Trong 2 ngày 22 và 23-4, Phó tổng thống Mỹ G.Bai-đơn đã có chuyến công du tới U-crai-na. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo cấp cao của Chính quyền Mỹ đến Ki-ép kể từ biến cố ông V.Y-a-nu-cô-vích bị phế truất khỏi cương vị Tổng thống U-crai-na.
Phát biểu trong chuyến thăm, ông G.Bai-đơn tuyên bố, Oa-sinh-tơn sẵn sàng trợ giúp nền kinh tế U-crai-na, song cảnh báo nước này cần phải đấu tranh chống lại nạn tham nhũng. Ông G.Bai-đơn nhận định, cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào ngày 25-5 tới sẽ có ý nghĩa quan trọng nhất trong lịch sử U-crai-na và Oa-sinh-tơn sẵn sàng “sát cánh” với Ki-ép tổ chức sự kiện này. Ông G.Bai-đơn cũng khẳng định, Mỹ sẵn sàng giúp ban lãnh đạo nước này nắm bắt cơ hội để tạo sự đoàn kết dân tộc. Phó tổng thống Mỹ nhấn mạnh rằng, Ki-ép hoàn toàn có thể theo đuổi an ninh năng lượng song cần có thời gian. Ông đề nghị các nhà lập pháp U-crai-na hình dung "vị thế lớn mạnh hơn" của Ki-ép trong tương lai nếu U-crai-na không phụ thuộc vào các nguồn cung khí đốt của Nga. Tờ Independent dẫn lời một quan chức tháp tùng ông G.Bai-đơn cho biết, chuyến đi của ông G.Bai-đơn nhằm mục đích cho thấy “Mỹ ủng hộ nền dân chủ, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của U-crai-na”.
Phó Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn (bên trái) gặp Tổng thống tạm quyền U-crai-na Ô.Tu-rơ-tri-nốp. Ảnh: Internet |
Chuyến thăm của ông G.Bai-đơn diễn ra chỉ một tuần sau chuyến đi bất ngờ và gây tranh cãi của Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) G.Bren-nan. Chuyến đi của ông G.Bai-đơn diễn ra trong bối cảnh bất ổn ở U-crai-na cũng như căng thẳng trong quan hệ ngoại giao Nga - Mỹ chưa có lối thoát, bất chấp một thỏa thuận quốc tế sau hội nghị 4 bên diễn ra hồi tuần trước tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ).
Bình luận về chuyến thăm, Đài Tiếng nói nước Nga cho rằng, không lấy gì làm lạ về chuyện cá nhân ông G.Bai-đơn thường được phái đến chỗ một "đối tác có vấn đề” nào đó. Đài này cho biết, năm 2009, ông G.Bai-đơn đã đến Gru-di-a để trấn an Tổng thống M.Xa-ca-svi-li sau thảm họa “Cuộc chiến Cáp-ca-dơ” năm 2008 và khi đó, Tổng thống Gru-di-a đã ra lệnh tấn công Nam Ô-xê-ti-a nhưng thất bại. Theo Đài Tiếng nói nước Nga, nếu sứ mệnh của ông G.Bai-đơn chỉ thuần túy là bày tỏ những lời hỗ trợ từ phía Mỹ thì tình hình U-crai-na cuối cùng rồi sẽ “vượt hẳn ra khỏi tầm kiểm soát” khi nước này đang “chao đảo trên bờ vực của cuộc nội chiến do sự xô đẩy từ những đối tác tại Ki-ép của Oa-sinh-tơn”.
Trong khi đó, ông G.Đúp, biên tập viên cao cấp của tờ Veterans Today cho rằng, chuyến đi này hứa hẹn làm sáng tỏ thêm chính sách đối ngoại của Mỹ với U-crai-na trong tương lai. “Những tuyên bố của Giám đốc CIA G.Bren-nan không thể có trọng lượng bằng những cam kết của ông G.Bai-đơn - một Phó tổng thống Mỹ”, Ria Novosti dẫn lời ông G.Đúp phát biểu. Đồng tình với quan điểm này, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại và Các sáng kiến V.Cra-se-nin-ni-cốp tin rằng, chuyến thăm Ki-ép của ông G.Bai-đơn vẫn cho thấy sự quan tâm rất lớn của Mỹ đối với những gì đang xảy ra ở U-crai-na. "Chỉ một tuần trước đây, người đứng đầu của CIA G.Bren-nan đã tới thăm Ki-ép và bây giờ là Phó tổng thống Mỹ. Chuyến thăm của các quan chức cấp cao người Mỹ cho thấy tầm quan trọng của những gì đang xảy ra ở U-crai-na đối với Oa-sinh-tơn. Ngoài các chuyến công du, Ki-ép vẫn liên lạc thường xuyên với Oa-sinh-tơn và thậm chí là nhiều lần trong ngày", bà V.Cra-se-nin-ni-cốp cho hay. Chuyên gia H.Con-li thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược và Các vấn đề Quốc tế (CSIS) cũng nhận định, chuyến thăm của Phó tổng thống Mỹ là bước chuẩn bị quan trọng cho những chính sách mới của Nhà Trắng với Ki-ép.
Mặc dù vậy, một số nhà phân tích khác lại đánh giá chuyến thăm của ông G.Bai-đơn chỉ là mang tính biểu tượng chứ không giúp giải quyết được vấn đề và chuyện tìm giải pháp chính trị cho U-crai-na là điều không dễ làm. “Nói cho đúng, chưa ai thấy ánh sáng giải pháp chính trị lóe lên cả. Mâu thuẫn giữa phương Tây và Nga trong vấn đề U-crai-na vẫn tiếp tục dai dẳng chưa biết khi nào kết thúc”, chuyên gia M.Mác Gi thuộc Viện Nghiên cứu Brookings nhận xét. Trong khi đó, ông R.I-sen-cô, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo Chiến lược ở Ki-ép cho rằng, chuyến đi của ông G.Bai-đơn nhằm xem xét các khả năng thoái lui của Mỹ để giữ thể diện khi các chính sách của Oa-sinh-tơn với U-crai-na liên tục thất bại. “Ông G.Bai-đơn sẽ tìm hiểu xem làm cách nào Chính quyền Ki-ép có thể thực hiện nhiệm vụ của mình; nhiệm vụ ấy không phải là bảo vệ các lợi ích của Mỹ ở U-crai-na mà là che đậy cho sự rút lui của Mỹ”, ông R.I-sen-cô nói với Ria Novosti./.
Theo: QĐND