Sách Xanh Ngoại giao 2014 của Nhật Bản và phản ứng từ láng giềng

08:04, 07/04/2014

Tình hình Đông Á bất ngờ nóng trở lại sau ngày 4-4, khi Nhật Bản công bố Sách Xanh Ngoại giao 2014 khẳng định chủ quyền lãnh hải đối với các quần đảo tranh chấp Xên-ca-cư/Điếu Ngư và Đốc-đô/Ta-kê-si-ma.

Theo Hãng Ky-ô-đô, Sách Xanh nhấn mạnh tầm quan trọng trong công tác cải thiện quan hệ giữa Nhật Bản với Trung Quốc. Tuy nhiên, Tô-ki-ô chỉ trích Trung Quốc  “đi ngược lại với luật pháp quốc tế và trật tự hiện hữu” khi “đơn phương thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực ở biển Hoa Đông và Biển Đông”. Sách Xanh nêu rõ những hành động đó bao gồm cả tuyên bố đơn phương của Bắc Kinh hồi tháng 11-2013 về Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên một số khu vực ở biển Hoa Đông, bao gồm cả quần đảo Xên-ca-cư/Điếu Ngư và việc tàu tuần tra Trung Quốc thường xuyên xâm nhập vào vùng biển của Nhật Bản xung quanh quần đảo này. Sách Xanh nhấn mạnh: "Nhật Bản sẽ duy trì lập trường vững chắc và bình tĩnh đối với Trung Quốc với quyết tâm Tô-ki-ô sẽ bảo vệ vững chắc lãnh thổ, lãnh hải và không phận của mình".

Quần đảo tranh chấp Đốc-đô/Ta-kê-si-ma giữa Hàn Quốc và Nhật Bản. Ảnh: Internet
Quần đảo tranh chấp Đốc-đô/Ta-kê-si-ma giữa Hàn Quốc và Nhật Bản. Ảnh: Internet

Không chỉ có vấn đề Xên-ca-cư/Điếu Ngư, Sách Xanh cũng khẳng định chủ quyền của Tô-ki-ô đối với quần đảo tranh chấp Đốc-đô/Ta-kê-si-ma giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Sách Xanh nhấn mạnh, Nhật Bản sẽ kiên trì nỗ lực ngoại giao để giải quyết hòa bình vấn đề Đốc-đô/Ta-kê-si-ma.

Ngoài ra, Sách Xanh Ngoại giao 2014 của Nhật Bản còn xác định chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên là “rủi ro an ninh lớn nhất cho Nhật Bản và Đông Á”, đặc biệt, sau khi Bình Nhưỡng phóng thử hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn và đe dọa thử hạt nhân lần thứ 4 mới đây. Sách Xanh ghi nhận Nhật Bản sẽ phối hợp với cộng đồng quốc tế để giải quyết vấn đề công dân Nhật Bản bị CHDCND Triều Tiên bắt cóc trong những năm 70 của thế kỷ trước.

Cùng thời điểm Sách Xanh Ngoại giao được công bố, Bộ Giáo dục Nhật Bản cho biết, sẽ đưa vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật Bản với Hàn Quốc và Trung Quốc vào chương trình giáo khoa cho học sinh lớp 5 và lớp 6 trong niên khóa tới, bắt đầu từ tháng 4-2015, nhằm “giúp các em học sinh hiểu về vùng lãnh thổ của đất nước”.

Ngay lập tức, những động thái mới của Nhật Bản đã vấp phải chỉ trích mạnh mẽ từ phía Hàn Quốc và Trung Quốc. Xơ-un cho rằng, những tuyên bố của Nhật Bản sẽ "gây tổn hại nghiêm trọng quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, cũng như hòa bình và ổn định ở Đông Bắc Á". “Chúng tôi rất lấy làm tiếc trước việc Chính phủ Nhật Bản, trong Sách Xanh Ngoại giao, đã nhắc lại tuyên bố chủ quyền phi lý đối với quần đảo Đốc-đô/Ta-kê-si-ma - một phần lãnh thổ không thể tách rời của chúng tôi”, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ra tuyên bố nêu rõ. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho rằng, Chính phủ Nhật Bản đang làm "gia tăng mức độ khiêu khích", đồng thời cảnh báo, "con đường hàn gắn quan hệ sẽ xa hơn" nếu Tô-ki-ô tiếp tục có những động thái tương tự. Trong ngày 4-4, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng đã triệu Đại sứ Nhật Bản tại nước này là Cô-rô Bê-sô đến để phản đối.

Trong khi đó, tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho rằng, Sách Xanh Ngoại giao 2014 của Nhật Bản chỉ trích Trung Quốc trong vấn đề quần đảo Xên-ca-cư/Điếu Ngư là “phớt lờ sự thật, cố tình bôi nhọ thanh danh Trung Quốc và chỉ trích Trung Quốc một cách phi lý”.

Trong những năm gần đây, những “cơn sóng dữ” nổi lên trên biển Hoa Đông  với những cuộc khẩu chiến quyết liệt giữa Trung Quốc và Nhật Bản xung quanh quần đảo tranh chấp Xên-ca-cư/Điếu Ngư, giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đối với quần đảo Đốc-đô/Ta-kê-si-ma. Đáng chú ý, cuối năm ngoái, cũng vì vấn đề này mà quan hệ Trung - Nhật tưởng chừng như tiến gần hơn tới “điểm chết” khi Chính phủ Nhật Bản thông qua kế hoạch bắn hạ bất cứ máy bay không người lái nào dám lờ đi các cảnh báo phải rời khỏi không phận của Tô-ki-ô, trong khi Trung Quốc bất ngờ tuyên bố thiết lập ADIZ gây tranh cãi.
Giới phân tích cho rằng, hầu hết những tranh chấp hiện nay tại Đông Bắc Á đều phần nào liên quan đến yếu tố lịch sử và cần phải được giải quyết bằng đối thoại và ngoại giao khôn khéo. Sự kiềm chế trong cách hành xử của các nước chính là cứu cánh đối với hòa bình và ổn định của khu vực. Ai cũng hiểu rằng, bất cứ một hành động nóng nảy, một tính toán sai lầm nào cũng có thể dẫn đến các cuộc xung đột. Mặc dù vậy, cũng phải thừa nhận rằng, trong bối cảnh lập trường của các nước ngày càng chồng chéo, khả năng giải quyết dứt điểm những tranh chấp thông qua thương lượng vẫn ở ngoài tầm với./.

Theo: QĐND
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com