Hạn chót (ngày 29-4) mà Mỹ đặt ra cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa Pa-le-xtin và I-xra-en đã trôi qua mà không có bất cứ thỏa thuận nào đạt được. Căng thẳng giữa hai bên vẫn gia tăng với các hành động trả đũa lẫn nhau...
Ngày 28-4, các quan chức cấp cao của Tổ chức Giải phóng Pa-le-xtin (PLO) cho biết, Hội đồng Trung ương của tổ chức này đã thông qua một loạt nghị quyết để trả đũa I-xra-en, theo đó Pa-le-xtin tiếp tục nỗ lực gia nhập các cơ quan của LHQ và công ước quốc tế. PLO đã quyết định tăng cường nỗ lực nhằm tìm kiếm vị thế Nhà nước thông qua việc ký 63 hiệp định quốc tế của LHQ.
Ngoài ra, PLO yêu cầu Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng LHQ lên án I-xra-en xây dựng khu định cư, tiến hành các hoạt động chống Pa-le-xtin ở Giê-ru-xa-lem và gây tổn hại các nhà thờ Thiên chúa giáo và đền thờ Hồi giáo, nhất là đền thờ al-Aqsa tại Giê-ru-xa-lem. Hội đồng Trung ương PLO còn bỏ phiếu yêu cầu các nước thành viên LHQ tẩy chay các Cty và tổ chức hợp tác với sự chiếm đóng.
Trong một nghị quyết khác, hội đồng 120 thành viên của PLO xác nhận “hoàn toàn bác bỏ” đòi hỏi của Thủ tướng I-xra-en B.Nê-ta-ni-a-hu về việc Pa-le-xtin phải công nhận I-xra-en là nhà nước Do Thái. Tuy nhiên, PLO vẫn để ngỏ cánh cửa nối lại thương lượng với I-xra-en trên cơ sở các nghị quyết quốc tế và với điều kiện I-xra-en ngừng xây dựng khu định cư.
Nỗ lực trung gian hòa giải của Mỹ trong tiến trình hòa bình Trung Đông chưa thành công. Ảnh: Internet |
Các động thái cương quyết nói trên của PLO diễn ra sau khi I-xra-en ngừng đàm phán hòa bình hồi cuối tuần qua sau khi phong trào Pha-ta của Tổng thống M.Áp-bát ký thỏa thuận hòa giải với phong trào Ha-mát. Hai bên đã liên tiếp trả đũa nhau về ngoại giao sau khi I-xra-en từ chối tiến hành đợt trao trả tù nhân Pa-le-xtin theo kế hoạch tái khởi động đàm phán hòa bình Trung Đông.
Trong khi đó, ngày 28-4, I-xra-en đã xác nhận thực hiện thêm các biện pháp trừng phạt Pa-le-xtin trong nỗ lực được cho là nhằm trả đũa việc Pa-le-xtin tiếp tục thúc đẩy nỗ lực tìm kiếm vị thế một Nhà nước. Trong đó có việc I-xra-en ngừng cấp phép các kế hoạch xây dựng nhà cho người Pa-le-xtin tại Khu C của Bờ Tây, vùng đất đang nằm hoàn toàn dưới sự kiểm soát của I-xra-en. Ngoài ra, I-xra-en cũng đang lên kế hoạch áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt mới đối với Pa-le-xtin.
Những động thái căng thẳng nêu trên giữa Pa-le-xtin và I-xra-en đang đặt cuộc đàm phán hòa bình Trung Đông được tái khởi động từ tháng 7-2013, dưới vai trò trung gian hòa giải của Mỹ trước nguy cơ thất bại hoàn toàn. Theo đó, hạn chót được đặt ra là trong vòng 9 tháng, tức đến ngày 29-4-2014, hai bên phải đạt được thỏa thuận về hàng loạt các vấn đề cốt lõi như an ninh, biên giới và việc công nhận Nhà nước Pa-le-xtin và Nhà nước I-xra-en.
Vậy nhưng hạn chót đã trôi qua, không những không đạt được thỏa thuận nào, mà hai bên còn trở nên căng thẳng hơn. Trước thời hạn chót, tuần trước, I-xra-en đã tuyên bố ngừng đàm phán với Pa-le-xtin. Thực chất, trong suốt 9 tháng đàm phán được nối lại, có rất ít những động thái xây dựng lòng tin từ hai phía, hoặc nếu có cũng nhanh chóng bị phá vỡ bởi những động thái trả đũa lẫn nhau. Hơn nữa, hai bên đều không chịu nhượng bộ từ bỏ các mục tiêu cốt lõi và điều kiện tiên quyết của mình đó là vấn đề biên giới lãnh thổ. Ngày 29-4, Tổ chức Giám sát hoạt động định cư của I-xra-en - Peace Now cho biết, trong thời gian 9 tháng đàm phán hòa bình với I-xra-en nói trên, I-xra-en đã thông qua các kế hoạch xây mới 13.851 nhà định cư. Theo nhận định của ông Y-a-ríp Ốp-pen-hây-mơ, Chủ tịch của Peace Now, Thủ tướng B.Nê-ta-ni-a-hu đã phá kỷ lục về xây nhà định cư trong 9 tháng đàm phán. Trong khi đó, Tổng thống Pa-le-xtin M.Áp-bát ngày 29-4 tuyên bố không thể có hòa bình với I-xra-en nếu trước tiên không xác lập được các đường biên giới của Nhà nước Pa-le-xtin trong tương lai.
Trước nguy cơ thất bại của vòng đàm phán, vài ngày trước thời hạn chót, chính Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma đã phải thừa nhận rằng, đàm phán hòa bình Trung Đông được nối lại một cách gượng ép và việc tạm dừng là điều cần thiết để hai bên cùng tìm kiếm giải pháp thay thế./.
Theo qdnd.vn