ASEAN phải đoàn kết

08:05, 27/05/2014

Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 và triển khai các tàu hộ tống bảo vệ giàn khoan này trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tiếp tục vấp phải sự lên án của cộng đồng quốc tế.

Giắc Grếc, chuyên gia phân tích tại Viện Chính sách chiến lược Ô-xtrây-li-a cho rằng, trong những ngày gần đây, việc Trung Quốc triển khai giàn khoan Hải Dương - 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đánh dấu một sự leo thang căng thẳng mới ở khu vực Biển Đông. Hành động này của Bắc Kinh nhằm đáp ứng cơn khát năng lượng của nước này và là một tín hiệu cho thấy tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

Gin Vin-xen Brít-xét, cựu tướng không quân của Pháp, nay là Giám đốc nghiên cứu của Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược của Pháp nhận định rằng, việc tạo ra sự cố giàn khoan trong thời điểm này là một phần trong tổng thể chiến lược của Trung Quốc nhằm kiểm soát toàn bộ Biển Đông. Ông cũng nhận định, các nước trong khu vực ASEAN phải nhìn thẳng vào thực tế rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục trỗi dậy trong tương lai và sẽ hành động ngày một cứng rắn hơn. “Các nước ASEAN cần hiểu rằng, nếu tách riêng, sẽ không một nước nào trong khu vực đủ sức đương đầu lâu dài với Trung Quốc. Vì vậy, tất cả phải cùng hành động”, ông Brít-xét phân tích.

Quốc kỳ các nước ASEAN. Ảnh: Internet
Quốc kỳ các nước ASEAN. Ảnh: Internet

Ông Brít-xét nhận định rằng, Việt Nam nên kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế. Mặc dù khẳng định rất có khả năng phía Trung Quốc sẽ tìm cách phong tỏa vụ kiện, nhưng ông Brít-xét cho rằng: “Hành động đưa vụ kiện ra Tòa án quốc tế vẫn rất quan trọng vì nó có thể cho thế giới biết Việt Nam đang nghĩ gì, lập luận của Việt Nam là như thế nào. Đây là chiến lược truyền thông cực kỳ quan trọng mà Việt Nam cần phải ý thức được. Ngoài ra, việc này cũng cho các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế thấy phương pháp tiếp cận của Việt Nam với các tranh chấp trên Biển Đông, từ đó Việt Nam có thể tranh thủ được sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía họ”.

Không chỉ riêng ông Brít-xét, nhiều chuyên gia và học giả khác trên thế giới cũng đã đưa ra nhận định tương tự về việc đấu tranh pháp lý theo luật pháp quốc tế mà Việt Nam nên hướng tới. Giáo sư Gia-cha-ri A-bu-gia, chuyên gia về khoa học chính trị và đối ngoại khu vực Đông Á thuộc Đại học Simmons (Mỹ) cho rằng, Trung Quốc sẽ mất rất nhiều nếu từ chối tham gia vụ kiện. Ông nói: “Bằng cách khởi kiện, Phi-líp-pin đã cho thế giới thấy họ muốn giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa bình và con đường pháp lý. Bắc Kinh luôn ra rả nói về điều này, nhưng hành động của họ luôn chứng tỏ điều ngược lại. Nếu Việt Nam theo đuổi một vụ kiện tương tự - bằng cách tự mình khởi kiện hay đồng khởi kiện với Phi-líp-pin và Trung Quốc lại tiếp tục từ chối tham gia, họ sẽ càng bị cô lập hơn trên trường quốc tế. Dư luận sẽ tiếp tục nhìn Trung Quốc như một quốc gia thiếu trách nhiệm trong cam kết dùng các phương thức hòa bình để giải quyết bất đồng”.

Tiến sĩ Mác Va-len-xi-a (Mỹ) cho rằng, nếu Việt Nam đồng khởi kiện với Phi-líp-pin, điều đầu tiên hai nước này sẽ đạt được chính là sự hậu thuẫn về mặt tinh thần của cộng đồng quốc tế, “và điều đó có thể sẽ tác động đến các thẩm phán trực tiếp tham gia phiên xử, để họ đưa ra phán quyết cuối cùng có lợi cho Việt Nam và Phi-líp-pin. Nhưng theo Tiến sĩ Va-len-xi-a, Việt Nam cũng nên cảnh giác việc Trung Quốc nhìn nhận những phiên xử như thế này là một sự “can thiệp” của các thế lực bên ngoài vào công việc nội bộ trong khu vực”./.

Theo: QĐND
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com