Theo tin nước ngoài, ngày 21-1, Chủ tịch Ủy ban châu Âu G.Ba-rô-xô hoan nghênh Ðoàn đại biểu Xéc-bi-a do Thủ tướng I.Da-xích dẫn đầu đến Brúc-xen, Bỉ tiến hành vòng đàm phán đầu tiên gia nhập Liên hiệp châu Âu (EU). Ðây được coi là bước đi quan trọng trên đường phát triển của Xéc-bi-a trong tương lai. Ðại diện của EU tham gia vòng đàm phán này là Bộ trưởng Ngoại giao Hy Lạp E.Ve-ni-giê-nốt và một số bộ trưởng các nước thành viên EU.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu G.Ba-rô-xô hoan nghênh Thủ tướng Xéc-bi-a Da-xích đến Brúc-xen đàm phán gia nhập EU. Ảnh ROI-TƠ |
Hai bên cần hoàn tất đàm phán về 35 chương hiệp định trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, tiền tệ, tư pháp, năng lượng... Các nhà phân tích cho rằng, tiến trình đàm phán này phải mất từ ba đến năm năm. Xéc-bi-a đệ đơn gia nhập EU từ năm 2009. Tuy nhiên, EU đặt điều kiện Xéc-bi-a phải cải thiện quan hệ với vùng lãnh thổ Cô-xô-vô, đơn phương tuyên bố độc lập từ tháng 2-2008.
* Bộ trưởng Nông nghiệp Lát-vi-a L.Xtrâu-giu-ma, người được giao nhiệm vụ đứng ra thành lập chính phủ mới tại nước này, đã chính thức công bố thành phần chính phủ mới. Chính phủ mới của Lát-vi-a là một liên minh cầm quyền gồm bốn đảng (Liên minh Thống nhất, đảng Cải cách, Liên minh Dân tộc "Vì Tổ quốc và Tự do", và Liên minh "Xanh và nông dân"). Trong thành phần chính phủ mới, ông R.Vê-giô-nít giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Kinh tế do ông V.Ðôm-brốp-xki đảm nhiệm... Các vị trí đứng đầu Bộ Tài chính, Bộ Thông tin, Bộ Văn hóa, Bộ Nội vụ và Bộ Ngoại giao vẫn giữ nguyên. Chính phủ mới dự kiến sẽ nhậm chức sau khi được QH nước này thông qua vào hôm nay (22-1).
* Cùng ngày, trong bối cảnh làn sóng biểu tình phản đối 10 dự luật gây tranh cãi gia tăng tại thủ đô Ki-ép, Tổng thống U-crai-na V.Y-a-nu-cô-vích đã kêu gọi nhân dân đối thoại và thỏa hiệp nhằm ổn định đất nước; cam kết bảo đảm trật tự xã hội và bảo vệ quyền của người dân yêu chuộng hòa bình. Ông hy vọng người dân sẽ ủng hộ các nỗ lực của chính quyền chấm dứt cuộc xung đột do một số người muốn "giành chính quyền bằng bạo lực" gây ra; nhấn mạnh, chiến tranh và bạo lực sẽ hủy hoại nước này. Tổng thống Y-a-nu-cô-vích khẳng định, sẵn sàng lắng nghe ý kiến phản đối và mong muốn phối hợp tìm kiếm giải pháp chấm dứt mâu thuẫn, xung đột tại nước này.
Theo nhandan.com.vn