Nga tuyên bố không muốn sáp nhập miền đông - nam U-crai-na

08:04, 14/04/2014

Trong khi tình hình ở miền đông và nam U-crai-na vẫn tiếp tục căng thẳng bởi những cuộc biểu tình đòi ly khai thì Nga đã lên tiếng tuyên bố Mát-xcơ-va không chủ trương sáp nhập miền đông - nam của U-crai-na vì điều đó đi ngược lại lợi ích cơ bản của Liên bang Nga. Tuyên bố này được Ngoại trưởng Nga Xéc-gây La-vrốp đưa ra trong một bài phát biểu trên truyền hình "Nước Nga I". Ông La-vrốp khẳng định, tại miền đông - nam U-crai-na đang diễn ra các cuộc biểu tình phản đối chính quyền lâm thời ở Ki-ép, nhưng không có sự hiện diện của quân đội cũng như các nhân viên tình báo Nga. Nga khẳng định, việc ổn định tình hình trong nước U-crai-na phải thuộc trách nhiệm của người dân và lãnh đạo nước này. Vì vậy, Nga phản đối mọi đề xuất về đưa mọi lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế và LHQ vào U-crai-na. Nga cho rằng, Ki-ép cần tiến hành đối thoại với các khu vực để giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Ngoại trưởng Xéc-gây La-vrốp đã hối thúc người đồng cấp Mỹ Giôn Ke-ri sử dụng ảnh hưởng của Oa-sinh-tơn để thuyết phục Chính phủ U-crai-na ngừng sử dụng vũ lực chống lại người biểu tình tại các khu vực miền đông và nam U-crai-na. Theo bộ trên, trong một cuộc điện đàm, ông La-vrốp đã chỉ rõ Oa-sinh-tơn nên sử dụng ảnh hưởng của họ “nhằm tránh việc sử dụng vũ lực, đồng thời thúc đẩy chính quyền Ki-ép đối thoại với đại diện của các khu vực nhằm tạo điều kiện cho phép một cuộc cải cách hiến pháp toàn diện”.

Lực lượng biểu tình có vũ trang chiếm văn phòng công tố tại Đô-nhét-xcơ sáng 12-4. Ảnh: Internet
Lực lượng biểu tình có vũ trang chiếm văn phòng công tố tại Đô-nhét-xcơ sáng 12-4. Ảnh: Internet

Về tuyên bố của Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ xác nhận cuộc gặp 4 bên (Nga - Mỹ - EU - U-crai-na) để tìm giải pháp cho khủng hoảng tại U-crai-na sẽ diễn ra vào ngày 17-4 tới tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ), ông La-vrốp nhấn mạnh Nga sẵn sàng tham dự cuộc họp trên. Tuy nhiên, khả năng triệu tập cuộc gặp vẫn còn để ngỏ tùy thuộc vào quyết định của chính quyền mới ở Ki-ép có sử dụng vũ lực để đàn áp các cuộc biểu tình tại miền đông - nam hay không. Ngoại trưởng La-vrốp đã bày tỏ lo ngại về khả năng Ki-ép dựa vào sự hậu thuẫn của Mỹ và phương Tây để làm cho tình hình xung đột leo thang ở các tỉnh, thành phố đông - nam U-crai-na. Ông La-vrốp đã kêu gọi chính quyền lâm thời tại Ki-ép thể hiện trách nhiệm trước nhân dân và đất nước, cùng với lãnh đạo tất cả các lực lượng chính trị và các vùng miền bàn bạc giải pháp cho những vấn đề phức tạp nhất hiện nay của U-crai-na.

Trong khi đó, sau chuyến thăm và cam kết của Thủ tướng tạm quyền U-crai-na Ác-xê-ni Y-a-xê-ni-úc về tăng quyền hạn cho chính quyền tại tỉnh Đô-nhét-xcơ trong cuộc gặp giới chức địa phương miền Đông U-crai-na ngày 11-4, tình hình biểu tình tại các tỉnh miền Đông U-crai-na vẫn chưa có thay đổi đáng kể. BBC đưa tin ngày 12-4, một nhóm vũ trang đã chiếm đồn cảnh sát ở Thị trấn Xla-vi-an-xcơ, khu vực gần biên giới với Nga ở phía đông U-crai-na. Cảnh sát cho biết, nhóm vũ trang sử dụng súng và lựu đạn để chiếm đồn cảnh sát. Bộ trưởng Nội vụ U-crai-na Ác-xen A-va-cốp đã gọi những kẻ chiếm đóng là “khủng bố” và cho biết lực lượng đặc nhiệm đã được cử tới hiện trường. Ông A-va-cốp cho hay, một nhóm vũ trang khác cũng cố chiếm văn phòng công tố khu vực Đô-nhét-xcơ nhưng đã bị đẩy lui.

Trung tâm chính quyền Đô-nhét-xcơ hiện vẫn nằm dưới sự kiểm soát của hàng trăm tay súng, những người đã tuyên bố thành lập "nước cộng hòa nhân dân" và kêu gọi Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-tin đưa quân vào miền đông U-crai-na. Tại Lu-gan-xcơ, Nghị sĩ Hội đồng tỉnh đã gửi thư cho Quốc hội U-crai-na yêu cầu phê chuẩn luật miễn trừ trách nhiệm hình sự cho người biểu tình tại miền đông - nam trong thời hạn sớm nhất, sau khi Tòa án Khác-cốp bảo lưu quyết định tạm giam đối với 62 người biểu tình. Còn tại Đô-nhét-xcơ, những người chiếm giữ trụ sở chính quyền từ ngày 6-4 đã ra nghị quyết bất tín nhiệm chính quyền mới tại Ki-ép, tuyên bố tất cả các cơ quan chính quyền Trung ương tại Ki-ép là không hợp pháp do "tiếm quyền thông qua đảo chính vũ trang", đồng thời kêu gọi liên bang hóa đất nước U-crai-na.

Trước tình hình này, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) và các đồng minh ủng hộ Mỹ trong việc áp đặt lệnh trừng phạt bổ sung đối với Nga nếu nước này tiếp tục khiến cuộc khủng hoảng U-crai-na leo thang. Theo Tân Hoa xã, trong một cuộc trò chuyện điện thoại với người đồng cấp Đức An-giê-la Méc-ken, Tổng thống Ô-ba-ma bày tỏ "quan ngại" về tình hình ở miền đông U-crai-na, nơi mà "các hành động ly khai với sự hỗ trợ từ Mát-xcơ-va tiếp tục kích động và gây bất ổn cho Ki-ép".

Trong khi đó, ngày 12-4, quan chức điều hành cấp cao Cty Năng lượng Nhà nước Naftogaz của U-crai-na, An-đri Cô-bô-lép, cho biết Cty này đã ngừng thanh toán tiền mua khí đốt của Nga cho đến khi kết thúc các cuộc đàm phán về giá cả. Trả lời phỏng vấn Tuần san Zerkalo Nedely, ông Cô-bô-lép cho hay: "Vấn đề trả nợ có liên quan trực tiếp với việc duy trì giá khí đốt ở mức hồi quý I (268 USD/1.000 mét khối)... Chúng tôi không thấy có lý do để sửa giá. Chúng tôi coi cái giá khoảng 500USD đó là phi thị trường, phi lý và không thể chấp nhận được. Vì vậy, chúng tôi đã ngừng thanh toán trong giai đoạn thương lượng về giá". U-crai-na nhận khoảng một nửa số khí đốt của nước này từ Nga và một số lượng lớn khí đốt của châu Âu được bơm từ Nga qua U-crai-na./.

Theo: qdnd.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com