Nỗ lực kiến tạo hòa bình tại Trung Đông

09:01, 07/01/2014

Ngày 5-1, Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ri đã đến Gioóc-đa-ni. Chuyến thăm này là một phần trong chuyến công du khu vực, nhằm tìm kiếm sự ủng hộ cho kế hoạch hòa bình Trung Đông mà ông Ke-ri nhận định là sẽ “công bằng và cân bằng”.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Gioóc-đa-ni, Ngoại trưởng Mỹ Ke-ri hội đàm với Quốc vương Áp-đu-la II trước khi sang A-rập Xê-út để tham vấn với giới cầm quyền nước này về nỗ lực nhằm đạt được một thỏa thuận khung cho kế hoạch hòa bình Trung Đông. Cuối tuần này, ông Ke-ri cũng sẽ gặp một nhóm các ngoại trưởng A-rập để tìm kiếm sự ủng hộ cho nỗ lực mà ông đã quyết tâm theo đuổi, từ khi lên nhậm chức hồi đầu năm 2013 đến nay. Sự ủng hộ của các nước A-rập có ý nghĩa quan trọng đối với Pa-le-xtin để có thể đưa ra những thỏa hiệp cần thiết nhằm đạt được thỏa thuận với I-xra-en. Phát biểu với các phóng viên trước khi đến Am-man, ông Ke-ri nói: “Tôi có thể bảo đảm với tất cả các bên rằng, Tổng thống Ô-ba-ma và tôi cam kết thúc đẩy những ý tưởng công bằng và cân bằng nhằm tăng cường an ninh cho tất cả mọi người”.

Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ri (bên trái) trong cuộc gặp với Quốc vương Gioóc-đa-ni Áp-đu-la II tại Am-man ngày 5-1. Ảnh: Internet
Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ri (bên trái) trong cuộc gặp với Quốc vương Gioóc-đa-ni Áp-đu-la II tại Am-man ngày 5-1. Ảnh: Internet

Sau nhiều cuộc gặp liên tiếp trong hai ngày (3 và 4-1) với các nhà lãnh đạo I-xra-en và Pa-le-xtin hôm 4-1, Ngoại trưởng Ke-ri tuyên bố, tiến trình hòa đàm Trung Đông đã đạt được một số tiến triển cho phép hướng tới việc ký kết thỏa thuận khung, nhằm định hướng cho các cuộc đàm phán tiếp theo. Sau cuộc gặp lần thứ ba với Tổng thống Pa-le-xtin M.Áp-bát, ông Ke-ri tin tưởng rằng, các cuộc gặp và thảo luận trong hai ngày qua đã thổi luồng gió mới, thậm chí đã giải quyết được một số vấn đề và mở ra cơ hội mới cho các cuộc gặp tiếp theo. Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ thừa nhận, các nhà đàm phán I-xra-en và Pa-le-xtin còn phải đi tiếp chặng đường dài mới có thể đạt được thỏa thuận khung làm định hướng cho các cuộc đàm phán về hiệp định hòa bình cuối cùng.

Trong chuyến công du lần thứ 10 tới Trung Đông bắt đầu từ ngày 1-1, Ngoại trưởng Giôn Ke-ri đã dành nhiều thời gian thảo luận với các nhà lãnh đạo I-xra-en và Pa-le-xtin về thỏa thuận khung do Mỹ đề xuất, trong đó đề cập tới tất cả các vấn đề nhạy cảm nhất liên quan đến đường biên giới giữa I-xra-en và nhà nước Pa-le-xtin tương lai, số phận của người tị nạn Pa-le-xtin và quy chế đối với Thành phố Giê-ru-xa-lem. Trưởng đoàn đàm phán hòa bình Trung Đông của Pa-le-xtin, ông Ê-rê-cát cũng cho biết, Ngoại trưởng Mỹ đã nỗ lực để đạt được giải pháp hai nhà nước cho I-xra-en và Pa-le-xtin.

Tuy nhiên, theo AFP, Thủ tướng I-xra-en B.Nê-ta-ni-a-hu trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Ke-ri ngày 4-1, vẫn chỉ trích Tổng thống Pa-le-xtin M.Áp-bát và tỏ thái độ nghi ngờ cam kết hòa bình của ban lãnh đạo Pa-le-xtin. Ông Nê-ta-ni-a-hu tuyên bố Chính phủ I-xra-en sẵn sàng kiến tạo "hòa bình lịch sử", nhưng đối tác Pa-le-xtin cũng phải đưa ra cam kết tương tự. Nhà lãnh đạo I-xra-en nhấn mạnh rằng, hòa bình đồng nghĩa với việc "công nhận I-xra-en là một nhà nước".

Công kích lại luận điểm của Thủ tướng I-xra-en, Trưởng đoàn đàm phán Pa-le-xtin Ê-rê-cát nói rằng, không ai phải chịu mất mát do đàm phán thất bại nhiều hơn người Pa-le-xtin. Ông Ê-rê-cát cũng kêu gọi I-xra-en “kiềm chế mọi hành vi có thể làm phương hại đến Pa-le-xtin hoặc cản trở kết quả đàm phán khi tiến hành các hoạt động định cư và phá bỏ nhà cửa bất hợp pháp trên phần đất của Pa-le-xtin”.

Các cuộc hòa đàm trực tiếp giữa I-xra-en và Pa-le-xtin đã đóng băng gần 3 năm nay, sau nỗ lực ngoại giao “quyết liệt” của Ngoại trưởng Mỹ, hai bên đã nhất trí nối lại đàm phán vào tháng 7 năm ngoái và cam kết sẽ duy trì thương thuyết trong 9 tháng tiếp theo. Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực của Ngoại trưởng Mỹ Ke-ri thì các cuộc đàm phán hòa bình Trung Đông vẫn còn gặp rất nhiều chông gai và trở ngại.

Theo các nhà phân tích, những tín hiệu tích cực mà giới chức Mỹ thông báo về các cuộc đàm phán trực tiếp không đủ để xóa đi những hiềm khích đã ăn sâu trong quan hệ I-xra-en - Pa-le-xtin. Những diễn biến mới hiện nay một lần nữa cho thấy, tiến trình hòa bình hiện nay khá quanh co và chỉ mang tính hình thức. Bởi bên cạnh sự thù địch và mất lòng tin, vẫn còn đó những mâu thuẫn “thâm căn cố đế” tồn tại suốt nhiều thập niên qua trong cuộc xung đột giữa Pa-le-xtin và I-xra-en. Trên thực tế, các bên chấp nhận nối lại đàm phán vì đều không muốn bị xem là bên từ chối hòa bình và làm khó cho nỗ lực hòa bình. Mỗi bên đều chờ đợi phía bên kia bước ra khỏi bàn đàm phán để mong giành lợi thế về ngoại giao./.

Theo: qdnd.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com