Căng thẳng tại miền Đông U-crai-na chưa có dấu hiệu lắng dịu, thậm chí còn bị đẩy lên cao ngay sau khi nước này kết thúc cuộc bầu cử Tổng thống với chiến thắng thuộc về tỷ phú Pê-trô Pô-rô-xen-cô, người được kỳ vọng sẽ giúp đất nước thoát khỏi tình trạng xung đột, chia rẽ hiện nay. Trước tình hình này, phương Tây đã lên tiếng kêu gọi Nga hợp tác chấm dứt xung đột ở miền Đông U-crai-na, trong khi ông Pô-rô-xen-cô cũng bày tỏ sẵn sàng đối thoại với Nga nhằm xoa dịu căng thẳng.
Khu vực miền Đông U-crai-na hiện là tâm điểm của cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc ở quốc gia Đông Âu này và thực chất là cuộc tranh giành Đông - Tây. Không lâu sau khi bán đảo Crưm sáp nhập vào Liên bang Nga, thì hai tỉnh Đô-nhét-xcơ và Lu-gan-xcơ thuộc miền Đông U-crai-na đã tiến hành trưng cầu ý dân và tuyên bố thành lập nước cộng hòa tự xưng.
Đúng như tuyên bố được ông Pô-rô-xen-cô đưa ra ngay sau khi đắc cử Tổng thống rằng sẽ không thương lượng với lực lượng biểu tình ở khu vực miền Đông, trong ngày 27-5, quân đội U-crai-na đã mở các cuộc tấn công quân sự ồ ạt, bắn phá Thành phố Xla-vi-an-xcơ và sân bay quốc tế ở Đô-nhét-xcơ. Con số thương vong của cả hai phía, trong đó có dân thường, đã lên hơn một trăm người.
Các cuộc biểu tình phản đối chính quyền ở miền Đông U-crai-na ngày càng gia tăng biến thành bạo lực đổ máu. Ảnh: AFP |
Trước tình hình trên, quân đội U-crai-na và đại diện nước Cộng hòa tự xưng Đô-nhét-xcơ đã nhất trí tạm đình chiến để thu dọn thi thể những người thiệt mạng. Tuy nhiên, theo các nhân chứng, tại khu vực sân bay Đô-nhét-xcơ và một số tuyến phố vẫn vang lên tiếng súng. Căng thẳng ít có cơ hội "hạ nhiệt" khi người phát ngôn các lực lượng vũ trang U-crai-na khẳng định, chiến dịch quân sự của chính quyền sẽ tiếp tục cho đến khi nào tiêu diệt hết “những kẻ khủng bố”.
Trước tình hình xung đột leo thang ở khu vực miền Đông, Thủ tướng tạm quyền U-crai-na Ác-sen-ni Iát-xe-nhi-úc hôm 28-5 kêu gọi Nga đóng cửa biên giới với U-crai-na nhằm ngăn chặn “những phần tử du kích” từ Nga vào nước láng giềng.
Ông Iát-xe-nhi-úc kêu gọi Nga chấm dứt việc hỗ trợ cho những lực lượng mà chính quyền U-crai-na gọi là khủng bố ở miền Đông - điều mà Nga hoàn toàn phủ nhận: “Chúng tôi yêu cầu Nga và cá nhân Tổng thống Pu-chin lên án những kẻ khủng bố này, đóng cửa biên giới lại. Ông Pu-chin cần hỗ trợ U-crai-na loại bỏ những phần tử khủng bố đó”.
Mặc dù cáo buộc Nga hậu thuẫn lực lượng ly khai ở miền Đông và tuyên bố không đối thoại với lực lượng này, song chính quyền lâm thời U-crai-na hy vọng có thể đối thoại với Nga nhằm hạ nhiệt tình hình. Tuy nhiên, với cách tiếp cận này, chính quyền U-crai-na sẽ khó tìm được giải pháp cho bất ổn ở miền Đông, bởi Nga yêu cầu họ phải chấm dứt biện pháp vũ lực đối với người biểu tình và thúc đẩy đối thoại dân tộc.
Trong tuyên bố đưa ra sau hội nghị tại Brúc-xen, Bỉ, ngày 28-5, Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi Nga hợp tác trong việc chấm dứt xung đột ở khu vực miền Đông U-crai-na. Lãnh đạo 28 nước thành viên EU bày tỏ hy vọng Nga sẽ hợp tác với Tổng thống "mới được bầu hợp pháp" của U-crai-na Pô-rô-xen-cô và sử dụng ảnh hưởng đối với lực lượng tự vệ địa phương ở miền Đông U-crai-na để làm giảm căng thẳng ở khu vực này. EU cũng "khuyến khích Nga tham gia cuộc đối thoại thẳng thắn và cởi mở", đồng thời tiếp tục rút quân khỏi khu vực biên giới giáp với U-crai-na.
Phản ứng trước động thái trên, cùng ngày Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố nước này sẵn sàng cử nhân viên cứu trợ tới miền Đông U-crai-na và hy vọng chính quyền lâm thời Ki-ép sẽ tạo điều kiện cho việc cung cấp hàng cứu trợ, chủ yếu là thuốc men tới khu vực này.
Trong phát biểu hôm 28-5, Ngoại trưởng Nga Xéc-gây La-vrốp nhấn mạnh việc chấm dứt đổ máu tại miền Đông U-crai-na là nhiệm vụ tối quan trọng của chính quyền Ki-ép sau cuộc bầu cử Tổng thống: “Cuộc bầu cử Tổng thống U-crai-na hôm 24-5 có thể giúp chấm dứt hoạt động trừng phạt và tình trạng bạo lực khác, có thể mở ra khả năng đối thoại rộng mở và giải quyết mọi vấn đề thông qua giải pháp hòa bình trên cơ sở bảo vệ các quyền và lợi ích của mọi vùng của U-crai-na”.
Một số tín hiệu tích cực liên quan việc thúc đẩy đối thoại về vấn đề U-crai-na đã được đưa ra khi Tổng thống Pháp Phrăng-xoa Ô-lăng kêu gọi U-crai-na tiến hành đàm phán với các lực lượng biểu tình ở miền Đông và ổn định quan hệ với Nga. Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết Tổng thống Phrăng-xoa Ô-lăng đã mời Tổng thống đắc cử của U-crai-na Pô-rô-xen-cô tới dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày quân đồng minh đổ bộ lên Noóc-măng-đi, bắt đầu chiến dịch giải phóng châu Âu khỏi Đức quốc xã trong chiến tranh thế giới thứ 2 vào ngày 6-6 tới.
Nếu nhận lời mời, ông Pô-rô-xen-cô nhiều khả năng sẽ gặp Tổng thống Nga Pu-chin - người dự kiến cũng tham dự lễ kỷ niệm trên cùng các nhà lãnh đạo thế giới. Trước đó, ông Pô-rô-xen-cô cho biết có kế hoạch tiến hành đàm phán với Tổng thống Nga Pu-chin trong nỗ lực "xoa dịu" căng thẳng tại U-crai-na./.
Theo: VOV