Ủy ban Bầu cử Indonesi (KPU) sáng 10-5 đã công bố kết quả cuối cùng cuộc bầu cử lập pháp Indonesia, theo đó, đảng Dân chủ Indonesia Đấu tranh (PDI-P) - đảng đối lập lớn nhất tại Indonesia do cựu Tổng thống Soekarnoputri Megawati (Xô-các-nô-pu-tri Mê-ga-oát-ti) làm chủ tịch - đã giành được nhiều phiếu nhất trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra tháng trước, trong bối cảnh những cuộc đàm phán nhằm thành lập các liên minh đang nóng lên trước thềm cuộc bầu chọn tổng thống vào tháng Bảy tới.
Ông Jokowi cùng cử tri Jakarta - Ảnh: Reuters |
Kết quả bầu cử cuối cùng cho thấy PDI-P đã nhận được 18,95% số phiếu bầu, phù hợp với kết quả kiểm phiếu không chính thức công bố ngay sau cuộc bầu cử ngày 9-4. Kết quả này cũng xác nhận đảng Dân chủ đang bị sa lầy vì nạn tham nhũng của Tổng thống sắp mãn nhiệm Susilo Bambang Yudhoyono (Xu-xi-lô Bam-bang Y-u-đô-y-u-nô) đã mất một nửa sự ủng hộ, chỉ nhận được 10% phiếu bầu. Trong khi đó, đảng Golkar nhận được 14,75% phiếu bầu, tiếp đến là đảng Gerindra - 11,81%, đảng Thức tỉnh Dân tộc (9%) và đảng Dân chủ Quốc gia (NasDem) nhận được 6,7%.
Theo luật bầu cử của Indonesia, một đảng hay liên minh các chính đảng cần 25% số phiếu bầu trong cuộc tổng tuyển cử hoặc 20% số ghế trong Hạ viện để có quyền đề cử ứng cử viên tổng thống. Điều này có nghĩa là PDI-P nhiều khả năng sẽ phải thành lập một liên minh lớn hơn dự kiến để đảm bảo giành được đủ sự ủng hộ trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng Bảy tới. KPU sẽ công bố số ghế tương ứng mà mỗi đảng giành được tại quốc hội trong những ngày tới.
Giới phân tích cho rằng quốc hội và ban lãnh đạo mới Indonesia sẽ đối mặt với những thách thức to lớn, trong đó trước hết là vượt qua được cái bóng và những thành tựu đối nội, đối ngoại của Tổng thống Yudhoyono sau 2 nhiệm kỳ (10 năm) lãnh đạo đất nước; đảo ngược đà tăng trưởng kinh tế đang chậm lại hiện nay và đấu tranh hiệu quả chống nạn tham nhũng. Đó là những mong muốn chính yếu của cử tri Indonesia trong cuộc bầu cử lập pháp lần này.
Theo qdnd.vn