Nhiều học giả quốc tế đã bày tỏ bất bình trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời cho rằng Bắc Kinh đang cố tình gây căng thẳng trong khu vực.
Tại hội thảo về "Vai trò của I-ta-li-a tại châu Á - Thái Bình Dương" tổ chức tại Rô-ma ngày 7-5, nhiều học giả, diễn giả và đại biểu đã lên án mạnh mẽ các hành động gây hấn của Trung Quốc.
Đây là hội thảo do Bộ Ngoại giao I-ta-li-a phối hợp với Viện nghiên cứu các vấn đề chiến lược quốc tế và Viện nghiên cứu chiến lược quốc phòng tổ chức. Đại sứ Việt Nam tại I-ta-li-a Nguyễn Hoàng Long tham gia hội thảo với tư cách khách mời và diễn giả.
Sau khi nghe Đại sứ Nguyễn Hoàng Long thông báo về tình hình căng thẳng trên Biển Đông, nhất là những diễn biến cập nhật về việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam, các đại biểu cho rằng Bắc Kinh đang cố tình gây căng thẳng, đe dọa hoà bình, an ninh, ổn định và an toàn hàng hải trong khu vực. Các đại biểu kêu gọi thực thi giải pháp hòa bình, đối thoại và tôn trọng lẫn nhau.
Một số đại biểu còn khẳng định, với tư cách thành viên Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-7) và có mối quan tâm tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, I-ta-li-a cần góp phần cùng cộng đồng quốc tế tháo gỡ căng thẳng ở Biển Đông để tiến tới giải quyết tranh chấp theo luật pháp quốc tế.
Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu cảnh sát biển của Việt Nam tại khu vực gần giàn khoan HD-981. Ảnh: Internet |
Một trong những cách thức I-ta-li-a có thể thực hiện là đảm nhiệm vai trò trung gian hòa giải trong các cuộc tranh chấp, bao gồm cả tranh chấp ở Biển Đông.
Từ Xinh-ga-po, Tiến sĩ I-an Stô-ri thuộc Viện nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á (ISEAS) cũng nhận định việc Trung Quốc đưa giàn khoan nước sâu vào vùng biển của Việt Nam đang tạo ra “kịch bản vô cùng nguy hiểm”.
“Chúng ta (các nước trong khu vực) đang có nguy cơ sẽ phải đối mặt với một kịch bản vô cùng nguy hiểm”, nhật báo hàng đầu của “đảo quốc sư tử”, tờ Straits Times, dẫn lời Tiến sĩ I-an Stô-ri nói.
Theo Tiến sĩ I-an Stô-ri, Việt Nam cần có phản ứng mạnh mẽ trước những thách thức liên quan đến vấn đề chủ quyền, cho dù Trung Quốc cũng sẽ có hành động sau các phản ứng của Việt Nam.
Cũng theo tờ Straits Times, ngoài Tiến sĩ I-an Stô-ri, một số nhà phân tích khác của Xinh-ga-po cũng có chung quan điểm rằng việc Trung Quốc đặt giàn khoan HD- 981 tại Biển Đông là bước leo thang đáng kể trong tranh chấp với một số nước châu Á khác.
Trước đó, một học giả hàng đầu của Trung Quốc là ông Lý Lệnh Hoa cũng phản đối hành động của chính quyền Bắc Kinh và kêu gọi việc tuân thủ UNCLOS. Theo ông Lý Lệnh Hoa, Trung Quốc đã ký Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) 1982, do vậy nước này cần phải hành xử theo Điều 74 và 83, tôn trọng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước xung quanh.
Ông Lý Lệnh Hoa đưa ra tuyên bố trên trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Thời báo Hoàn cầu và sau đó đích thân ông đưa lại nội dung lên trang blog cá nhân ở địa chỉ 163.com. Trong bài viết nhan đề "Hành động tinh vi của mạng Hoàn cầu và Thời báo Hoàn cầu" (ấn phẩm của Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc), ông Lý Lệnh Hoa đã kể lại chi tiết cuộc trả lời phỏng vấn mà ông thực hiện nhưng không được tờ báo này đăng tải./.
Theo: DT