Ngày 14-4, I-ran đã yêu cầu Ủy ban LHQ về quan hệ với nước chủ nhà tiến hành cuộc họp đặc biệt về việc Mỹ từ chối cấp thị thực cho tân Đại sứ I-ran tại LHQ Ha-mít A-bu-ta-lê-bi. Vụ tranh cãi này diễn ra trong bối cảnh tiến trình đối thoại giữa I-ran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tê-hê-ran đang trong giai đoạn khá nhạy cảm.
“Cấm cửa” Đại sứ
Chủ tịch Ủy ban LHQ, Đại sứ Síp tại LHQ Ni-cô-lát Ê-mi-li-u cho biết, I-ran đã yêu cầu một cuộc họp giữa 19 thành viên trong Ủy ban chuyên phụ trách các vấn đề liên quan đến thị thực, nhập cư và an ninh này. Tuy nhiên, ông Ê-mi-li-u khẳng định, Tê-hê-ran không yêu cầu bất cứ hành động cụ thể nào từ phía Ủy ban mà chỉ lưu ý Ủy ban quan tâm đến vấn đề trên ít nhất là trong thời điểm hiện tại.
Ông H.A-bu-ta-lê-bi từng là Đại sứ I-ran tại Liên minh châu Âu (EU), Bỉ, I-ta-li-a và Ô-xtrây-li-a. Mới đây, ông được chính quyền Tê-hê-ran bổ nhiệm làm Đại sứ tại LHQ. Tuy nhiên, ngày 11-4, Nhà Trắng chính thức bác bỏ việc cấp thị thực cho Đại sứ mới được bổ nhiệm của I-ran tại LHQ với lý do ông H.A-bu-ta-lê-bi có liên quan đến vụ chiếm giữ đại sứ quán Mỹ ở Tê-hê-ran vào tháng 11-1979 và bắt 52 người Mỹ làm con tin trong 444 ngày. Sau sự kiện này, Mỹ và I-ran cắt đứt quan hệ ngoại giao. Theo thông lệ, do là nước mà LHQ đặt trụ sở, Mỹ có nghĩa vụ cấp thị thực cho các nhà ngoại giao nước ngoài tới làm việc tại cơ quan này. Mặc dù ông H.A-bu-ta-lê-bi đã khẳng định không tham gia vụ bắt cóc này nhưng phía Mỹ vẫn quy kết ông là "phần tử khủng bố".
Tân Đại sứ I-ran tại LHQ H.A-bu-ta-lê-bi. Ảnh: Internet |
Tê-hê-ran đã lập tức phản ứng lại quyết định của Oa-sinh-tơn với lời khẳng định, ông H.A-bu-ta-lê-bi chỉ đóng vai trò phiên dịch cho nhóm chiếm Đại sứ quán Mỹ chứ không dính líu trực tiếp tới vụ bắt cóc. Tê-hê-ran cho rằng, việc Oa-sinh-tơn không cấp thị thực cho ông H.A-bu-ta-lê-bi là "hành động không thể chấp nhận được" và sẽ đẩy tình hình đến chỗ bế tắc, đi ngược lại những nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ hai nước sau nhiều thập kỷ "đóng băng". “Quyết định trên đi ngược lại luật pháp quốc tế, nghĩa vụ của một nước chủ nhà và quyền của các nước thành viên LHQ về việc chỉ định đại diện tại thể chế đa phương này”, thông cáo của Bộ Ngoại giao I-ran nhấn mạnh, đồng thời khẳng định nước này sẽ không chọn ứng viên thay thế khác.
Đã từng có tiền lệ
Trên thực tế, Mỹ chưa bao giờ từ chối cấp thị thực cho những nhà ngoại giao I-ran được cử đến làm việc tại trụ sở LHQ ở Niu Y-oóc dù đặt ra quy định là không được ra khỏi phạm vi Niu Y-oóc. Không chỉ thế, chính phủ Mỹ còn cấp thị thực cho các nhân vật được nước này xem là "thù địch" như Chủ tịch Cu-ba Phi-đen Ca-xtơ-rô, hay nhà lãnh đạo Li-bi Mu-a-mơ Ca-đa-phi, Tổng thống Dim-ba-bu-ê Rô-bớt Mu-ga-bê… khi các nhà lãnh đạo này dự họp tại LHQ, bất chấp sự phản đối của Quốc hội Mỹ.
Đương nhiên, vẫn còn một trường hợp ngoại lệ. Đó là vào năm 1988, Oa-sinh-tơn từ chối cấp thị thực cho ông Y-a-xơ A-ra-phát, lúc đó là lãnh đạo Phong trào Giải phóng Pa-le-xtin nhập cảnh vào Mỹ để phát biểu tại một phiên họp của LHQ. Sau đó, Đại hội đồng LHQ đã ra nghị quyết cáo buộc Mỹ đã vi phạm thô bạo “nghĩa vụ đối với cộng đồng quốc tế của nước chủ nhà” mà Tổng thống Ha-ri Tru-man đã cam kết. Trong 153 nước bỏ phiếu có đến 151 phiếu đồng ý nghị quyết này và chỉ Mỹ cùng I-xra-en là bỏ phiếu chống.
Việc Mỹ cấm Đại sứ mới I-ran nhập cảnh vào Mỹ diễn ra trong bối cảnh I-ran và nhóm P5+1 đang xúc tiến các cuộc đàm phán nhằm đạt được một thỏa thuận toàn diện về chương trình hạt nhân I-ran, sau thỏa thuận sơ bộ đã đạt được hồi tháng 11-2013. Mặc dù có những đồn đoán lo ngại vụ “cấm cửa” Đại sứ I-ran ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán giữa Tê-hê-ran và phương Tây, song Đại sứ Mỹ tại LHQ Xa-man-tha Pao-ơ khẳng định, việc này sẽ không ảnh hưởng tới tiến trình đối thoại và Oa-sinh-tơn vẫn cử đại diện tham gia các cuộc thương lượng cấp chuyên viên diễn ra hằng ngày giữa I-ran với Nhóm P5+1./.
Theo: QĐND