Các quốc gia nhỏ trong vòng xoáy vi phạm luật quốc tế

08:05, 14/05/2014

Chính vào lúc người ta nói nhiều đến tính tùy thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia, về một thế giới ngày một dân chủ hóa hơn, văn minh hơn như một hệ quả tất yếu của sự gia tăng quá trình hợp tác, liên kết giữa các quốc gia, thì cũng là lúc mà hệ thống luật pháp quốc tế bị vi phạm với tần suất ngày một cao hơn. Đương nhiên, cũng như bao lâu nay, các nước nhỏ lại luôn phải gánh chịu những tác động tiêu cực của nghịch lý này.

Trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, số vụ việc vi phạm luật quốc tế, chỉ tính liên quan tới chủ quyền của các quốc gia, đang diễn ra ngày một nhiều hơn. Tuy dưới rất nhiều hình thức khác nhau, nhưng tựu chung lại, hình thức vi phạm thường diễn ra dưới hai hình thức chủ yếu: hoặc vi phạm trắng trợn, theo kiểu “bất chấp luật pháp”, hoặc tinh vi hơn dưới dạng vận dụng luật theo hướng có lợi cho bản thân.

Với loại hình thứ nhất, cuộc chiến tranh xâm lược I-rắc của Mỹ năm 2003 là thí dụ điển hình. Trong cuộc chiến này, bất chấp sự phản đối của nhiều nước, hầu hết những nguyên tắc cơ bản nhất của LHQ như tôn trọng độc lập chủ quyền của các nước thành viên (I-rắc), giải quyết tranh chấp bằng biện pháp thương lượng, hòa bình... đều bị Mỹ vi phạm. Sự vi phạm luật quốc tế ngang nhiên tới mức, sau cuộc chiến chính quyền Bu-sơ không hề e dè công nhận lý do phát động cuộc chiến (Mỹ tố cáo chính quyền I-rắc Sa-đam Hu-xê-in tàng trữ vũ khí hủy diệt hàng loạt) là bịa đặt.

Các vụ vi phạm luật pháp quốc tế phổ biến nhất là dưới loại hình thứ hai. Người ta có thể viện dẫn ra những lý do từ “bảo vệ nhân quyền” cho đến “chống bán phá giá”, từ “chống khủng bố quốc tế” đến “bảo vệ công dân” để can thiệp vào công việc nội bộ của các nước. Chủ quyền của một quốc gia bị đe dọa, nhẹ thì dưới dạng bị áp đặt phải theo một khuôn mẫu nào đó, nặng thì bị tấn công quân sự. Loại hình này đáng sợ ở chỗ, sự vi phạm lại được diễn giải từ chính những điều khoản của luật quốc tế, hoặc thông qua một quyết định tập thể từ một tổ chức quốc tế nào đó mà nước bị trừng phạt cũng là thành viên. Điển hình như cuộc không kích của NATO vào Li-bi năm 2011, với lý do thực hiện Nghị quyết 1973 về “thiết lập vùng cấm bay” của Hội đồng Bảo an.

Trụ sở LHQ tại Thành phố Niu-Oóc, Mỹ. Ảnh: Internet
Trụ sở LHQ tại Thành phố Niu-Oóc, Mỹ. Ảnh: Internet

Vụ việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương - 981 tại vùng thềm lục địa của Việt Nam hôm 1-5-2014 lại đang mở ra một loại hình can thiệp chủ quyền mới trong đời sống quốc tế. Cũng có thể coi đây là sự pha trộn hai loại hình nêu trên, bởi một mặt, vụ việc vi phạm những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế về chủ quyền quốc gia, về luật biển (UNCLOS 1982), những thỏa thuận của đôi bên về giải pháp hòa bình nhằm giải quyết tranh chấp. Mặt khác, việc vi phạm này lại được phía Trung Quốc viện dẫn từ chính bộ Luật Biển 1982, tất nhiên là theo cách hiểu của họ.

Dù dưới bất cứ hình thức nào thì hầu hết những vụ vi phạm luật quốc tế đều do các nước lớn. Đơn giản bởi với sức mạnh vượt trội các nước nhỏ, chỉ có họ mới có khả năng phạm luật mà thôi.

Vấn đề là tại sao các vụ vi phạm gia tăng trong khi bản thân các nước lớn luôn hô hào về việc phải tuân thủ luật pháp quốc tế?

Lý do đầu tiên có lẽ vì chính sự tham gia tích cực của nhiều nước nhỏ vào các công việc quốc tế khiến cho các nước lớn cảm thấy lợi ích của họ bị thu hẹp lại. Để củng cố quyền lực, việc nước lớn nào đó vi phạm chủ quyền của các nước nhỏ là điều khó tránh khỏi.

Lý do nữa là hệ thống luật pháp quốc tế đang tỏ ra hạn chế trước những thay đổi to lớn của đời sống quốc tế. Thay vì tìm cách hoàn thiện nó, các nước lớn đã lợi dụng triệt để những kẽ hở trong hệ thống này để phục vụ cho lợi ích của họ.

Một nguyên nhân không thể bỏ qua chính là tình trạng “nhất siêu nhiều cường” hiện nay. Chủ quyền của các nước nhỏ bị đặt trong các cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn mà không bị vi phạm mới là điều lạ. Trong bối cảnh phải đối mặt với quá nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các nước lớn sẽ không ngại vi phạm luật quốc tế để bảo vệ những lợi ích của họ.

Xét cho cùng, nguyên nhân quan trọng và tổng thể nhất chính là tư duy "tự cho mình quyền được phạm luật" vẫn đang ngự trị trong các quyết sách của các nước lớn.

Đương nhiên, các nước nhỏ phải tìm mọi cách để bảo vệ chủ quyền.

Với năng lực hạn chế, phần lớn các nước nhỏ mong muốn bằng các biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền, như Việt Nam đang làm đối với các hành động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc. Từ trực tiếp đối thoại đến tăng cường hợp tác với nhiều nước, đồng thời tìm kiếm sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế thông qua các cơ chế đa phương là cách thông thường nhất mà các nước nhỏ lựa chọn. Liên kết với các nước cùng “cảnh ngộ” là biện pháp dễ thực hiện nhưng cũng chưa đủ lực, và vì thế tìm cách “cân bằng quan hệ” với các nước lớn là bước đi tất yếu tiếp theo. Tuy nhiên, trong bối cảnh lợi ích của các nước, từ lớn đến nhỏ, đan xen phức tạp như hiện nay, nhất là gặp trường hợp một nước lớn theo đuổi chính sách "đơn phương" đến cùng thì các giải pháp hòa bình rất dễ lâm vào bế tắc.

Do bị lệ thuộc nhiều vào các nước lớn, nên biện pháp đáp trả kinh tế, kiểu như tẩy chay hàng hóa hoặc cấm vận đầu tư, rất ít khi được các nước nhỏ sử dụng. Năm 1973, một số nước xuất khẩu dầu lửa ở Trung Đông đã tiến hành biện pháp này và gây nên cuộc "khủng hoảng dầu lửa". Tuy nhiên, kết quả cuối cùng là không chỉ những nước này mà phần lớn các nước đang phát triển phải chịu thiệt hại nhiều hơn.

Bất luận là bằng cách gì, do ở thế yếu hơn trong so sánh lực lượng, chủ quyền của các nước nhỏ vẫn đang bị vi phạm, nhiều trường hợp là rất nghiêm trọng. Những thiệt hại mà các nước nhỏ phải gánh chịu là không thể cân đong, đo đếm được.

Thực tế khó có thể phủ nhận là, các nước lớn không những mạnh về mọi mặt, mà họ lại đang nắm giữ những vị trí quan trọng, như thành viên Thường trực của Hội đồng Bảo an, trong đời sống quốc tế và vì vậy nghịch lý trên chắc vẫn cứ tái diễn.

Như vậy, nếu không muốn hòa bình và thịnh vượng mãi vẫn chỉ là giấc mơ xa vời và nếu tất cả các quốc gia thực sự muốn xây dựng một "ngôi nhà chung" văn minh và dân chủ, thì có lẽ đã đến lúc cần phải bàn đến những giải pháp thiết thực, hiệu quả hơn. Trong muôn vàn các ý tưởng, tại sao cộng đồng quốc tế không thành lập một Ủy ban giám sát việc thực thi luật quốc tế với sự tham gia của nhiều quốc gia lớn nhỏ và cần có những biện pháp trừng phạt công minh với những hành động vi phạm luật quốc tế./.

Theo: Nhân Dân
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com