10 năm mở rộng sang phía Đông, EU vẫn "nặng gánh"

08:05, 20/05/2014

Cách đây 10 năm, Liên minh châu Âu (EU) tiến hành đợt mở rộng lớn nhất trong lịch sử của khối này. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay cho thấy, một EU với 28 thành viên vẫn đang gặp không ít khó khăn thách thức, với bộn bề công việc cần phải giải quyết.

Sau nhiều đắn đo về “những cái được và những cái mất”, vào tháng 5-2004, EU từ 15 quốc gia thành viên, đón nhận thêm 10 nước thành viên mới ở Đông Âu và vùng Ban-căng, với tám nước thuộc Liên Xô cũ: Ét-xtô-ni-a, Lát-vi-a, Lít-va, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Xlô-va-ki-a, Hung-ga-ri, Xlô-vê-ni-a và hai quốc gia nhỏ bé thuộc Địa Trung Hải là Cộng hòa Síp và Man-ta. Đến năm 2007, EU tiếp nhận thêm hai quốc gia nữa là Ru-ma-ni và Bun-ga-ri. Và mới đây, tháng 7-2013 kết nạp thêm Crô-a-ti-a.

Việc mở rộng EU “ồ ạt” nâng số thành viên của khối này lên gần gấp đôi, với diện tích rộng thêm 35% và dân số đông hơn gần 30% (hơn 500 triệu người). Đó là những bước tiến vững chắc về phía đông của EU để khẳng định vai trò và vị thế của khối này trên trường quốc tế. Kể từ tháng 5-2004, EU thực sự là một thể chế có ảnh hưởng lớn trên trường quốc tế, với việc quy tụ nhiều quốc gia lớn trên thế giới, có vị trí và tiếng nói quan trọng trong LHQ như Đức, Pháp, Anh... EU cũng là thị trường đầy tiềm năng cho việc trao đổi thương mại song phương giữa các khu vực và các quốc gia với khối này.

Một phiên họp Nghị viện châu Âu. Ảnh: Internet
Một phiên họp Nghị viện châu Âu. Ảnh: Internet

Điều dễ nhận thấy là, khi xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, các nước thành viên mới của EU, nhất là các nước ở phía đông, đã được hưởng sự tăng trưởng khá tốt và số việc làm cũng tăng lên. Trái lại, các nước thành viên cũ của EU lại phải gánh chịu tác động lớn của cuộc khủng kinh tế - tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, đối với EU, nhìn toàn cục, việc mở rộng sang phía Đông mang nhiều ý nghĩa chính trị.

Thế nhưng, trong tình hình hiện nay, các nhà lãnh đạo EU hầu như không quan tâm tới việc mở rộng khối này. Theo Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken, trước hết, EU cần quan tâm tới việc củng cố bản sắc và điều chỉnh các định chế của mình phù hợp hơn. Pháp và Đức là hai nước phản đối mạnh nhất việc kết nạp thêm Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên EU, cho dù nước này đã tiến hành thương lượng với khối này từ năm 2005 (bởi lẽ, việc kết nạp một quốc gia với phần lớn dân số là người Hồi giáo vào EU không thể chấp nhận được, do sự khác biệt về văn hóa có thể sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ khó hội nhập được với châu Âu). Hơn nữa, tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu vẫn hiện hữu, càng tạo ra sự lo ngại khi EU tiếp tục mở rộng, và ngày càng có nhiều chính trị gia không ủng hộ việc mở rộng EU.

Hiện nay, còn không ít công việc cấp thiết mà EU cần phải làm thì mới có thể thúc đẩy sự phát triển của khối này, cho dù có dấu hiệu tăng trưởng trở lại. Đó là điều chỉnh thể chế và cách thức hoạt động, quản lý, điều hành phù hợp, hiệu quả hơn; vấn đề nợ công, lạm phát, việc làm, chi phí nhà ở, mức sinh hoạt, văn hóa dân tộc, làn sóng di cư, nhập cư giữa các quốc gia trong EU; vấn đề khủng bố và an ninh. Với chừng ấy công việc, EU vẫn phải “chật vật" và còn phải “nặng gánh” đối với những thành viên mới từ Đông - Trung Âu.

Để tiếp tục khẳng định tiềm lực của mình, trong kế hoạch dài hạn, quyết tâm của các nhà lãnh đạo EU thực hiện cả “chiều sâu” lẫn “bề rộng”. Song, muốn thực hiện được cả hai yếu tố đó, Liên minh châu Âu cần một sự đồng thuận cao giữa những người đứng đầu EU, cũng như người dân trong khối này./.

Theo: Nhân Dân
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com