Mỗi người ra đi đều mong muốn, mong muốn đến khát khao sự trở về. Với họ, càng đi xa và càng đi lâu thì mỗi lần trở về sẽ là một lần họ hiểu hơn, chia sẻ hơn. Và với riêng đoàn kiều bào ra thăm Trường Sa trong chuyến hải trình chở nặng yêu thương hồi cuối tháng 4 vừa qua, lần trở về này, với nhiều người còn có thêm một ý nghĩa mới: Biết sự thật và đối diện với sự thật.
72 tuổi, sống xa Tổ quốc đúng nửa vòng trái đất, bà Phùng Tuệ Châu (kiều bào Mỹ) như không tin mình đã đặt chân tới mảnh đất thiêng của quê hương nơi đảo xa. Bà chia sẻ: Khi còn ở bên Mỹ, tôi nghĩ mình không thể nào được đến với Trường Sa. Bởi, tôi nghe người ta nói đi rất khó khăn với lại tuổi tôi cũng cao. Nhưng rồi, tôi quyết tâm, phải đi đến tận nơi hải đảo để nhìn cho bằng được chủ quyền biển đảo thiêng liêng và cảm nhận về sự hy sinh to lớn của những người đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng đó. Và, được sự ủng hộ của hồn thiêng sông núi, tôi đã được đặt chân lên hòn đảo chủ quyền của dân tộc mình.
Đoàn đại biểu kiều bào thắp hương tưởng niệm tại đảo Trường Sa lớn. Ảnh: Internet |
Bà Châu chỉ là một trong những kiều bào có may mắn được ra Trường Sa kỳ này. So với bà Châu, chuyến trở về lần này của Thiếu úy hải quân lục chiến Việt Nam cộng hòa Nguyễn Ngọc Lập còn có ý nghĩa hơn nhiều. Người đàn ông ấy sau khi đi nửa vòng trái đất cũng đã phải mất 21 năm dằn vặt trong nỗi nhớ quê để có thể trở về như hôm nay. Và, phải mất đúng nửa thế kỷ, ông Lập mới được thăm lại mảnh đất "chôn nhau cắt rốn” của mình-Hà Nội xưa, nay đã đổi thay nhiều, đã đẹp thêm lên. Với cựu thiếu úy hải quân lục chiến của chế độ cũ, lần trở về này quả thực là một chuyến đi để biết sự thật và đối diện với sự thật. Cũng ở lần trở về sau 21 năm xa cách biền biệt, ông bỗng hiểu cái lẽ đời giản dị của một đứa con mang trong mình dòng máu Việt: "Là người dân Việt Nam, tôi nghĩ rằng, có nhiều cách để bày tỏ lòng yêu nước của mình. Tôi nghĩ đã đến lúc thôi đối đầu mà cùng nhau đối thoại. Yêu nước là phải cùng nhau làm giàu cho đất nước, chẳng hạn như kêu gọi Việt kiều mua hàng Việt Nam xuất sang Mỹ, tìm cách giúp cho các doanh nhân Việt thâm nhập vào thị trường Mỹ bớt gặp khó khăn hơn...”.
Trở về, đối với ông Nguyễn Ngọc Lập lần này, được thỏa ước muốn: Dù chỉ một lần trực tiếp được bày tỏ sự kính trọng với cha mẹ vợ đã khuất. "Nó hơn vạn lần so với nén nhang điện tử”- ông nghẹn ngào nói. Và, cái cảm giác rưng rưng ấy có lẽ sẽ còn được ông giữ mãi cho đến sau này khi ông cùng những đồng bào ở xa Tổ quốc khác được một lần đặt chân tới Trường Sa. Hòa cùng nhịp đập trái tim của những người con Việt, ông bảo: Người Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu đều hướng về đất nước và sẵn sàng chung tay góp công sức để bảo vệ Tổ quốc nếu có bất cứ quân xâm lược nào đụng tới Việt Nam.
Thực ra, không phải bây giờ Ủy ban Nhà nước Về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) mới tổ chức chuyến đi Trường Sa cho những kiều bào ở khắp nơi trên thế giới. Nhưng, cái khác của chuyến hải trình lần thứ 3 này, đó là, trên con tàu HQ571 ra Trường Sa có thêm những "nhân vật” mới - những người con Việt vốn lâu nay vẫn tự nhận mình ở phía đối diện với dân tộc, với đồng bào mình. Ý tứ về sự có mặt của họ chính là để họ có thể hiểu hơn những gì mà bà con, chiến sĩ ở trong nước đang làm nhằm bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa. Cũng vì thế mà theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước Về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Thanh Sơn: "Chúng tôi đã mời một số thành phần còn có tư tưởng chống đối quyết liệt trực tiếp ra Trường Sa để tận mắt chứng kiến những việc chúng ta đang làm”. Nhưng sâu xa hơn cả đó là thực hiện cho được chính sách hòa giải, hòa hợp, đại đoàn kết dân tộc; mà đỉnh điểm chính là đại lễ cầu siêu tại đảo Trường Sa lớn cho tất cả những người con đất Việt đã hy sinh vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc và đồng bào cùng bạn bè quốc tế tử nạn trên Biển Đông. Một buổi lễ với hy vọng mang theo tình yêu vô bờ của đất liền sưởi ấm những người con đang yên giấc tít tận biển sâu. Một buổi lễ mà ngay cả những người có mặt cũng cảm thấy hơi ấm từ những tình cảm và những giọt nước mắt xúc động đã giúp họ xích lại gần nhau hơn bao giờ hết.
Và họ sẽ còn xúc động hơn nữa nếu biết rằng, có một người đàn ông Việt không quen biết họ, không cùng đi trên chuyến hải trình ngập tràn yêu thương ấy đã nói với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu Quốc hội Hà Nội trong cuộc tiếp xúc cử tri cuối tuần qua: "Trong lúc chúng ta đang kêu gọi hòa hợp dân tộc, Nhà nước cần quan tâm đến chính sách, gia đình của những người phía bên kia”. Chúng tôi muốn mượn lời phát biểu của cử tri Phạm Quy (phường Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) để nói về những nỗ lực hòa hợp, hòa giải và đại đoàn kết mà Đảng, Nhà nước đang nỗ lực thực hiện./.
Một buổi lễ với hy vọng mang theo tình yêu vô bờ của đất liền sưởi ấm những người con đang yên giấc tít tận biển sâu. Một buổi lễ mà ngay cả những người có mặt cũng cảm thấy hơi ấm từ những tình cảm và những giọt nước mắt xúc động đã giúp họ xích lại gần nhau hơn bao giờ hết. |
Theo: Đại Đoàn Kết