Từ hôm nay, 22-4, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma bắt đầu chuyến công du một số nước châu Á. Đây là cơ hội để chính quyền Mỹ tái khẳng định quyết tâm củng cố chính sách “xoay trục” sang châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời tái khẳng định những cam kết về an ninh với các đồng minh trong khu vực.
Nhật Bản sẽ là điểm đến đầu tiên trong chuyến đi của ông B.Ô-ba-ma. Tại đây, Tổng thống Mỹ dự kiến sẽ gặp Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê với trọng tâm nhằm củng cố mối quan hệ đồng minh giữa hai nước, đồng thời thúc đẩy hợp tác về ngoại giao, kinh tế và thảo luận với các quan chức cấp cao Nhật Bản về các cuộc đàm phán song phương về Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tiếp đó, ông B.Ô-ba-ma sẽ tới Hàn Quốc và có cuộc hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Pắc Cưn Hê, trong đó hai bên sẽ dành thời gian bàn thảo về tình hình trên bán đảo Triều Tiên. Ngoài ra, Tổng thống Mỹ còn có nhiệm vụ xoa dịu căng thẳng giữa hai đồng minh thân cận là Hàn Quốc và Nhật Bản.
Sau điểm đến thứ ba là Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin sẽ là chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du của ông B.Ô-ba-ma. Dự kiến, Tổng thống Mỹ sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Phi-líp-pin B.A-ki-nô nhằm củng cố hợp tác kinh tế, an ninh thông qua hiện đại hóa liên minh quốc phòng cũng như các nỗ lực mở rộng quan hệ kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Có thể nói, chuyến công du châu Á lần này của ông B.Ô-ba-ma có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi nó diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Trung - Nhật tiếp tục leo thang, quan hệ giữa hai đồng minh của Oa-sinh-tơn là Nhật Bản và Hàn Quốc cũng trục trặc do tranh chấp về chủ quyền biển, đảo, trong khi bán đảo Triều Tiên ngày càng nóng với việc Bình Nhưỡng liên tục thử tên lửa để đáp trả các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn. Hơn thế nữa, việc phải “chia lửa” cho cuộc khủng hoảng tại U-crai-na cũng như các vấn đề ở Trung Đông dường như đã khiến cho chính sách hướng đến châu Á của Mỹ phần nào bị ảnh hưởng.
Tổng thống B.Ô-ba-ma trong chuyến thăm Nhật Bản vào tháng 11-2009. Ảnh: Báo Bưu điện Oa-sinh-tơn |
Trong bối cảnh đó, chính quyền của Tổng thống B.Ô-ba-ma cần có những hành động kịp thời nhằm nhấn mạnh vai trò của nước Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương, tái khẳng định những cam kết về an ninh với các đồng minh trong khu vực và chứng minh rằng, chiến lược “xoay trục” về châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ, vẫn chưa hề đi chệch hướng. Tất cả những mục tiêu ấy được đặt cả vào chuyến đi lần này.
Các nhà phân tích cho rằng, Tổng thống B.Ô-ba-ma sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn trong chuyến công du sắp tới. Trước hết, đó là việc phải làm sao để thuyết phục các nhà lãnh đạo trong khu vực rằng, Mỹ không còn thờ ơ đứng nhìn trước vấn đề nóng của khu vực. Nói về chuyến đi của Tổng thống B.Ô-ba-ma, ông Côi-chi Na-ca-nô, giáo sư chính trị của Đại học Sophia ở Tô-ki-ô mới đây đã nhận định rằng: “Ông B.Ô-ba-ma đến đây bởi vì ở Đông Bắc Á có hai nền kinh tế đứng thứ hai và thứ ba thế giới là Trung Quốc và Nhật Bản, trong khi nước Mỹ đang đứng ở vị trí thứ nhất. Nếu có bất cứ chuyện gì xảy ra vì tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản, chúng ta có thể phải chứng kiến 3 nền kinh tế hàng đầu thế giới đấu đá lẫn nhau và đó là viễn cảnh mà nước Mỹ không muốn xảy ra. Ông B.Ô-ba-ma ở đây là để ngăn chặn điều đó”.
Ngoài ra, một số nguồn tin còn cho rằng trong chuyến công du lần này, Tổng thống B.Ô-ba-ma sẽ ưu tiên việc tiếp cận các thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu, bảo vệ lợi ích an ninh và thúc đẩy giá trị cốt lõi với các nước. Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Xu-xân Rai-xơ cho biết trong 5 năm tới, gần một nửa tổng tăng trưởng ngoài nước Mỹ dự kiến đến từ châu Á. Bởi vậy, ưu tiên hàng đầu của Mỹ là thúc đẩy quan hệ với châu Á trong các vấn đề tiếp cận thị trường, tăng cường xuất khẩu hay bảo vệ lợi ích an ninh./.
Theo: QĐND