Nga và phương Tây đã đánh mất nhau như thế nào?

09:07, 25/07/2014

Quan hệ Nga và phương Tây trước hố sâu ngăn cách

Trước đây, quan hệ với Liên minh Châu Âu (EU) là ưu tiên hàng đầu của Liên bang Nga. Có một con số khá thú vị là 3/4 lãnh thổ Nga nằm ở châu Á, nhưng 3/4 dân số nước này lại sống ở phần lãnh thổ Châu Âu. Ngoài các liên kết lịch sử và văn hóa, châu Âu còn chiếm hơn một nửa giao dịch thương mại của Nga.

Tuy nhiên, mối quan hệ này lại xấu đi trong những năm gần đây do rất nhiều nguyên nhân. Trên thực tế, mâu thuẫn giữa Nga - EU cùng với Mỹ đã diễn ra từ lâu và tạo ra cuộc đối đầu gay gắt giữa Đông - Tây.

Sau rất nhiều những bất đồng liên quan đến hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Đông Âu, vấn đề Xy-ri, chương trình hạt nhân I-ran… Có thể nói, căng thẳng giữa Nga với phương Tây và Mỹ đã lên đến đỉnh điểm sau những diễn biến liên quan đến tình hình tại U-crai-na.

Ngày 17-3, tức là chỉ một ngày sau khi cuộc trưng cầu dân ý đầy tranh cãi ở Crưm diễn ra, EU đã công bố các biện pháp trừng phạt 21 quan chức Nga. Cùng ngày, chính phủ Mỹ cũng thông báo, sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt tài chính đối với 7 nhà lập pháp, quan chức cấp cao của Nga và 4 nhà lãnh đạo ở Cộng hòa tự trị Crưm vì đã "phá hoại tiến trình dân chủ và các thể chế ở Crưm". Ngoài ra, Nhà Trắng còn tuyên bố sẽ phong tỏa tài sản của một số cá nhân không thuộc chính phủ Nga nhưng ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý ở Crưm.

Trong một động thái được cho là mạnh tay và quyết đoán, G8 cũng đã “thẳng tay” loại Nga ra khỏi nhóm các cường quốc công nghiệp. Ngày 4-6, G7 đã nhóm họp tại Brúc-xen (Bỉ) thay vì Xô-chi (Nga) như dự kiến ban đầu. Lần đầu tiên sau 17 năm, Nga không có mặt tại Hội nghị thượng đỉnh này sau khi bị các nước trong nhóm tẩy chay để trả đũa cho việc Nga sáp nhập Crưm cũng như bị coi là tác nhân gây ra tình hình bất ổn ở miền Đông U-crai-na.

Trên thực tế, kể từ khi Crưm chính thức trở thành một phần lãnh thổ của Nga, Mỹ và EU đã áp đặt nhiều lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản với các quan chức cấp cao của Nga và Crưm, đe dọa các biện pháp trừng phạt kinh tế và thương mại mạnh mẽ hơn nếu Mát-xcơ-va tiếp tục có những hành động được cho là gây bất ổn tại U-crai-na.

Cho đến nay, Mỹ vẫn khẳng định sẽ tấn công Nga bằng cách phối hợp với EU cấm vận nước này, nhằm giảm thiểu tác động và thể hiện một mặt trận phương Tây đoàn kết.

Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-chin ký hiệp ước lịch sử sáp nhập Crưm vào lãnh thổ Nga. Ảnh: Roi-tơ
Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-chin ký hiệp ước lịch sử sáp nhập Crưm vào lãnh thổ Nga. Ảnh: Roi-tơ

Mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ của châu Âu với Nga đã khiến cho khối liên minh gồm 28 thành viên này đóng vai trò chủ chốt trong việc đảm bảo các đòn trừng phạt nhằm vào Mát-xcơ-va có đủ uy lực. Tuy nhiên, cũng chính điều này lại khiến EU ngại ngần vì trừng phạt Nga có thể tác động ngược trở lại và gây tổn thất cho nền kinh tế của họ.

Mỹ trừng phạt nặng tay, Nga vẫn nói cứng

Ngày 15-7, sau nhiều tuần không động tĩnh, các nhà chức trách Mỹ nói rằng, giờ đây nước này sẵn sàng hành động một mình nếu châu Âu không trừng phạt Nga gắt gao hơn. Quyết tâm của Mỹ nhằm trừng phạt Nga mà không cần sự hậu thuẫn của EU được tiết lộ sau khi chính quyền Ô-ba-ma đối mặt với nhiều chỉ trích rằng, những cảnh báo lặp đi lặp lại về việc cấm vận Mát-xcơ-va chỉ là những lời đe dọa suông.

Khi những thông tin trên còn chưa ráo mực trên các mặt báo, Chính quyền Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma đã đơn phương tung ra một loạt đòn trừng phạt mới nhằm vào các cá nhân cũng như tổ chức tài chính và Cty quốc phòng của Nga mà Oa-sinh-tơn cho là có liên quan đến tình hình bất ổn ở U-crai-na.

Trước động thái này, Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-chin đã lên tiếng cho rằng, các biện pháp trừng phạt mới của Oa-sinh-tơn nhằm vào Mát-xcơ-va sẽ phản tác dụng, tác động ngược trở lại đối với Mỹ và giáng một đòn nghiêm trọng vào quan hệ song phương.

Ông Pu-chin nói khi đang có mặt ở Bra-xin tham dự hội nghị Thượng đỉnh của nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS): “Chắc chắn việc này (áp đặt các lệnh trừng phạt) đang đẩy mối quan hệ Nga - Mỹ đến chỗ bế tắc và gây phương hại cực kỳ nghiêm trọng cho mối quan hệ này. Và tôi tin rằng động thái đó sẽ làm tổn hại các lợi ích quốc gia dài hạn của nước Mỹ và người dân Mỹ”.

Bộ Ngoại giao Nga cũng cho rằng: “Nếu Oa-sinh-tơn có ý định hủy hoại mối quan hệ Nga - Mỹ thì đó là lương tâm của họ. Chúng tôi sẽ không tha thứ cho hành động tống tiền (trừng phạt kinh tế) và có quyền trả đũa. Các biện pháp trừng phạt, thông thường đều có tác động ngược và không nghi ngờ gì nữa, nó sẽ đẩy quan hệ Nga - Mỹ đi vào ngõ cụt, nó làm xói mòn lợi ích lâu dài của Mỹ”.

Kinh tế Nga lao đao

Theo nhận định của giới phân tích, các biện pháp trừng phạt sẽ khiến cả hai phía bị tổn thất, dù Nga đã và đang tỏ ra “cứng rắn” sẵn sàng đương đầu với mọi biện pháp trừng phạt kinh tế từ châu Âu và Mỹ, nhưng rõ ràng, thiệt hại kinh tế mà Mát-xcơ-va phải gánh chịu là không hề nhỏ, đặc biệt là khi nền kinh tế Nga đã có dấu hiệu “không được khỏe” từ hai năm qua.

Trước hết, căng thẳng ở U-crai-na đã dẫn tới "cuộc khủng hoảng niềm tin" ở Nga, khiến đầu tư sụt giảm mạnh và thương mại sa sút. Các số liệu mới công bố cho thấy thực trạng đáng quan ngại về kinh tế Nga. Cụ thể là tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý I-2014 chỉ đạt 0,8%, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng tăng 2,5% mà Bộ Kinh tế Nga đưa ra trước đó.

Chỉ số chứng khoán chủ chốt tại thị trường chứng khoán Mát-xcơ-va đã giảm 10% trong tháng 3-2014, do dòng vốn chảy khỏi thị trường. Trong 3 tháng đầu năm 2014, đồng ruble để mất 9% giá trị so với đồng USD, khiến các hóa đơn nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Cùng thời gian này, các nhà đầu tư đã rút tới 70 tỷ USD khỏi Nga, vượt xa con số 63 tỷ USD của cả năm 2013. Đầu tư đã giảm 4,8% trong quý I-2014.

Số liệu thống kê mới nhất từ Ngân hàng Trung ương Nga cho thấy, khoảng 51 tỷ USD vốn đầu tư đã bị rút khỏi Nga trong quý I-2014. Đợt thoái vốn này chủ yếu là do các nhà đầu tư lo ngại trước căng thẳng tại U-crai-na leo thang, khiến Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga.

Hơn ai hết, Nga chính là bên hiểu rõ nhất những tác động do các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây gây ra đối với nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, Nga chẳng những không e sợ mà còn tuyên bố sẵn sàng “ăn miếng trả miếng”, phải chăng Mát-xcơ-va đang nắm trong tay một quân bài quan trọng?./.

Theo: VOV
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com