Khi “Mùa xuân A-rập” bắt đầu tập hợp lực lượng, Mỹ đã cố gắng nắm lấy phần chính nghĩa của lịch sử. Thực tế, điều này đồng nghĩa với thoả thuận ủng hộ các lực lượng đối đầu với những nhà lãnh đạo của các quốc gia thuộc khu vực Magrheb và Trung Đông.
Tuy nhiên, người Mỹ quên mất rằng trong số những nhân vật cầm quyền ấy có nhiều người đã từng là đồng minh của Mỹ từ nhiều năm nay. Kết quả của chính sách này khá buồn: những người Hồi Giáo đã củng cố ảnh hưởng của họ trong khu vực, trong khi danh tiếng của Mỹ trong thế giới A-rập đã bị huỷ hoại.
Là quốc gia lớn nhất tại đây, sự thay đổi chế độ của Ai Cập trở thành sự kiện chính của Mùa xuân A-rập. Trong vòng ba năm kể từ khi nổ ra cuộc biểu tình đầu tiên, quyền lực tại Ai Cập đã được chuyển giao vài lần giữa các phe phái.
Và Mỹ đều công nhận từng chính phủ mới tại Ai Cập là hợp pháp, hoàn toàn cắt đứt quan hệ với nhà lãnh đạo trước đó. Giáo sư Georgy Mirsky, người đứng đầu khoa Kinh tế Quốc Tế và Quan hệ Quốc tế trực thuộc viện Khoa học Nga bình luận về lối hành xử này của Mỹ:
“Ban đầu họ ủng hộ các lực lượng cách mạng. Rồi đến khi những người chống cách mạng xuất hiện, họ lại ủng hộ những thế lực này. Họ công nhận ngay lập tức chính quyền mới của Tướng El-Sisi, người sắp được bầu làm tổng thống. Mỹ luôn đặt cược vào những ai sẽ quyết định tình hình tại Ai Cập trong tương lai gần.”
Người dân A-rập phẫn nộ với sự can thiệp của Mỹ (ảnh:aclj.org) |
Chính sách này của Washington mặc dù có vẻ rất thực dụng, nhưng cũng có một số điểm yếu. Điều này trở nên đặc biệt rõ ràng khi người dân thế giới A-rập nhận ra Mỹ đã dễ dàng phản bội người đồng minh lâu năm và trung thành của họ-Hosni Mubarak như thế nào.
Chủ tịch Viện Trung Đông (thuộc Viện Khoa học Nga) Evgeniy Satanovsky đánh giá: “Hình ảnh Mỹ trong thế giới A-rập một mặt được đánh giá rất cao, mặt khác bị đánh giá rất thấp. Không ai dám tin vào Mỹ. Trong thế giới A-rập truyền nhau câu nói: “Thật nguy hiểm khi làm kẻ thù của Mỹ, nhưng làm bạn với Mỹ còn nguy hiểm gấp đôi”. Trong hoàn cảnh này, việc quay lưng lại với Mubarak một lần nữa lại cho thấy Mỹ có thể phản bội bất cứ đồng minh nào của họ không do dự.”
Nhìn chung kết quả Mùa xuân A-rập không như Mỹ mong muốn. Một mặt, những người cầm quyền lâu năm liện tục bị thay đổi trong khu vực. Nhưng, thay thế họ không phải là những người theo chủ nghĩa tự do thân phương Tây, mà là những người Hồi giáo. Do hành động của các quốc gia phương Tây, trên thực tế, Libya đã không thể tồn tại như một quốc gia độc lập. Trong lúc đó, kho vũ khí của Muamar Gaddafi, bao gồm vũ khí hiện đại và hệ thống tên lửa phòng không, đã rơi vào tay lực lượng nổi loạn.
Đề cập về những hậu quả mà Washington tiếp tay cho Mùa xuân A-rập, Chủ tịch Viện Trung Đông Evgeniy Satanovsky cho rằng: “Sự lan rộng của những kẻ Hồi giáo cực đoan, về cả chính trị và khủng bố, ngày càng gia tăng. Thêm vào đó, chủ nghĩa khủng bố đã trở thành vấn nạn toàn cầu. Những người đại diện của lực lượng Taliban tại Afghanistan cùng với những kẻ khủng bố người Libya tham gia vào nội chiến Libya hiện nay là một thí dụ điển hình. Cuối cùng, những người tổ chức Mùa xuân A-rập từ Vịnh Ba Tư đã sa vào những cuộc giao tranh đẫm máu: một bên là Quatar, dưới sự ủng hộ của tổ chức Anh em Hồi giáo, một bên là A-rập Xê-út cùng các đồng minh. Điều này gây tổn hại rất lớn tới vị trí của Mỹ trong khu vực này”.
Vấn đề Syria cần được đưa ra riêng rẽ trong đánh giá về không gian tác động của “Mùa xuân A-rập”. “Mùa xuân A-rập” rõ ràng cũng đã tấn công quốc gia này. Nhưng tại Syria, những cuộc biểu tình không dẫn tới việc thay đổi chế độ, mà tạo ra một cuộc nội chiến đẫm máu để rồi chuyển thành một cuộc chiến tranh tôn giáo. Giống như những trường hợp khác, Mỹ đã ủng hộ phe nổi dậy. Nhưng khi mục đích thật sự trong việc gây chiến của nhóm Hồi giáo Jihad là chống lại Bashar al Assad được làm rõ, Mỹ bị lâm vào thế bí. Mỹ không muốn hỗ trợ những người Hồi giáo, nhưng cũng không thể công nhận chế độ của Tổng thống Assad là ít xấu xa hơn.
Bình luận về vấn đề này, người thừa kế ngai vàng vương quốc Bahrain, hoàng tử Salman bin Hamad Al Khalifa cho rằng, Mỹ đang tiến hành một chính sách đối ngoại mang tính “thay đổi và phản động ”, và điều này sẽ sớm khiến Mỹ mất đi ảnh hưởng với những quốc gia nói tiếng A-rập.
Theo nhandan.com.vn