Ngay trên Quảng trường các quốc gia ai cũng thấy chiếc ghế gỗ khổng lồ, gãy một chân đứng sừng sững đối diện cổng Cơ quan Liên hợp quốc tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sỹ. Chiếc ghế nặng 5,5 tấn, cao tới 24 mét, đã được đặt ở đó từ năm 1997 với mong muốn ban đầu nhằm vận động hỗ trợ người khuyết tật, rồi sau đó được coi là biểu tượng ủng hộ toàn cầu hóa Công ước chống mìn sát thương rồi Công ước cấm bom đạn chùm (CCM).
Những ngày này, các đại biểu của hơn 100 quốc gia và các tổ chức quốc tế lại đến Giơ-ne-vơ dự Hội nghị giữa kỳ CCM để bàn thảo về tiến trình toàn cầu hóa CCM và các vấn đề liên quan đến khắc phục hậu quả của bom, đạn chùm như rà phá, giáo dục giảm tác hại, hợp tác hỗ trợ quốc tế hay hỗ trợ nạn nhân.
Tới nay, đã có 113 nước ký kết và 84 nước đã chính thức phê chuẩn CCM. Là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi nhiều cuộc chiến tranh và hậu quả do bom, đạn để lại, Việt Nam hoan nghênh các mục tiêu nhân đạo của công ước này nhưng vẫn đang trong quá trình tìm hiểu về nó.
Chiếc ghế gãy một chân đối diện cổng Cơ quan Liên Hợp quốc tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sỹ. Ảnh: Internet |
Phát biểu của ông Bùi Hoàng Long, Bí thư thứ nhất Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Giơ-ne-vơ ở Hội nghị ngày 7-4 đã khẳng định, Việt Nam đang tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu để xem xét khả năng tham gia CCM và sẽ tham gia CCM khi đủ điều kiện cần thiết và phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam. Tuy chưa ký tham gia CCM, nhưng Việt Nam đã và đang thực hiện rất nhiều nội dung của Công ước như: Không sản xuất, sử dụng, tàng trữ, chuyển giao bom, đạn chùm. Hơn nữa, Việt Nam đã và đang phải bỏ ra nhiều công sức và nguồn lực để tiêu hủy và làm sạch lượng bom, đạn chùm còn lại sau chiến tranh. Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã và đang tích cực hỗ trợ nạn nhân chiến tranh, nạn nhân bom mìn, trong đó có nạn nhân bom, đạn chùm. Nhiều đại biểu tham dự hội nghị hoan nghênh và đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam.
Khi Việt Nam đang tìm hiểu về Công ước thì Lào đã là thành viên chính thức của Công ước này. Ông Phu-kheo Chan-tha-xom-bu, Tổng Giám đốc Cơ quan quốc gia Khắc phục bom mìn của Lào (NRA) cho biết, sau khi trở thành thành viên chính thức của CCM, hỗ trợ tài chính từ các nước và các tổ chức quốc tế cho các hoạt động khắc phục bom mìn tại Lào đã tăng lên đáng kể, từ 20 triệu USD năm 2011 đến 42 triệu USD năm 2013 và con số này sẽ còn tiếp tục tăng trong năm nay. “Chúng tôi rất ấn tượng. Chúng tôi được rất nhiều khi tham gia CCM”, ông Phu-kheo nói.
Nhân dân Lào rõ ràng được hưởng lợi khi việc tham gia CCM giúp đẩy nhanh quá trình rà phá bom mìn ở một trong những đất nước có tỷ lệ bình quân đầu người phải gánh số lượng bom, đạn nhiều nhất trong lịch sử thế giới. Hơn nữa, Lào cũng được hoan nghênh tại Hội nghị khi các trường hợp tai nạn do bom mìn đã giảm đáng kể từ năm 2010 khi Lào đăng cai tổ chức Hội nghị các quốc gia thành viên CCM đầu tiên và cũng là thời điểm CCM chính thức có hiệu lực.
Trong 16 năm qua, Lào mới chỉ rà phá được 40.000ha trong tổng số 87.000km2 đất đai bị ô nhiễm bom mìn. Yêu cầu của CCM là các quốc gia thành viên phải rà phá sạch bom, đạn chùm trong khung thời gian 10 năm với giai đoạn 5 năm mở rộng. Điều này rất khó như trong trường hợp của Lào hay Việt Nam. Trên thực tế, CCM cho phép nhiều lần gia hạn, theo đó mỗi lần sẽ kéo dài 5 năm. Khi cần gia hạn, quốc gia đó chỉ cần làm một bản báo cáo nêu rõ những thành tựu đã đạt được trong lần gia hạn trước. “Lào cũng có thể sẽ phải xin gia hạn do đặc điểm ô nhiễm bom mìn của Lào”, ông Phu-kheo cho hay.
Trong khi đó, ông Giô-na-thon Gu-thri, Trưởng đại diện của Quỹ Hỗ trợ nhân dân Na-uy (NPA) tại Việt Nam cho rằng, điều quan trọng nhất là CCM không chỉ tập trung vào việc rà sạch bom, đạn chùm mà mục đích chính là vì con người, đây là hiệp ước giúp ngăn chặn việc sử dụng vũ khí với mục đích tiêu diệt, gây tổn thương hoặc đe doạ những nạn nhân vô tội trong khi xảy ra xung đột và suốt thời gian sau đó. “Vấn đề cốt lõi là ngăn chặn việc sử dụng bom đạn chùm trong tương lai thông qua việc cấm sử dụng các loại vũ khí như vậy. Những quốc gia chiếm tỷ lệ sử dụng lớn như các lực lượng đồng minh tại Áp-ga-ni-xtan đã không sử dụng bom chùm kể từ khi Công ước có hiệu lực”, ông Gu-thri nói.
Ông Gu-thri cũng cho rằng các quốc gia đã sử dụng bom chùm nên hỗ trợ những quốc gia nạn nhân thông qua việc hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính hoặc các phương thức khác. Ông cũng khẳng định, việc hỗ trợ các quốc gia nạn nhân không nên chỉ xuất phát từ những quốc gia có và đã sử dụng mà nên đến từ tất cả các nước có điều kiện để hỗ trợ. Ông Gu-thri cũng khẳng định, NPA đang tìm cách hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng chính sách liên quan đến hiệp ước, GD và ĐT, phổ cập hiệp ước, hỗ trợ tư vấn về kỹ thuật và hỗ trợ Việt Nam đạt được những yêu cầu của hiệp ước.
Không chỉ có NPA, trao đổi với các đại biểu Việt Nam, nhiều tổ chức quốc tế khác như IC-VVAF, Trung tâm Khắc phục bom mìn nhân đạo Giơ-ne-vơ (GICHD), Liên minh Vận động cấm bom đạn chùm… cũng quan tâm tới quá trình tìm hiểu CCM của Việt Nam để có thể đưa ra sự hỗ trợ kịp thời.
Chiếc ghế gãy một chân vẫn đứng đó trên quảng trường. Các đoàn đại biểu, đại diện các nước và các tổ chức quốc tế, các nạn nhân bom, đạn của chiến tranh vẫn ngày ngày nhìn thấy chiếc ghế khổng lồ trước cửa cơ quan quyền lực cao nhất thế giới. Nếu các mục tiêu của CCM đạt được, có một ngày chiếc ghế có thể sẽ được bỏ đi hoặc chỉ còn là biểu tượng ủng hộ người khuyết tật./.
Theo: qdnd.vn