Ngày 12-5, hàng loạt các tờ báo lớn của Anh, Mỹ, Xinh-ga-po… tiếp tục đăng tải nhiều thông tin về những diễn biến liên quan đến tình hình Biển Đông, trong đó đề cập đến bài phát biểu của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và đặc biệt nhấn mạnh sự đồng thuận của ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 vừa bế mạc ngày 11-5 tại Mi-an-ma.
Tạp chí Phố Wall (WSJ) và Thời báo New York (NYT) của Mỹ, Đài phát thanh Australia, hãng tin Al Jazeera và nhiều báo lớn trên thế giới hôm 11-5 đồng loạt trích đăng bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị cấp cao ASEAN, trong đó nhấn mạnh việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương - 981 đến Biển Đông của Việt Nam là hành động “cực kỳ nguy hiểm đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông”.
Các báo cũng trích dẫn khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rằng Việt Nam đã “hết sức kiềm chế, chân thành bày tỏ mọi thiện chí, sử dụng mọi kênh đối thoại, giao thiệp với các cấp khác nhau của Trung Quốc”. Thời báo New York nhận định, bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là phát ngôn mạnh mẽ nhất của Việt Nam kể từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương - 981 đến Biển Đông.
Tổng thống CHLB Mi-an-ma Thên Xên và Phu nhân chụp ảnh với các Trưởng đoàn dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24. Ảnh: Internet |
Trang tin điện tử TODAY của Xinh-ga-po, tờ báo nhiều độc giả lớn thứ hai của nước này dẫn phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 trong đó kêu gọi “thúc đẩy cấp bách” Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông để ngăn chặn rủi ro, lưu ý rằng, quá trình này là một thách thức nhưng cần phải hoàn tất.
Ông Lý Hiển Long cho rằng, căng thẳng bùng phát gần đây ở Biển Đông như một hồi chuông đánh thức và các nhà lãnh đạo nên hỗ trợ chính trị mạnh mẽ để hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Thủ tướng Xinh-ga-po nhấn mạnh tính cần thiết của một ASEAN thống nhất bởi “một ASEAN chia rẽ sẽ làm suy yếu uy tín của chúng ta và liên quan đến thế giới”.
Ông Lý Hiển Long khẳng định, ASEAN cần có một “lập trường chung” về các vấn đề đang ảnh hưởng tới mọi nước thành viên và hiệp hội cần có “vai trò xây dựng” trong quản lý vấn đề. “Cần công bố lập trường trung lập, hướng về phía trước và phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Ông Lý Hiển Long nói: “Quan điểm của ASEAN là không đứng về phía nào đơn lẻ trong các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông nhưng ASEAN phải có quan điểm về vấn đề chung trên Biển Đông vì điều này đang xảy ra ở ngay cửa ngõ của chúng ta. Chúng ta cần phải có quan điểm chung trong vấn đề này vì an ninh và ổn định của khu vực phụ thuộc vào những gì xảy ra trên Biển Đông. Chúng ta không thể không lên tiếng về vấn đề này với tư cách của ASEAN”.
Hãng tin Roi-tơ của Anh đưa tin, các nước ASEAN hài lòng với kết quả của Hội nghị cấp cao ASEAN lần này, trong đó đề cập đến vấn đề Biển Đông. Roi-tơ dẫn lời Ngoại trưởng In-đô-nê-xi-a Mác-ti Na-ta-lê-ga-oa cho rằng, sự đồng thuận của các thành viên ASEAN trong vấn đề Biển Đông là “một dấu hiệu đáng khích lệ”.
Ngoại trưởng In-đô-nê-xi-a nói: “ASEAN đoàn kết lại với nhau không phản ánh sự thù địch đối với bất cứ ai bởi vì chúng tôi đang củng cố 1 thông điệp của hòa bình, thông điệp của việc giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình”.
Ngoại trưởng Căm-pu-chia Cao-kim-huôn cũng chia sẻ quan điểm ASEAN không ủng hộ bên nào trong tranh chấp trên Biển Đông mà đứng về phía luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, nhằm giải quyết tranh chấp bằng giải pháp hòa bình, tôn trọng tự do hàng hải và không sử dụng vũ lực.
Theo giới phân tích, việc đồng thuận của các Ngoại trưởng ASEAN khi cùng bày tỏ quan điểm về Biển Đông phản ánh sự quan ngại cao độ về hành xử của Bắc Kinh.
Phát biểu bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 tại Mi-an-ma, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho biết: “ASEAN và Trung Quốc đã có 3 vòng tham vấn chính thức về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông nhưng vẫn chưa thể tham vấn nội dung. Vì thế chúng tôi mong muốn Trung Quốc tham vấn nội dung của Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông với quan điểm sớm thực hiện bộ quy tắc này”.
Các báo cũng đồng loạt nêu Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN 24, trong đó đề cập những quan ngại sâu sắc về các vụ việc đang diễn ra trên Biển Đông và khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN 24 cũng kêu gọi tất cả các bên tham gia Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố này nhằm tạo môi trường tin cậy và xây dựng lòng tin; thực hiện kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế, và Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982. Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN 24 nhấn mạnh sự cần thiết của việc sớm đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông./.
Theo: VOV