Liên tiếp trong những ngày qua, nhiều Chính phủ, các nhà lãnh đạo quốc gia, các chính khách, học giả và dư luận báo chí các nước đã có những tuyên bố, phân tích về hành động sai trái của Trung Quốc và ủng hộ lập trường kiên quyết của Việt Nam trong việc yêu cầu phía Trung Quốc rút bỏ giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) và các tàu của Trung Quốc khỏi vùng biển Việt Nam.
ASEAN cần đoàn kết để sớm hoàn tất COC
Trả lời phỏng vấn đài Channel News Asia (Xinh-ga-po) ngày 9-5, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh xem vụ Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương - 981 vào vùng biển Việt Nam và cho tàu Trung Quốc đâm vào tàu Việt Nam tại khu vực giàn khoan là “cực kỳ nghiêm trọng”. Tổng Thư ký ASEAN nhấn mạnh: “Với tình hình căng thẳng đang có chiều hướng gia tăng, ASEAN cần sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)”.
Tổng thống Phi-líp-pin Be-ni-nô A-ki-nô ngày 10-5 kêu gọi lãnh đạo các quốc gia thành viên ASEAN cùng đương đầu với mối đe dọa từ những tham vọng bá quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Ông A-ki-nô cho biết ông sẽ nêu những ảnh hưởng lên khu vực của sự kiện này (Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam) với các lãnh đạo các nước Đông Nam Á trong Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Mi-an-ma.
Tổng thống A-ki-nô nói, mặc dù không phải tất cả các nước thành viên ASEAN đều có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trên Biển Đông, nhưng vấn đề này có liên quan đến an ninh hàng hải của cả khu vực nói chung. Ông A-ki-nô cho biết thêm ông sẽ kêu gọi ASEAN đoàn kết để sớm hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). "Bước đi này thể hiện niềm tin của chúng tôi, rằng một vấn đề ảnh hưởng tới tất cả các nước trong khu vực không thể giải quyết được một cách hiệu quả chỉ thông qua đối thoại giữa hai nước", Tổng thống Phi-líp-pin nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Xinh-ga-po K.Xan-mu-gam tuyên bố: "Trên Biển Đông, sự cố mới nhất xảy ra là một vấn đề rất nghiêm trọng”. Ông Xan-mu-gam khẳng định: "Trung lập không có nghĩa là giữ yên lặng. Nếu Hiệp hội giữ yên lặng về những sự cố gần đây thì uy tín của ASEAN sẽ bị tổn hại nghiêm trọng”.
Chân lý lịch sử đứng về phía Việt Nam
Ông An-béc-tô A-nay-a Gu-chi-rét, Tổng Bí thư Đảng Lao động Mê-hi-cô (PT), Hạ nghị sĩ Liên bang, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Mê-hi-cô -Việt Nam tuyên bố: “Sự việc đang xảy ra ở vùng biển của Việt Nam là điều đáng tiếc”.
Giàn khoan HD-981 của Trung Quốc hạ đặt trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chỉ cách đảo Lý Sơn 120 hải lý. Ảnh: Internet |
Ông An-béc-tô A-nay-a Gu-chi-rét cũng nhấn mạnh: “Chân lý lịch sử đứng về phía Việt Nam, luật pháp quốc tế ủng hộ Việt Nam và vấn đề này cần phải thảo luận tại các tổ chức quốc tế trên bình diện đa phương”. Tổng Bí thư An-béc-tô A-nay-a Gu-chi-rét kêu gọi giải quyết vấn đề Biển Đông tại các thể chế quốc tế và dựa trên luật pháp quốc tế và bày tỏ sự ủng hộ quyền được bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Vào ngày 9-5, Ấn Độ đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về vụ Trung Quốc gây hấn với Việt Nam ở Biển Đông. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã nêu rõ: "Chúng tôi đang theo dõi với sự lo ngại về những diễn biến mới đây tại Biển Đông. Chúng tôi tin rằng duy trì hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng trong khu vực là lợi ích sống còn đối với cộng đồng quốc tế". Người đại diện Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng cho biết: "Chúng tôi mong muốn chứng kiến giải pháp cho vấn đề thông qua các biện pháp hòa bình theo các nguyên tắc đã được thừa nhận rộng rãi của luật quốc tế. Trong bối cảnh này, chúng tôi tiếp tục khẳng định rằng tự do hàng hải tại Biển Đông không được cản trở, đồng thời kêu gọi sự hợp tác trong bảo đảm an ninh của các tuyến đường biển và tăng cường an ninh hàng hải".
Tại Mỹ, tiếp theo các tuyên bố của Thượng nghị sĩ Giôn Mắc-kên và Hạ nghị sĩ Pha-ma-va-ga, ngày 9-5 một nhóm các Thượng nghị sĩ có thế lực của Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ ra tuyên bố chung lên án việc Trung Quốc liên tục có những hành động gây rối ở Biển Đông.
Nhóm các nghị sĩ này cũng hối thúc các đồng nghiệp thông qua nghị quyết của Thượng viện Mỹ tái khẳng định sự ủng hộ của Chính phủ Mỹ đối với hoạt động tự do hàng hải trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải bằng con đường ngoại giao hòa bình.
Tuyên bố chung có đoạn viết: "Việc Trung Quốc mới đây di chuyển một giàn khoan thăm dò, được các tàu quân sự và tàu khác hộ tống, vào vùng biển có tranh chấp ở Biển Đông ngoài khơi Việt Nam cùng với những hành vi hiếu chiến tiếp sau đó của tàu Trung Quốc, trong đó có việc đâm vào các tàu của Việt Nam, là rất đáng quan ngại. Những hành động này đe dọa dòng chảy thương mại tự do toàn cầu trong một khu vực có tầm quan trọng sống còn". Tuyên bố nêu rõ: "Chúng tôi hối thúc chính quyền nói rõ với Trung Quốc ở cấp cao nhất rằng các yêu sách và tranh chấp lãnh thổ cần phải được giải quyết một cách hòa bình, thông qua ngoại giao và phù hợp với luật pháp quốc tế. Các hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng hoặc sử dụng vũ lực, cưỡng bức và hăm dọa đều không thể chấp nhận và sẽ dẫn tới bất ổn định".
Trang ngôn luận The Interpreter của Viện Lowy về chính sách quốc tế của Ô-xtrây-li-a ngày 8-5 gọi hành động của Trung Quốc là “nghiêm trọng” và “rõ ràng trái ngược với tinh thần và lời văn của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc ký với ASEAN năm 2002".
Ông An tôn Xvéc-tốp, chuyên viên Hội đồng Đối ngoại Nga cho rằng vị trí hạ giàn khoan nằm cách bờ biển Việt Nam 220km, nghĩa là chiếu theo UNCLOS năm 1982 thì vị trí này nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ông còn nhấn mạnh: "Các vụ gây hấn tương tự của Trung Quốc đã từng xảy ra nhiều lần trong quá khứ song lần này đi xa hơn và nguy hiểm hơn. Trung Quốc không dừng lại ở việc va chạm thông thường giữa các tàu của hai bên mà đi xa hơn với một hành động được lên kế hoạch bài bản. Việc Trung Quốc huy động một đội tàu hùng hậu để hộ tống giàn khoan có chiều cao 136m xuống Biển Đông đã đủ nói lên tất cả. Tôi có cảm giác rằng Bắc Kinh muốn thăm dò phản ứng và kiểm tra ngưỡng chịu đựng của các nước trong khu vực cũng như Mỹ, mặc dù giữa Việt Nam và Mỹ không có thoả thuận hợp tác quân sự theo cam kết đồng minh nào. Trung Quốc muốn dò xem có thể tiến được bao xa nữa trong cuộc chơi khoe cơ bắp và qua đó đánh giá tính hiệu quả của hệ thống an ninh khu vực”.
Ông Đmi-tri Mo-xi-cốp, chuyên viên cao cấp Viện Nghiên cứu phương Đông nói: Hành động của Trung Quốc hết sức nguy hiểm. Các nhà chính trị có trách nhiệm ở Trung Quốc cần cân nhắc giữa việc khai thác dầu chưa rõ hiệu quả kinh tế với rủi ro làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ với Việt Nam và các nước ASEAN nói chung đã nhãn tiền. Vì vậy giải pháp hợp lý nhất trong tình huống này là Trung Quốc nên từ bỏ việc thăm dò dầu mỏ cho đến khi các tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông được giải quyết thấu đáo.
Hành động của Trung Quốc đe dọa an ninh và ổn định của Biển Đông
Học giả Ấn Độ Xu-ha Ka-pi-la cho rằng Trung Quốc đang một lần nữa đe dọa đến an ninh và ổn định của Biển Đông bằng cách lặp lại chiến lược về gây sức ép quân sự và sử dụng chính sách "bên miệng hố chiến tranh". Tiến sĩ Xu-ha Ka-pi-la, một nhà cố vấn về quan hệ quốc tế và các vấn đề chiến lược của Nhóm Nghiên cứu Nam Á, cho rằng những động thái khiêu khích mới đây của Trung Quốc với Việt Nam trên Biển Đông nằm trong một chiến lược có toan tính, “nó diễn ra ngay sau chuyến thăm của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đến châu Á - Thái Bình Dương nhằm tái khẳng định cam kết của Mỹ với hai đồng minh Nhật Bản và Phi-líp-pin trước Trung Quốc”. Điều này cho thấy rằng chính sách "bên miệng hố chiến tranh" của Bắc Kinh là có thể dự đoán được”. Tiến sĩ Ka-pi-la cho rằng ý đồ của Trung Quốc có mối liên quan đến bối cảnh và những sự kiện trong khu vực và thế giới hiện nay. Hội nghị cấp cao ASEAN sắp diễn ra tại Mi-an-ma. Liệu có phải Trung Quốc muốn tiếp tục chia rẽ ASEAN khiến khối này trở nên vô ích trong xung đột Biển Đông?
“Nhìn chung, động cơ thúc đẩy Trung Quốc lộ rõ chiến lược ở Biển Đông dường như là củng cố sự hiện diện quân sự trên toàn vùng biển để thực hiện yêu sách đường lưỡi bò thông qua từng bước chống lại Việt Nam", ông Ka-pi-la nói. Học giả này nhận định bước gia tăng quân sự tiếp theo của Bắc Kinh có thể là tuyên bố một "vùng nhận dạng phòng không" (ADIZ) phía trên Biển Đông. Khi đó Mỹ trong tư cách siêu cường với những lợi ích đáng kể ở Biển Đông sẽ vào cuộc, ông Ka-pi-la nhấn mạnh thêm./.
Theo: baodientu.chinhphu.vn