có bước đi khôn khéo khi tuyên bố tài trợ 650 triệu USD để giúp U-crai-na tái thiết cơ sở hạ tầng bị chiến tranh phá hủy tại vùng Đôn-ba để tranh giành ảnh hưởng với Nga. Nhưng cuộc chiến tại miền Đông đã làm sa lầy mọi nỗ lực cải cách. Trong khi đó, nền kinh tế của U-crai-na đang đứng bên bờ vực sụp đổ sau hơn 2 năm suy thoái liên tiếp. Phiên giao dịch ngày 26-8, đồng Hri-vn của U-crai-na xuống mức thấp nhất từ trước đến nay với 13,65 Hri-vn đổi được 1 USD, giảm khoảng 40% trong năm nay. Trong bối cảnh đó, Le Monde nhận xét tại cuộc gặp tại Min-xcơ, Tổng thống U-crai-na Pê-trô Pô-rô-xen-cô, dù được EU “chống lưng” nhưng vẫn trên thế yếu. Hy vọng chấm dứt chiến tranh rất mong manh. Le Monde kết luận: dù hiện nay Nga đã mất U-crai-na, nhưng nếu EU có thắng thì cũng phải trả giá rất đắt.

Ngày 27-8, Bộ Ngoại giao U-crai-na tuyên bố không loại trừ khả năng tiếp nhận đoàn xe viện trợ nhân đạo thứ hai của Nga dành cho người dân khu vực miền Đông nước này nếu đoàn xe viện trợ của Nga đi qua một cửa khẩu trước khi được phép tiến vào lãnh thổ U-crai-na và ICRC giám sát, phân phối hàng viện trợ./.

Theo: SGGP



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com