Quan hệ đồng minh trên "bản đồ lợi ích"

08:05, 21/05/2014

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ C.Hây-gơ vừa kết thúc chuyến thăm Trung Đông nhằm cùng các đồng minh tìm cách đối phó thách thức mới liên quan tình hình Xy-ri và I-ran. Diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh trong khu vực trải qua không ít sóng gió, người đứng đầu Lầu Năm Góc muốn hàn gắn những rạn nứt quan hệ, đồng thời tái khẳng định cam kết của Mỹ bảo đảm an ninh cho các đồng minh.

Đây là chuyến thăm thứ ba của Bộ trưởng Hây-gơ trong một năm qua tới Trung Đông. Tại chặng dừng chân đầu tiên ở Thành phố cảng Giê-đa của A-rập Xê-út, Bộ trưởng Hây-gơ đã tiếp xúc với các Bộ trưởng Quốc phòng GCC (gồm A-rập Xê-út, Cô-oét, Ca-ta, Ba-ren, Ô-man và Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất - UAE) trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - GCC lần đầu kể từ năm 2008. Đây là dịp để Mỹ thảo luận với các đồng minh biện pháp phối hợp phòng thủ tên lửa và phòng không, an ninh hàng hải, bảo vệ an ninh mạng và đối phó "các thách thức an ninh cấp bách nhất" ở khu vực. Mỹ cũng kêu gọi tăng cường phối hợp trong liên minh các nước vùng Vịnh sau những rạn nứt chưa từng có trong khối do việc Ca-ta hậu thuẫn tổ chức Anh em Hồi giáo ở Ai Cập, điều được cho là cản trở nỗ lực tạo một "mặt trận thống nhất chống I-ran". Tại hội nghị, ông Hây-gơ công khai bày tỏ ủng hộ "sự đoàn kết" giữa các nước GCC nhằm có những phản ứng tập thể trước "mối đe dọa" từ I-ran.

Nội dung chiếm phần lớn trong các cuộc gặp của lãnh đạo Lầu Năm Góc là trấn an đồng minh trước sự mở rộng vai trò của I-ran trong khu vực, cũng như cam kết tăng cường hậu thuẫn phe đối lập Xy-ri nhằm tìm cách giải quyết dứt điểm cuộc nội chiến ở nước này theo hướng họ muốn.

Các nước GCC từ lâu luôn lo ngại sự mở rộng ảnh hưởng của I-ran thông qua chính quyền của Tổng thống Xy-ri B.Át-xát. Vì thế, GCC ráo riết hậu thuẫn phe nổi dậy Xy-ri nhằm lật đổ ông Át-xát càng sớm càng tốt. Thái độ chần chừ của Mỹ trong quyết định tiến công Xy-ri năm ngoái từng khiến các nước vùng Vịnh, nhất là A-rập Xê-út, không hài lòng, dẫn tới rạn nứt quan hệ đồng minh. Quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu OPEC này cũng là đối tác nhập khẩu vũ khí hàng đầu của Mỹ. Kể từ năm 2010, Chính phủ Mỹ đã thông qua các hợp đồng cung cấp vũ khí trị giá tới hơn 86 tỷ USD cho A-rập Xê-út, trong đó có hạm đội máy bay chiến đấu F-15, trực thăng chiến đấu Apache, tên lửa Patriot cùng các vũ khí tối tân khác. Bởi thế, trong chuyến thăm này, ông Hây-gơ tìm mọi cách để hàn gắn mối quan hệ đôi bên cùng có lợi này.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ C.Hây-gơ. Ảnh: Internet
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ C.Hây-gơ. Ảnh: Internet

Người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng muốn khẳng định cam kết bảo đảm an ninh cho Gioóc-đa-ni, quốc gia láng giềng của Xy-ri. Ông Hây-gơ đã tới thăm một trung tâm chỉ huy ngầm Mỹ - Gioóc-đa-ni, nơi có tới 273 sĩ quan Mỹ làm việc. Trung tâm này nằm cách phía bắc Thủ đô Am-man của Gioóc-đa-ni chỉ 10km, được thành lập tháng 8-2013 để chỉ đạo hành động quân sự phối hợp trong trường hợp xảy ra cuộc chiến ở Xy-ri, cũng như nhằm chống lại bất kỳ mối đe dọa quân sự nào từ phía Xy-ri và lực lượng Héc-bô-la ở Li-băng đối với Gioóc-đa-ni và I-xra-en. Tại đây, ông Hây-gơ đã dự một cuộc họp giao ban của các chỉ huy Mỹ và Gioóc-đa-ni, trực tiếp theo dõi cuộc tiến công của quân nổi dậy Xy-ri. Trong khi đó, một cuộc tập trận chung Mỹ - Gioóc-đa-ni cũng được tổ chức bên trong và chung quanh một căn cứ không quân ở miền đông Gioóc-đa-ni, nơi được coi là có thể chuẩn bị cho bất kỳ sự can thiệp quân sự nào của Mỹ vào Xy-ri nếu cần.

Trong nỗ lực củng cố quan hệ đồng minh gắn kết, hai Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và I-xra-en thảo luận sự phối hợp tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa của Ten A-víp. Nhằm trấn an đồng minh, ông Hây-gơ hứa với I-xra-en rằng, trong mọi trường hợp, Mỹ sẽ không để I-ran sở hữu vũ khí hạt nhân. Cam kết này nhằm làm dịu chỉ trích của Ten A-víp về quan điểm thỏa hiệp của các cường quốc nhóm P5+1, trong đó có Mỹ, tại các cuộc đàm phán hạt nhân với I-ran trước mục tiêu đạt thỏa thuận cuối cùng vào tháng 7 tới. Vốn giữ quan điểm thù địch với I-ran, I-xra-en ngày đêm nơm nớp lo Tê-hê-ran có thể thực hiện "giấc mơ" sản xuất bom hạt nhân.

Các mối quan hệ đồng minh ở Trung Đông vốn được Mỹ "vun đắp" trong mấy thập kỷ qua đã trải qua không ít thăng trầm. Chương trình nghị sự dày đặc trong chuyến công du của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã cho thấy, mối quan hệ đó vẫn gắn bó vì mục tiêu chung đối phó những diễn biến mới ở khu vực. Cho dù có lúc chính quyền Ô-ba-ma làm mất lòng các đồng minh trong cách tiếp cận đối với các vấn đề I-ran hay Xy-ri, một điều rõ ràng, các nước đồng minh ở Trung Đông, đồng thời cũng là những khách hàng mua sắm vũ khí và nhà cung cấp dầu mỏ tiềm năng, vẫn luôn giữ vị trí quan trọng về cả an ninh và kinh tế trên "bản đồ lợi ích" của Mỹ./.

Theo: Nhân Dân
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com