Liên minh Kinh tế Á - Âu được thành lập với cái bắt tay giữa Nga, Bê-la-rút và Ca-dắc-xtan. Tổng thống Nga Pu-tin đánh giá, thỏa thuận “thực sự có tầm quan trọng lịch sử”.
Phát biểu trong lễ ký thỏa thuận thành lập Liên minh Kinh tế Á - Âu tại Thủ đô Át-ta-na của Ca-dắc-xtan, Tổng thống Nga Pu-tin nói: “Hôm nay, chúng tôi đã cùng nhau thành lập một trung tâm lớn mạnh và hấp dẫn về kinh tế, một thị trường khu vực rộng lớn với hơn 170 triệu dân. Liên minh của chúng ta có trữ lượng tài nguyên thiên nhiên khổng lồ, kể cả năng lượng, nắm giữ 1/5 trữ lượng khí đốt thế giới và gần 15% trữ lượng dầu mỏ toàn cầu. Nhóm 3 nước còn có tiềm năng phát triển về công nghiệp, cơ sở công nghiệp, nhân lực, tri thức và văn hóa. Vị trí địa lý cho phép chúng ta hình thành các tuyến đường vận tải, hậu cần không chỉ có ý nghĩa khu vực mà cả ý nghĩa toàn cầu, gắn với nó là các luồng thương mại lớn của châu Âu và châu Á”.
Nga, Bê-la-rút và Ca-dắc-xtan ký thỏa thuận thành lập Liên minh Kinh tế Á - Âu hôm 29-5. Ảnh: Internet |
Bình luận về lễ ký kết thỏa thuận lịch sử này, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Đu-ma Quốc gia A-lếch-xây Pu-cốp nói: “Còn nhớ, khi tiến trình này bắt đầu, đã có không ít đánh giá nghi ngờ triển vọng của nó. Sự nghi ngờ chủ yếu đến từ phương Tây. Chúng được gợi ý rằng chỉ các nước phương Tây mới có thể tiến hành hội nhập kinh tế, còn các nước trong không gian hậu Xô Viết không thể và con đường duy nhất của chúng ta là trở thành vệ tinh của các nhóm hội nhập phương Tây”.
Cuối năm 2012, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là bà Hi-la-ry Clin-tơn đã tuyên bố, Oa-sinh-tơn mạnh mẽ ngăn cản việc hình thành Liên minh Kinh tế Á - Âu vì Mỹ cho rằng đây là nỗ lực nhằm hồi sinh Liên Xô của Nga. Tuy nhiên, Tổng thống Pu-tin trong lễ ký kết thỏa thuận đã bác bỏ luận điệu trên, khẳng định: “Sự kiện hôm nay mang ý nghĩa đặc biệt, thậm chí, không hề phóng đại khi nói rằng nó có ý nghĩa trọng đại. Văn bản này đưa ba nước chúng ta bước vào giai đoạn hội nhập mới trong khi vẫn bảo đảm sự toàn vẹn của chủ quyền quốc gia”. Trước đó, ông tuyên bố, phương Tây luôn thổi phồng nguy cơ về một Liên minh Kinh tế Á - Âu, gán cho nó cái mác của tham vọng khôi phục Liên Xô. Theo ông, quan điểm này hoàn toàn không phù hợp với thực tế.
Về phần mình, Tổng thống Ca-dắc-xtan Nu-su-tan Na-ra-bay-ép gọi sự kiện thành lập Liên minh Kinh tế Á - Âu giữa Nga, Bê-la-rút và Ca-dắc-xtan là sự ra đời của một thực tế địa - kinh tế mới. Ông nói: “Sứ mệnh chính của Liên minh trong nửa đầu thế kỷ XXI là giành được lợi thế cạnh tranh tự nhiên để trở thành cầu nối kinh tế giữa Đông và Tây, giữa châu Âu và châu Á…”. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh: “Phía trước chúng ta là cả một chặng đường không đơn giản để hình thành và phát triển… Bản thân hội nhập không bảo đảm một cuộc sống lý tưởng, để hưởng lộc trời mà chúng ta, mỗi quốc gia vẫn phải làm việc”.
Liên minh Kinh tế Á - Âu sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-1-2015 sau khi được Quốc hội ba nước thành viên phê chuẩn. Hiện có thêm hai nước là Ác-mê-ni-a và Cư-gư-xtan xin gia nhập và nhiều khả năng sẽ được kết nạp trong năm nay.
Liên minh này, vốn được Tổng thống Na-ra-bay-ép đưa ra ý tưởng lần đầu tiên vào năm 1994 song không được đón nhận ở thời điểm đó, được kỳ vọng giúp hiện thực hóa giấc mơ của Tổng thống Pu-tin về một liên minh đoàn kết các nước có cùng chí hướng, dựa trên sự hoài niệm của nhiều người Nga về tính trật tự và ổn định kinh tế, chính trị của Liên Xô trước đây.
Sau 14 năm cầm quyền, ông Pu-tin coi việc thành lập liên minh này là di sản chính trị cá nhân của mình. Thỏa thuận làm sâu sắc hơn mối quan hệ được thiết lập kể từ khi ba nước có bước đi đầu tiên - thành lập Liên minh Hải quan năm 2010 và giúp bảo đảm tự do lưu thông hàng hóa, dịch vụ, vốn và nhân lực cũng như phối hợp chính sách trong những ngành kinh tế lớn. Liên minh mới sẽ giúp Nga chứng tỏ rằng, họ sẽ không dễ dàng bị cô lập bởi các biện pháp trừng phạt của phương Tây, một thông điệp mà trước đó ông đã gửi cho Mỹ và EU với việc ký thỏa thuận khí đốt trị giá 400 tỷ USD với Trung Quốc tuần trước.
Tuy nhiên, hy vọng của ông Pu-tin về việc thiết lập một liên minh kinh tế rộng lớn Á - Âu đã bị cản trở bởi U-crai-na, quốc gia đã thẳng thừng từ chối gia nhập liên minh. Các nước Cộng hòa thuộc Liên xô trước kia như A-déc-bai-dan, nước sản xuất dầu và khí đốt, hay đất nước giàu khí đốt Tuốc-mê-nít-xtan cùng U-dơ-bê-ki-xtan cũng đã gạt bỏ việc gia nhập liên minh./.
Theo: ĐBND