Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 10-4 đã nhất trí thông qua nghị quyết thành lập một lực lượng gìn giữ hòa bình tại Cộng hòa (CH) Trung Phi nhằm hỗ trợ chính phủ nước này giải quyết cuộc xung đột sắc tộc giáo phái bùng phát thời gian qua, cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người.
Nghị quyết trên do Pháp đệ trình, cho phép triển khai Phái bộ ổn định phối hợp đa diện của LHQ tại CH Trung Phi (MINUSCA), với lực lượng lên tới 12.000 người. MINUSCA gồm có 10.000 nhân viên quân sự, 1.800 cảnh sát và 20 sĩ quan quản giáo có nhiệm vụ bảo vệ người dân và các phái bộ hỗ trợ nhân đạo, duy trì sự ổn định, bên cạnh hỗ trợ quá trình chuyển tiếp chính trị, đồng thời thúc đẩy sự tôn trọng nhân quyền tại CH Trung Phi.
Ảnh minh họa: bbc.com. |
Lực lượng này sẽ đi vào hoạt động vào ngày 15-9 tới. Nghị quyết của HĐBA cũng cho phép binh lính Pháp hiện đang triển khai tại CH Trung Phi sử dụng mọi phương tiện cần thiết để hỗ trợ MINUSCA.
Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã triển khai nhóm quân đầu tiên trong Phái bộ quân sự châu Âu tại CH Trung Phi (EUFOR), gồm 55 hiến binh cơ động Pháp, có nhiệm vụ đảm bảo an ninh và huấn luyện lực lượng an ninh địa phương. Dự kiến đến cuối tháng 5 tới, toàn bộ 800 binh sĩ EU triển khai đến CH Trung Phi sẽ sẵn sàng hoạt động. .
CH Trung Phi chìm trong bạo lực gần một năm qua kể từ khi phiến quân Seleka (Xê-lê-ca) lật đổ chính phủ hồi tháng 3-2013 và đưa chỉ huy lực lượng này Michel Djotodia (Mi-sen Dô-tô-đi-a) lên làm Tổng thống lâm thời. Tuy nhiên, ông Djotodia đã phải từ chức do không thể kiềm chế làn sóng tàn sát và cướp bóc do các tay súng lực lượng Hồi giáo Seleka cũ tiến hành nhằm vào người Cơ đốc giáo. Trong khi đó, các binh sĩ Chad, bị cáo buộc là cùng phe với phiến quân Seleka do đều là người Hồi giáo, cũng đã xung đột với lực lượng dân phòng người Cơ đốc giáo. Bạo lực vẫn không giảm bất chấp một lực lượng đông đảo các binh sĩ gìn giữ hòa bình của châu Phi và Pháp được triển khai tại Bangui.
Theo ước tính của Liên hợp quốc và các tổ chức cứu trợ, khoảng 1/4 dân số CH Trung Phi đã phải rời bỏ nhà cửa do lo ngại tình trạng tàn sát và thiếu lương thực, trong khi ít nhất 2 triệu người cần được hỗ trợ nhân đạo.
Theo qdnd.vn