Không thể chậm trễ so với Mỹ, Trung Quốc hay Nga trong cuộc đua tranh giành ảnh hưởng tại Trung Á, Tổng thống Hàn Quốc Pắc Cưn-hy đang có chuyến công du một tuần (từ ngày 16 đến 21-6) tới ba quốc gia trong khu vực giàu tiềm năng cũng như địa chiến lược về kinh tế gồm U-dơ-bê-ki-xtan, Ka-dắc-xtan và Tuốc-mê-ni-xtan. Đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực như năng lượng, kinh tế, chính trị… là những trọng tâm ưu tiên trong nghị trình của nhà lãnh đạo xứ Kim chi trong khuôn khổ chuyến công du lần này.
Với đội ngũ hùng hậu khoảng 90 doanh nghiệp tháp tùng, trong đó có các Cty Dầu khí Nhà nước Korea National Oil Corp, Korea Gas Corp, Korea Resources Corp… chặng dừng chân đầu tiên của Tổng thống Pắc Cưn-hy tại U-dơ-bê-ki-xtan đã gặt hái được nhiều kết quả ngoài mong đợi. Trong cuộc hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà I.A.Ca-ri-mốp, hai bên đã ra tuyên bố nhất trí đẩy mạnh mối quan hệ Đối tác chiến lược trên nhiều lĩnh vực, trong đó tiếp tục duy trì hoạt động giao lưu Chính phủ, nhân sự cấp cao, những hội nghị định kỳ giữa hai Nhà nước. Đây là lần thứ 13 người đứng đầu Hàn Quốc và U-dơ-bê-ki-xtan có cuộc gặp thượng đỉnh kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992. Là nước Trung Á có giao dịch nhiều nhất với Hàn Quốc khi quy mô thương mại song phương đã đạt con số 2 tỷ USD trong năm 2013, U-dơ-bê-ki-xtan còn là nơi mà có nhiều người gốc Hàn Quốc - nước này thường gọi là người Cao Ly - sinh sống nhất với con số khoảng 180 nghìn người. Trên cơ sở mối quan hệ tốt đẹp đó, lãnh đạo hai nước tái xác nhận tổ hợp các doanh nghiệp Hàn Quốc cùng Tổng Cty Dầu khí U-dơ-bê-ki-xtan sẽ đẩy mạnh hợp tác trong dự án phát triển mỏ khí đốt tại Xu-gin với tổng giá trị 3,9 tỷ USD.
Bên cạnh việc thảo luận các mối quan tâm chung của hai nước, trong đó có việc U-dơ-bê-ki-xtan ủng hộ sáng kiến hợp tác Á - Âu do Tổng thống Pắc Cưn-hy khởi xướng năm ngoái, lãnh đạo hai nước còn chứng kiến một loạt biên bản ghi nhớ và hiệp định song phương, trong đó có hiệp định cơ bản về viện trợ không hoàn lại giữa hai chính phủ. Theo thỏa thuận vừa được ký kết, Hàn Quốc sẽ mời tu nghiệp sinh U-dơ-bê-ki-xtan sang Hàn Quốc nghiên cứu, học tập; đồng thời cử các chuyên gia, các nhóm hoạt động tình nguyện, cung cấp máy móc, vật tư cho U-dơ-bê-ki-xtan. Về phần mình, Chính phủ U-dơ-bê-ki-xtan sẽ dành ưu đãi cho những đối tượng này hoặc miễn thuế hàng hóa. Không những thế, Hàn Quốc còn cam kết sẽ hỗ trợ U-dơ-bê-ki-xtan 250 triệu USD cho Quỹ hợp tác phát triển kinh tế từ năm 2014 đến năm 2017.
Tổng thống U-dơ-bê-ki-xtan I.A.Ca-ri-mốp (phải) đón tiếp Tổng thống Pắc Cưn-hy. Ảnh: Internet |
Ngay sau khi kết thúc chặng dừng chân đầu tiên tại U-dơ-bê-ki-xtan, hôm 19-6, Tổng thống Pắc Cưn-hy sẽ có cuộc hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Ka-dắc-xtan N.Na-dắc-bai-ép trong chặng dừng chân thứ hai. Một trong những ưu tiên của cuộc gặp thượng đỉnh này là thảo luận về hợp tác năng lượng, bao gồm dự án thăm dò xa bờ Zhambyl trên biển Ca-xpia và công trình xây dựng khu phức hợp hóa dầu và nhà máy điện đốt than tại quốc gia Trung Á này. Chặng dừng chân cuối cùng của Tổng thống Pắc Cưn-hy tại Tuốc-mê-ni-xtan sẽ đánh dấu cuộc hội đàm cấp cao đầu tiên kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992. Mối quan tâm hàng đầu của Hàn Quốc trong cuộc gặp gỡ này là kêu gọi phía Tuốc-mê-ni-xtan cho phép các Cty Hàn Quốc tham gia nhiều hơn vào các dự án của nước này.
Chuyến công du Trung Á lần này diễn ra trong bối cảnh Chính phủ của nữ Tổng thống Pắc Cưn-hy đang chịu nhiều sức ép từ phía dư luận sau vụ chìm phà nghiêm trọng xảy ra hồi tháng 4 vừa qua. Ngay trước thềm chuyến đi, Tổng thống Pắc Cưn-hy đã tiến hành cuộc cải tổ nội các sâu rộng lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức tháng 2-2013. Theo đó có tới 7 vị trí lãnh đạo các bộ được thay thế nhằm lấy lại uy tín đối với cử tri Hàn Quốc. Cùng với một loạt nỗ lực vực dậy nền kinh tế xứ Kim chi năm qua, chuyến công du Trung Á của Tổng thống Pắc Cưn-hy sẽ tiếp tục góp phần khẳng định vị thế mới của Hàn Quốc tại khu vực đang diễn ra sự ganh đua tranh giành ảnh hưởng mạnh mẽ giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Tiếp nối thành công sau cuộc gặp thượng đỉnh hai lần với Nga, rồi chuyến công du các nước châu Âu, chuyến thăm ba nước Trung Á không nằm ngoài mục tiêu củng cố và đẩy mạnh sáng kiến "Á - Âu" từng được Tổng thống Pắc Cưn-hy đưa ra vào tháng 10 năm ngoái. Hơn bao giờ hết Hàn Quốc rất cần sự hợp tác của ba nước này để hiện thực hóa sáng kiến "Con đường tơ lụa", xây dựng tuyến đường sắt xuất phát từ Thành phố Bu-san (Hàn Quốc), xuyên qua Triều Tiên, Nga, Trung Quốc và các nước Trung Á để lưu thông hàng hóa và năng lượng. Nhiều chuyên gia phân tích Hàn Quốc cho rằng, việc kết nối tuyến đường sắt này sẽ đóng góp vào hòa bình và thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên và ở khu vực Đông Bắc Á, cũng như thúc đẩy hợp tác phát triển Á - Âu./.
Theo: HNM