Xung đột I-xra-en - Ha-mát đưa đến thảm họa nhân đạo

09:07, 22/07/2014

Bất kể cuộc đối đầu quân sự này kết thúc như thế nào thì kết quả của cuộc chiến được cho là sẽ không khác nhiều so với những cuộc xung đột trước đây giữa I-xra-en và Ha-mát, nghĩa là không có kẻ thắng và người thua rõ rệt. Nạn nhân duy nhất trong cuộc chiến này chính là thường dân vô tội.

Chỉ riêng ngày 20-7 đã có ít nhất 87 người Pa-lét-xtin thiệt mạng và hơn 200 người khác bị thương trong các đợt tấn công của quân đội I-xra-en vào Dải Ga-da. Như vậy, ngày 20-7 trở thành ngày đẫm máu nhất tại Dải Ga-da kể từ khi cuộc xung đột I-xra-en - Pa-lét-xtin bùng phát 2 tuần trước đây và kể từ năm 2009 trở lại đây.

Bộ Y tế Pa-lét-xtin cho biết, quận Xi-giai-a và khu vực lân cận ở phía Đông Dải Ga-da là mục tiêu tấn công chính của I-xra-en ngày 20-7. Trong đó, có 17 trẻ em và 14 phụ nữ đã thiệt mạng. Đây là ngày chứng kiến con số thương vong lớn nhất kể từ khi I-xra-en bắt đầu cuộc tấn công Dải Ga-da ngày 8-7.

Phía I-xra-en cũng chịu tổn thất với 13 binh sĩ tử trận trong các cuộc giao tranh đêm ngày 19 và rạng sáng 20-7.

Nhân viên cứu hộ cấp cứu nạn nhân sau vụ tấn công của I-xra-en. Ảnh: Internet
Nhân viên cứu hộ cấp cứu nạn nhân sau vụ tấn công của I-xra-en.
Ảnh: Internet

Theo thống kê của Bộ Y tế Pa-lét-xtin, cuộc xung đột đẫm máu nhất tại Dải Ga-da trong hai tuần qua đã cướp đi sinh mạng của hơn 450 người dân Pa-lét-xtin, làm hơn 3.000 người bị thương và buộc hàng nghìn người phải sơ tán khẩn cấp.

Trước đó, hôm 18-7, Thủ tướng I-xra-en Ben-gia-min Nê-tan-ni-a-hu tuyên bố rằng quân đội sẽ còn mở rộng chiến dịch quân sự hơn nữa ở Dải Ga-da. "Khi không thể phá hủy các đường hầm của Ha-mát bằng máy bay, chúng ta phải đưa bộ binh vào Ga-da. Cái giá phải trả sẽ là rất lớn nhưng I-xra-en sẽ hoàn thành chiến dịch này". Tuy nhiên, ông Nê-tan-ni-a-hu cho biết cuộc tiến công hiện nay sẽ hạn chế hơn so với cuộc tiến công trong các năm 2008 và 2009 của I-xra-en.

Cuộc tiến công trên bộ của I-xra-en ở Dải Ga-da bắt đầu từ ngày 18-7 trong khi quân đội I-xra-en - được xe tăng, chiến đấu cơ và tàu hải quân hỗ trợ - tấn công một loạt những mục tiêu bao gồm những đường hầm được những chiến binh Ha-mát sử dụng để xâm nhập vào I-xra-en, buôn lậu vũ khí và chất nổ. Quân đội I-xra-en cho biết đã tấn công khoảng 200 mục tiêu khủng bố kể từ khi khởi sự cuộc hành quân vào tối thứ năm, gồm hơn 20 đường hầm của lực lượng Ha-mát.

Sự đối đầu giữa I-xra-en và phong trào Ha-mát tại Dải Ga-da một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý khi leo thang thành một cuộc xung đột vũ trang nguy hiểm và đẫm máu, bất chấp các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm chấm dứt sự thù địch giữa hai bên. Cuộc xung đột hiện nay giữa I-xra-en và Ha-mát diễn ra trong bối cảnh tiến trình hòa bình được Mỹ bảo trợ đổ vỡ do I-xra-en không thực hiện cam kết về trao trả tù nhân Pa-lét-xtin và hai phái đối địch Pha-ta - Ha-mát vừa thành lập chính phủ thống nhất dân tộc.

Trong tuần qua, các nhóm chiến binh ở Dải Ga-da đã bắn gần 1.000 quả rốc-két vào I-xra-en, trong đó có các cơ sở hạ tầng trọng điểm như sân bay, cơ sở hạ tầng và các thành phố lớn. I-xra-en đáp trả với hơn 1.500 đợt không kích. Cuộc xung đột ngày càng tiến gần đến giai đoạn nguy hiểm nhất khi I-xra-en huy động tới 40 nghìn quân để sẵn sàng cho một cuộc chiến trên bộ tại Ga-da.

Bạo lực chưa bao giờ chấm dứt tại vùng đất này với việc các nhóm chiến binh ở Ga-da thường xuyên bắn rốc-két vào I-xra-en dẫn đến các cuộc không kích trả đũa của Ten A-víp và các cuộc trấn áp những tổ chức cơ sở của Ha-mát tại khu Bờ Tây. Tuy nhiên, căng thẳng đã lên đến đỉnh điểm sau khi ba thiếu niên I-xra-en bị bắt cóc và sát hại tại Bờ Tây hồi tháng trước. Chính phủ I-xra-en đã lập tức đổ lỗi cho Ha-mát về sự kiện này, đồng thời tiến hành chiến dịch quân sự quy mô lớn bắt giữ hàng trăm người Pa-lét-xtin, phá hủy và lục soát nhiều nhà cửa ở Bờ Tây và không kích nhiều mục tiêu tại Ga-da. Những hành động trấn áp mạnh tay của I-xra-en đã dẫn đến những lo ngại về một cuộc nổi dậy lần thứ ba của người Pa-lét-xtin khi nhiều cuộc biểu tình nổ ra cùng các cuộc đối đầu với lực lượng cảnh sát I-xra-en, trong khi các nhóm chiến binh ở Ga-da cũng đẩy mạnh các cuộc tấn công bằng rốc-két.

Một lý do khác có thể dẫn đến căng thẳng leo thang là thông qua hành động gia tăng các vụ bắn rốc-két, Ha-mát muốn đặt điều kiện để nới lỏng thế bao vây, phong tỏa đang khiến cho nền kinh tế của dải đất này trở nên kiệt quệ. Sau khi mất đi đồng minh quan trọng do sự sụp đổ của chính quyền của tổ chức "Anh em Hồi giáo" tại Ai Cập, phong trào Ha-mát bị đẩy vào tình cảnh hết sức khó khăn khi chính quyền mới ở Cai-rô cùng với I-xra-en siết chặt an ninh các đường biên giới với Dải Ga-da, cắt đứt nguồn thu kinh tế quan trọng của phong trào này. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc Ha-mát chấp thuận thỏa thuận hòa giải với phong trào Pha-ta nhằm tìm lối thoát cho nền kinh tế đang bị kiệt quệ của Pa-lét-xtin.

Trong khi đó, chiến dịch quân sự "Bảo vệ Biên giới" của I-xra-en không chỉ nhằm mục đích trả đũa và ngăn chặn các vụ bắn rốc-két mà còn nhằm triệt tiêu hoàn toàn khả năng quân sự của Ha-mát hòng làm suy yếu hoặc lật đổ chính quyền của phong trào kiểm soát vùng đất này. Ban lãnh đạo I-xra-en thậm chí không đặt ra một giải pháp ngoại giao khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Dải Ga-da.

Trước tình hình này, cộng đồng quốc tế đã lên án các hành động quân sự gây thương vong cho dân thường, đồng thời gây sức ép để hai bên chấm dứt sự thù địch. Tuy nhiên, các nỗ lực làm trung gian của các nước trong khu vực cho một thỏa thuận ngừng bắn đã không đạt kết quả do khoảng cách giữa hai bên còn quá xa. Đề xuất mới đây nhất của Ai Cập về một lệnh ngừng bắn ngày 15-7 đã thất bại do Ha-mát không chấp thuận với lý do sáng kiến của Cai-rô không đáp ứng những đòi hỏi của phong trào này như mở các cửa khẩu biên giới với Ga-da và trả tự do cho các thành viên Ha-mát bị I-xra-en bắt giữ trong chiến dịch ở khu Bờ Tây mới đây.

Trong một động thái nhằm làm giảm căng thẳng ở Dải Ga-da, Hội đồng Bảo an LHQ đã họp khẩn về xung đột I-xra-en - Ha-mát. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-mun đã đến Trung Đông ngày 1-7 để xoa dịu tình hình. Hôm 20-7, tại Thủ đô Đô-ha của Ca-ta diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Pa-lét-xtin Ma-mút Áp-bát và Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-mun, nhằm tìm kiếm giải pháp chấm dứt xung đột tại Dải Ga-da. Cuộc họp do Tiểu vương Ca-ta Xây-khơ Ta-mim Bin Ha-mát An Tha-ni chủ trì. Ông Ha-mát An Tha-ni hiện là “kênh liên lạc” giữa Phong trào Hồi giáo Ha-mát với cộng đồng quốc tế.

Cũng trong ngày 18-7, Ngoại trưởng Pháp Lô-răng Pha-bi-ơ đã đến Thủ đô Cai-rô của Ai Cập để thảo luận về một đề xuất ngừng bắn do Ai Cập làm trung gian giữa các phe kháng chiến của Pa-lét-xin với I-xra-en trong bối cảnh Ten A-víp đã bắt đầu cuộc tấn công trên bộ tại Dải Ga-da. Trước đó, Pháp đã bày tỏ sự ủng hộ đối với đề xuất ngừng bắn mà Ai Cập đưa ra với I-xra-en và Ha-mát.

Bất kể cuộc đối đầu quân sự này kết thúc như thế nào thì kết quả của cuộc chiến được cho là sẽ không khác nhiều so với những cuộc xung đột trước đây giữa I-xra-en và Ha-mát, nghĩa là không có kẻ thắng và người thua rõ rệt. Nạn nhân duy nhất trong cuộc chiến này chính là thường dân vô tội. Tình hình hiện nay buộc hai bên phải tìm một lối thoát thông qua sự trung gian của cộng đồng quốc tế nhằm giảm sự leo thang trước mắt và giải quyết các vấn đề cốt lõi của cuộc xung đột để tìm ra một giải pháp lâu dài, cho dù đây là một mục tiêu khó có thể đạt được trong điều kiện hiện nay. Nếu không có sự thay đổi căn bản về quan điểm, I-xra-en và Pa-lét-xin khó có thể tìm được tiếng nói chung và tiến trình hòa bình Trung Đông sẽ vẫn bị bế tắc./.

Theo: chinhphu.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Hoàng Thị Hoài Phương

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com