Nga chỉ trích lệnh mở rộng trừng phạt của Liên minh châu Âu

08:05, 14/05/2014

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov, ngày 13/5 cáo buộc Liên minh châu Âu (EU) theo đuổi chính sách “vô trách nhiệm và xa rời thực tế” khi gia tăng lệnh trừng phạt chống lại Moscow.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov. (Ảnh: Ria Novosti)
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov. (Ảnh: Ria Novosti)

Hãng thông tấn Ria Novosti, ngày 13/5 dẫn lời ông Ryabkov cho rằng, thay vì đưa ra các nỗ lực để cải thiện tình hình, hạ nhiệt khủng hoảng, giải giáp vũ khí của các lực lượng cánh hữu và đề xuất đối thoại trực tiếp giữa các nhà cầm quyền ở Kiev và trong khu vực, thì các đối tác EU lại đang theo đuổi chính sách một chiều, hời hợt và không tương xứng.

Tuyên bố trên được quan chức ngoại giao Nga đưa ra trong bối cảnh tại cuộc họp ở Brussels (Bỉ) ngày 12/5, các Ngoại trưởng EU đã nhất trí đưa thêm 13 quan chức của Nga, Ukraine và 2 công ty năng lượng Crimea vào danh sách áp đặt biện pháp cấm thị thực và phong tỏa tài sản.

Kể từ tháng 3/2014, Mỹ và EU đã áp đặt lệnh trừng phạt lên các quan chức và 17 công ty Nga sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin thông qua sắc lệnh sáp nhập Crimea. Không những thế, các nhà lãnh đạo nhóm G7 (gồm: Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật và Mỹ) hiện còn đang cảnh báo sẽ áp đặt lệnh trừng phạt lên một số lĩnh vực chủ chốt trong nền kinh tế Nga nếu như cuộc khủng hoảng tại Ukraine tiếp tục diễn biến căng thẳng.

Về phía Moscow đã từng nhiều lần tuyên bố lập trường rằng việc sử dụng ngôn ngữ trừng phạt là “không phù hợp và phản tác dụng”, đồng thời cảnh báo các đối tác phương Tây về “hiệu ứng boomerang” của các biện pháp trừng phạt. Trong khi đó, hiện một số thành viên EU cũng đã bày tỏ quan ngại trước nguy cơ các lệnh siết chặt trừng phạt Nga sẽ “hủy hoại” nền kinh tế châu Âu.

Tạp chí Stern (Đức) vừa công bố dữ liệu cho thấy, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu này sẽ bị giảm 0,9% trong năm 2014 và 0,3% trong năm 2015 nếu như EU tiếp tục siết chặt trừng phạt chống lại Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Bài báo trên nêu rõ, tăng trưởng GDP của Đức hiện ước đạt 1,6% trong năm 2014 và 2,0% trong năm 2015. Tuy nhiên, các lệnh siết chặt trừng phạt Nga có nguy cơ sẽ kéo tỷ lệ trên đi xuống do hiệu ứng giá năng lượng bị đẩy lên cao sẽ tác động không nhỏ đến nguồn cung năng lượng của Đức./.

Theo dangcongsan.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com