Bru-nây ban hành Luật Hồi giáo Sharia

09:05, 02/05/2014

Theo AFP, ngày 30-4, Quốc vương Bru-nây đã công bố nước này bắt đầu áp dụng Luật Hồi giáo Sharia từ ngày 1-5. Luật Hồi giáo Sharia cho phép áp dụng hình phạt tử hình bằng cách ném đá đến chết hoặc chặt tay chặt chân với một số tội. Lẽ ra luật này đã được Bru-nây áp dụng từ ngày 22-4 nhưng giờ chót đã hoãn tới ngày 1-5.

Trước mắt, với giai đoạn 1, Bru-nây chỉ mới áp dụng các hình phạt hoặc tù giam cho các tội từ mức độ hành vi khiếm nhã cho tới việc không tham gia thánh lễ ngày thứ sáu hằng tuần và tội mang thai ngoài hôn thú. Các tội danh trộm cắp với hình phạt chặt tay sẽ áp dụng trong giai đoạn 2 vào cuối năm. Vào năm tới, sẽ áp dụng hình thức ném đá đến chết với các tội danh như ngoại tình và quan hệ đồng tính. Hiện Bru-nây có 2 hệ thống tòa án, một liên quan đến các vấn đề dân sự, một chuyên xử về các vấn đề hôn nhân và thừa kế theo luật Sharia. LHQ bày tỏ quan ngại về hình thức tử hình bằng cách ném đá.

Cu-ba - EU khởi động đàm phán

Theo Hanava Times, Cu-ba và Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức khởi động vòng đàm phán đầu tiên về đối thoại chính trị và hợp tác song phương tại Thủ đô La Ha-ba-na. Hai bên tập trung thảo luận về phương thức và lộ trình của các cuộc đàm phán.

Tháng trước, Cu-ba đã đồng ý khởi động các cuộc đàm phán với EU nhằm bình thường hóa quan hệ sau 10 năm đình chỉ. Cu-ba là nước duy nhất ở Mỹ La-tinh chưa ký bất kỳ thỏa thuận song phương nào với EU. Tuy nhiên, hơn một nửa trong số 28 nước thành viên của EU đã ký kết các hiệp định hợp tác và biên bản ghi nhớ về trao đổi chính trị song phương riêng rẽ với Cu-ba trong những năm gần đây. Quan hệ giữa Cu-ba và EU trở nên căng thẳng sau khi EU áp đặt hàng loạt quy tắc giới hạn mối quan hệ thương mại và ngoại giao với Cu-ba năm 1996. Hiện EU là đối tác thương mại đứng thứ 2 (chỉ sau Vê-nê-xu-ê-la) và là nguồn đầu tư nước ngoài trực tiếp lớn nhất của Cu-ba.

WHO cảnh báo tình trạng kháng thuốc kháng sinh

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa ra cảnh báo kháng thuốc kháng sinh là mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.

Sau khi thu thập dữ liệu tại 114 quốc gia trên toàn cầu về tình trạng kháng thuốc, trong đó đặc biệt là kháng sinh, báo cáo của WHO nêu rõ mối đe dọa nghiêm trọng này không còn là dự báo cho tương lai mà đang diễn ra ở mọi khu vực trên thế giới, có nguy cơ ảnh hưởng tới mọi người dân ở mọi lứa tuổi và các quốc gia khác nhau.

Theo Trợ lý Tổng Giám đốc WHO, Ke-ri Phu-cu-đa, nếu không phối hợp hành động tức thời, thế giới sẽ đối mặt với một kỷ nguyên “hậu thuốc kháng sinh”, khi đó các bệnh truyền nhiễm thông thường hoặc những vết thương nhỏ trước đó có thể chữa trị được thì nay có thể gây chết người do kháng thuốc kháng sinh.

WHO cho rằng người dân có thể giúp giải quyết tình trạng kháng thuốc này bằng việc chỉ sử dụng thuốc kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ, uống đầy đủ liều theo đơn kê dù đã cảm thấy đỡ bệnh hơn. Trong khi đó, ngành y và giới chuyên môn có thể giúp giải quyết vấn đề này bằng việc thúc đẩy phòng ngừa và kiểm soát tình trạng nhiễm trùng; chỉ kê đơn và cấp thuốc kháng sinh khi thực sự cần thiết và cấp phát đúng thuốc kháng sinh cho từng loại bệnh./.

Theo Nhân dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com