Bầu cử Tổng thống U-crai-na: Hồi kết của khủng hoảng?

08:05, 26/05/2014

Bắt đầu từ sáng qua 25-5, người dân U-crai-na bước vào cuộc bầu cử tổng thống, được đánh giá là cơ hội quan trọng để giải quyết khủng hoảng chính trị kéo dài suốt nửa năm qua.

Theo các nhà phân tích, dù có tới gần 20 ứng cử viên tham gia tranh cử vào ghế Tổng thống U-crai-na lần này, nhưng đây dường như là "cuộc đua" tay đôi giữa tỷ phú được mệnh danh là "Vua Socola" - Pê-trô Pô-rô-xen-kô - ông chủ của hàng loạt chuỗi bán lẻ bánh kẹo lớn tại U-crai-na và "người đẹp tóc tết" I-u-li-a Ti-mô-xen-kô. Các cuộc thăm dò gần đây nhất cho thấy, ông Pê-trô Pô-rô-xen-kô đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các cử tri và có thể giành chiến thắng ngay trong vòng bầu cử đầu tiên. Từng giữ chức Ngoại trưởng và Bộ trưởng Kinh tế dưới thời Tổng thống Vích-to I-a-nu-kô-vích, song tỷ phú 48 tuổi này lại là nhà tài trợ chính cho cái gọi là các "cuộc cách mạng Maidan" lật đổ chính phủ thân Nga vào tháng 2 vừa qua. Hiện tại, các cử tri hy vọng ông Pê-trô Pô-rô-xen-kô, với đường lối ôn hòa, có thể giúp hàn gắn sự chia rẽ giữa miền Tây và miền Đông U-crai-na và "xử lý được cuộc khủng hoảng với Nga trong vòng 3 tháng" như ông đã tuyên bố trong chiến dịch vận động tranh cử.

Ứng cử viên tiềm năng Pê-trô Pô-rô-xen-kô tiếp xúc cử tri trước cuộc bầu cử tổng thống U-crai-na. Ảnh: Internet
Ứng cử viên tiềm năng Pê-trô Pô-rô-xen-kô tiếp xúc cử tri trước cuộc bầu cử tổng thống U-crai-na. Ảnh: Internet

Trong khi đó, đối với nhiều người U-crai-na, "Nữ hoàng Cách mạng cam" Ti-mô-xen-kô vẫn là một chính trị gia uy tín và kinh nghiệm. Tuy nhiên, "hồ sơ" u ám của thời kỳ làm giàu từ khí đốt cùng quá khứ tham gia đấu đá, tranh giành quyền lực với người từng "đồng cam, cộng khổ" trong cuộc cách mạng đường phố - cựu Tổng thống Vích-to I-a-nu-kô-vích - là rào cản lớn ngăn cản bà đến với chiếc ghế tổng thống. Bên cạnh đó, quan điểm chống Nga quyết liệt của cựu Thủ tướng Ti-mô-xen-kô khiến các cử tri nghi ngờ khả năng hòa giải dân tộc của bà.

Sau 6 tháng chìm trong các cuộc biểu tình, bạo lực và bất ổn, hơn bao giờ hết, người dân nước này hy vọng cuộc bầu cử tổng thống sẽ mang lại sự khởi đầu mới cho đất nước. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, kể cả khi cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức thành công, khủng hoảng tại U-crai-na vẫn chưa thể chấm dứt trong một sớm, một chiều. Thách thức lớn nhất đối với chủ nhân mới của chiếc ghế tổng thống là phải làm thế nào để nhanh chóng thúc đẩy sự hòa giải dân tộc trong tình thế "đi trên dây", giữa một bên là mong muốn hợp tác gần gũi hơn với Liên minh Châu Âu (EU) của nhiều người dân U-crai-na và một bên là mối quan hệ căng thẳng với Nga. Đây được coi là chìa khóa quan trọng để giải quyết tình trạng đang nóng lên từng ngày ở khu vực miền Đông, đặc biệt là Đô-nhét-xcơ và Lu-gan-xcơ - hai khu vực vừa tuyên bố thành lập nước cộng hòa tự xưng. Ngoài ra, tân tổng thống sẽ còn phải đối mặt với một nhiệm vụ gai góc nữa là thực hiện những cải cách khó khăn theo đòi hỏi của gói cứu trợ khổng lồ mà Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra nhằm chống đỡ cho nền kinh tế đang lao đao của U-crai-na và đối phó với lời đe dọa của Nga sẽ cắt nguồn cung cấp khí đốt vào đầu tháng 6 tới. Tuyên bố của Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-tin rằng sẽ tôn trọng kết quả của cuộc bầu cử và bày tỏ thiện chí sẵn sàng hợp tác với giới lãnh đạo mới của U-crai-na được xem là một động thái tích cực nhằm giảm nhiệt căng thẳng trong cuộc đấu trí trên "bàn cờ" địa chính trị bên bờ Biển Đen. Song trên thực tế, việc xây dựng chính sách đối ngoại phù hợp trong quan hệ với Nga thời gian tới của các nhà lãnh đạo U-crai-na không phải là chuyện đơn giản.

Việc tìm ra một giải pháp tức thời cho tình hình ở U-crai-na hiện nay đang là bài toán rất nan giải cho bất kỳ nhà lãnh đạo nào. Có rất nhiều nỗ lực đã được đưa ra nhằm giúp U-crai-na thoát khỏi thế bế tắc trong quan hệ Đông - Tây thời gian qua. Nhưng rõ ràng, để có được kết quả đó thì cuộc khủng hoảng sắp rơi vào tình trạng "huynh đệ tương tàn" phải được giải quyết triệt để. Các bên liên quan phải tìm được tiếng nói chung dựa trên lợi ích dân tộc và tôn trọng chủ quyền của quốc gia. Có hóa giải được cội rễ của sự bất ổn thì mới có thể tính chuyện xây dựng và phát triển lâu dài. Bằng không, bầu cử chưa phải là hồi kết cho cuộc khủng hoảng sâu sắc tại U-crai-na./.

Theo: HNM



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com