Kết quả sơ bộ cuộc bầu cử Tổng thống Áp-ga-ni-xtan vòng hai sẽ không được công bố trước ngày 2-7 tới. Địa hình phức tạp, cơ sở hạ tầng yếu kém và những mối đe dọa an ninh thường trực khiến việc kiểm phiếu không thể sớm hoàn tất.
Thêm nữa là những cáo buộc gian lận luôn song hành với mọi sự kiện bỏ phiếu ở quốc gia Nam Á này... Tất cả đang gây áp lực khiến cơ quan bầu cử phải thận trọng hơn. Thế nhưng như một định mệnh, khi người ta bắt đầu kiểm đếm từng lá phiếu cũng là lúc nhà chức trách bắt tay điều tra những thông tin rằng đã có sự gian lận trong cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên tại Áp-ga-ni-xtan.
Thông tin có gian lận trong cuộc bầu cử Tổng thống Áp-ga-ni-xtan khiến nhà chức trách không khỏi đau đầu. Ảnh: Internet |
Người dân Áp-ga-ni-xtan, những cử tri đã vượt qua nỗi sợ hãi sau lời cảnh báo tấn công khủng bố của Ta-li-ban để tham gia sự kiện quan trọng của đất nước hy vọng lựa chọn thực sự của họ về nhà lãnh đạo mới sẽ được tôn trọng. Điều này không chỉ bảo đảm tính minh bạch của cuộc bầu cử mà còn là chìa khóa cho sự ổn định ở quốc gia Nam Á này. Trước đó, những thông tin về gian lận trong cuộc bầu cử năm 2009 đã đẩy đất nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi quan niệm sắc tộc vào vòng xoáy bạo lực. Cũng vì vậy mà cuộc đua trong vòng hai giữa cựu Ngoại trưởng Áp-đu-la và cựu chuyên gia kinh tế Ngân hàng Thế giới (WB) Áp-ra Gha-ni trở nên quyết liệt và khó dự đoán. Dù dẫn trước trong vòng đầu tiên với 45% số phiếu, song việc không xuất thân từ tộc Pa-xtun (chiếm khoảng 42% dân số Áp-ga-ni-xtan) bị xem là một điểm yếu của ông Áp-đu-la so với đối thủ Áp-ra Gha-ni trong trận quyết chiến này.
Thế nhưng, dù ai chiến thắng thì người đó cũng sẽ đi vào lịch sử đất nước Nam Á như một vị tổng thống dân cử đầu tiên (nhà lãnh đạo sắp mãn nhiệm Ha-mít Ka-dai thực chất được lựa chọn bởi chính quyền Mỹ sau cuộc chiến lật đổ Ta-li-ban năm 2001). Song mối quan hệ ngày càng xấu với Oa-sinh-tơn khi ông H.Ka-dai kiên quyết từ chối ký kết Hiệp định An ninh song phương (BSA) với Mỹ nhằm bảo đảm sự có mặt hạn chế của binh lính nước này tại Áp-ga-ni-xtan sau năm 2014 đã nảy sinh không ít vấn đề và quả bóng trách nhiệm đang được đẩy cho người kế cận. Những cuộc thăm dò cho thấy phần lớn người dân mong muốn lực lượng an ninh Áp-ga-ni-xtan tự chịu trách nhiệm về sự an toàn của đất nước thay vì các binh sĩ nước ngoài. Nhưng thực lực non yếu của bộ máy an ninh Áp-ga-ni-xtan dường như không cho phép những sự "tự lực cánh sinh". Do đó, Ca-bun vẫn rất cần sự hỗ trợ của Oa-sinh-tơn, đặc biệt là khoản viện trợ 4 tỷ USD mỗi năm nhằm bảo đảm an ninh theo tinh thần của BSA.
Thế nên, cả ông A.Áp-đu-la và A.Gha-ni đều tuyên bố sẽ lập tức ký BSA với Mỹ như một ưu tiên hàng đầu ngay sau khi ngồi vào chiếc ghế tổng thống. Vì yếu tố lịch sử bắt nguồn từ cuộc chiến năm 2001, cải thiện mối quan hệ căng thẳng giữa Ca-bun và Oa-sinh-tơn nằm trong lợi ích của đất nước nghèo khổ vẫn đang ngày ngày đối mặt với các cuộc tấn công của tàn quân Ta-li-ban và nhiều phần tử cực đoan này. May mắn là khôi phục quan hệ gần gũi hơn với Mỹ không phải là nhiệm vụ quá khó khăn trong bối cảnh Oa-sinh-tơn chưa thể bỏ mặc "chiến trường xưa". Chính quyền Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma coi cuộc bầu cử chọn người kế nhiệm Tổng thống H.Ka-dai sẽ mở đầu cho mối quan hệ tốt đẹp hơn với Áp-ga-ni-xtan, nơi 2.176 binh sĩ Mỹ đã hy sinh và Oa-sinh-tơn đã chi khoảng 700 tỷ USD trong hơn 10 năm chiến sự. Vì vậy, Oa-sinh-tơn không can thiệp và cũng không công khai hậu thuẫn một ứng viên nào bởi lẽ Nhà trắng biết rằng dù ai lên nắm quyền miễn là trong một cuộc bỏ phiếu đúng luật và đáng tin cậy thì đều báo hiệu cơ hội tốt để Mỹ thực hiện mục tiêu giữ lại khoảng 10 nghìn binh lính nước ngoài sau khi sứ mệnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) kết thúc vào cuối năm nay.
Một quá trình chuyển giao chính trị ổn định cũng là cơ sở quan trọng để nền kinh tế phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài như Áp-ga-ni-xtan tiếp tục nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, các đối tác luôn mong muốn đồng tiền của họ sẽ được sử dụng đúng mục đích trong một hệ thống cơ quan công quyền ít hoen ố vì những cáo buộc tham nhũng. Do vậy, bằng mọi cách phát triển kinh tế đang cực kỳ ốm yếu của đất nước là vấn đề sống còn đối với nhà lãnh đạo mới bởi đây là yếu tố then chốt để giúp quốc gia Nam Á không rơi trở lại vực thẳm nội chiến và ngăn chặn chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan vẫn đang trỗi dậy mạnh mẽ./.
Theo: Hà Nội Mới