Đằng sau động thái mua sắm vũ khí của Hàn Quốc

08:04, 04/04/2014

Song song với việc đưa vào biên chế một loạt máy bay chiến đấu thế hệ mới trong năm 2014, Xơ-un cũng sẽ ký kết nhiều hợp đồng mua sắm nhằm tăng cường sức mạnh cho lực lượng không quân. Trong số đó, đáng chú ý có hợp đồng mua máy bay tiếp liệu trên không và 40 tiêm kích. Đằng sau bức màn mua sắm, liệu còn có những lợi ích chính trị nào khác?

Ồ ạt mua sắm

Thông tin trên đã được Phó Tham mưu trưởng Không quân Hàn Quốc, tướng Kim Hyung-chul cho biết khi tham dự một hội thảo ở A-linh-tơn, Vơ-gi-ni-a do Hiệp hội Không lực Mỹ tổ chức. “Đến cuối năm nay, Không quân Hàn Quốc có thể xác định được các ứng viên cung cấp máy bay tiếp liệu trên không và sẽ ký được hợp đồng”, tướng Kim cho biết. Hiện nay, các đối thủ cạnh tranh gói thầu trị giá hàng tỷ USD này của Hàn Quốc gồm MRTT A330 của hãng Airbus, Boeing 767 và Boeing KC-46A. Tướng Kim hy vọng Không quân Hàn Quốc sẽ nhận được chiếc máy bay tiếp liệu mới đầu tiên vào năm 2020. Giới chức quân đội Hàn Quốc tin rằng, việc mua 4 máy bay tiếp liệu sẽ cho phép tăng thời gian và tầm bay cho các tiêm kích của nước này. Theo tính toán, điều này tương đương với việc tăng 30% số lượng tiêm kích của Không quân Hàn Quốc.

Máy bay của lực lượng Không quân Hàn Quốc tại căn cứ Cun-xan. Ảnh: Internet
Máy bay của lực lượng Không quân Hàn Quốc tại căn cứ Cun-xan. Ảnh: Internet

Được biết, Không quân Hàn Quốc được tổ chức biên chế với 65.000 quân và trang bị khoảng 500 máy bay chiến đấu do nước này sản xuất theo giấy phép hoặc nhập khẩu trực tiếp từ Mỹ. Tuy nhiên, với số lượng máy bay này Hàn Quốc hiện vẫn chưa thể bảo đảm tự bảo vệ các đảo xa, trong đó có quần đảo tranh chấp Đốc-đô ở phía Đông hiện do nước này quản lý nhưng Nhật Bản cũng đòi chủ quyền và gọi là Ta-kê-si-ma, cũng như không phận trên khu vực bãi đá ngầm I-ê-ô-đô ở phía Tây Nam - nơi được Trung Quốc đặt tên là Tô Nham Tiêu. Nguyên nhân là nếu cất cánh từ căn cứ gần nhất, các tiêm kích KF-16 của Hàn Quốc với các thùng nhiên liệu đầy cũng không thể lưu lại không phận xung quanh Đốc-đô quá 10 phút. Trong trường hợp của I-ê-ô-đô là không quá 5 phút. Các chỉ số này đối với các tiêm kích F-15K của Hàn Quốc tương ứng là 30 phút và 20 phút. Vì vậy, lâu nay Không quân Hàn Quốc đã yêu cầu Chính phủ mua các máy bay tiếp liệu trên không để giải quyết vấn đề này.

Ngoài ra, Xơ-un cũng xác nhận kế hoạch mua 4 máy bay không người lái Global Hawk của Northrop Grumman. Những chiếc máy bay này sẽ tốn chi phí không nhỏ (khoảng 880 tỷ Uôn) và sẽ được trang bị bắt đầu vào năm 2018. Global Hawk là một phần quan trọng của chiến lược tấn công phủ đầu “Hạ sát chuỗi” (Chain kill) của Hàn Quốc được lập ra để đối phó với tên lửa Triều Tiên.

Không chỉ để tăng cường sức mạnh

Song song với việc Bắc Kinh tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không ADIZ, tình hình căng thẳng ở khu vực Đông Bắc Á cũng ngày một gia tăng. Điều này buộc các nước trong khu vực, đặc biệt là Hàn Quốc phải không ngừng nâng cao năng lực chiến đấu trên không. Roi-tơ đưa tin, Hàn Quốc cũng khá mạnh tay khi dự tính chi 6,79 tỷ USD mua 40 chiếc máy bay chiến đấu F-35 của Hãng Lockheed Martin trong khuôn khổ dự án F-X. Đây là hợp đồng mua sắm có giá trị kỷ lục đối với Hàn Quốc và được gọi là “Hợp đồng thế kỷ”. Nguồn tin cho hay, hợp đồng mua F-35 sẽ được hoàn thành vào quý 3 năm nay và lần nhận hàng đầu tiên vào năm 2018. Được biết, đây là loại máy bay chiến đấu hiện đại nhất đang được chào bán ở thị trường vũ khí thế giới. Tuy giá thành khá đắt đỏ, nhưng F-35 quả thực có rất nhiều lợi thế: Khả năng tàng hình cao, khả năng chiến đấu đa chức năng với kỹ thuật điện tử hàng không, cảm biến và vũ khí hiện đại, khiến nó có vị trí hàng đầu trong số các máy bay chiến đấu trên thế giới. Trước đó, Hàn Quốc định chi 8,3 nghìn tỷ Uôn mua 60 chiếc máy bay chiến đấu F-15 của hãng Boeing. Tuy nhiên, kế hoạch này được hủy bỏ và thay bằng việc mua 40 chiếc F-35.

Điều đáng nói là mặc dù Hàn Quốc là nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ 8 trên thế giới trong khoảng từ năm 2009 đến 2013, theo Viện nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), tuy nhiên, theo Roi-tơ, 80% lượng vũ khí nhập khẩu của nước này bắt nguồn từ đồng minh thân cận Mỹ. Dự án mua F-35 cũng không nằm ngoài số đó. Thêm nữa, những hợp đồng mua bán vũ khí giữa hai nước ngày càng được tăng cường cả về số lượng và chất lượng trong thời gian gần đây khi tình hình bán đảo Triều Tiên tiếp tục diễn biến khó lường.

Theo trang stripes.com, mối quan hệ căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên kể từ năm 2008 đã khiến Xơ-un và Oa-sinh-tơn càng ngày càng xích lại gần nhau hơn. Tháng 1 vừa qua, hai nước cũng đã ký một thỏa thuận về số tiền đóng góp tài chính của Xơ-un trong 5 năm tới để duy trì sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc. Theo thỏa thuận trên, Hàn Quốc sẽ đóng góp khoảng 930 tỷ Uôn (875 triệu USD) trong năm 2014 cho chi phí đóng quân của binh lính Mỹ ở đất nước này. Vì vậy, các nhà phân tích cho rằng, đằng sau những hợp đồng hàng tỷ USD giữa hai nước phải chăng còn là một thỏa thuận “ngầm” để bảo đảm an ninh cho Xơ-un trước mối đe dọa từ Bình Nhưỡng. Thêm vào đó, trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, Trung Quốc vẫn chưa được giải quyết, việc liên tiếp củng cố sức mạnh phòng không cũng khiến các “hàng xóm” phải dè chừng hơn nếu muốn động tới Xơ-un./.

Theo: qdnd.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com