Khôi phục uy thế Nhật Bản

08:01, 17/01/2014

Sau một năm cầm quyền với chính sách "át chủ bài" Abenomics giúp củng cố, ổn định chính trị và tạo bước tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng Nhật Bản S.A-bê vừa khởi động năm 2014 bằng chuyến thăm Trung Đông và châu Phi. Sự trở lại "lục địa đen" của Thủ tướng Nhật Bản sau tám năm là thông điệp muốn lấy lại uy thế và thúc đẩy giao thương với châu lục còn nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai mở này của Tô-ki-ô.

Tháp tùng Thủ tướng A-bê tới Ô-man và ba nước châu Phi, gồm Cốt Đi-voa, Mô-dăm-bích và Ê-ti-ô-pi-a là đoàn doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản trong các lĩnh vực xây dựng, công nghệ cao... Trong một tuần hoạt động với chương trình nghị sự dày đặc, người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản đã phác thảo những đường nét cơ bản của quan hệ giữa Tô-ki-ô và các nước đến thăm. Ngoài tăng cường ngoại giao, ông A-bê khẳng định, Tô-ki-ô quan tâm thúc đẩy quan hệ kinh tế và đầu tư với khu vực này trong thời gian tới. Theo ông, châu Phi đã trở thành "châu lục hy vọng của thế giới" nhờ có nguồn tài nguyên dồi dào và tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ.

Tháp Tô-ki-ô. Ảnh: Internet
Tháp Tô-ki-ô. Ảnh: Internet

Theo giới phân tích, Thủ tướng Nhật Bản đang muốn lấy lại hình ảnh Nhật Bản, cả ở trong và ngoài nước, từng suy giảm sau hai thập kỷ bị suy thoái kinh tế, bằng chính sách Abenomics cũng như các hoạt động đối ngoại có trọng tâm, trọng điểm. Trong một năm trở lại nắm quyền vừa qua, Thủ tướng A-bê đã thăm 25 nước, trong đó đáng chú ý là ngoài các đồng minh Mỹ, Anh, ông đã thăm toàn bộ mười quốc gia Đông Nam Á và một số nước khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, Mông Cổ...

Tại chặng dừng chân đầu tiên ở Ô-man trong chuyến công du, Thủ tướng A-bê kêu gọi vương quốc vùng Vịnh này ổn định nguồn cung dầu lửa và khí tự nhiên cho Nhật Bản, đồng thời thảo luận về việc tăng cường hợp tác song phương trong lĩnh vực an ninh hàng hải. Từ năm 2006, Nhật Bản đã tiến hành đàm phán về tự do hóa thương mại và dịch vụ với GCC. Ô-man là nước cuối cùng trong GCC mà Thủ tướng A-bê đến thăm kể từ khi lên nắm quyền năm 2012.

Tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Phi những năm gần đây làm tăng hy vọng rằng các thị trường rộng lớn cuối cùng của thế giới chưa được khai mở này đang cho thấy những tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Điều đó hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và chiến lược cho Nhật Bản. Là nhà nhập khẩu khí hoá lỏng tự nhiên (LNG) lớn nhất thế giới, Nhật Bản muốn tìm nguồn năng lượng mới sau thảm họa hạt nhân tại Phư-cư-si-ma năm 2011. Nền kinh tế đứng thứ ba thế giới này đang đối mặt tình trạng thiếu điện hạt nhân (lĩnh vực chiếm tới một phần tư nguồn năng lượng cần thiết để vận hành nền kinh tế) do 50 nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản phải đóng cửa để kiểm tra lại độ an toàn từ tháng 9 năm ngoái. Chính quyền A-bê coi châu Phi "là mặt trận ngoại giao" mới, qua đó bảo đảm nguồn cung năng lượng cũng như thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Nhật Bản. Lâu nay, Nhật Bản là nhà tài trợ cho châu Phi và đã tăng cường viện trợ cho khu vực này trong 5 năm trở lại đây. Tháng 6 năm ngoái, Nhật Bản tổ chức hội nghị với sự tham dự của gần 40 nhà lãnh đạo châu Phi, cam kết tiếp tục tài trợ thêm 14 tỷ USD cho khu vực này trong 5 năm tới, đồng thời cam kết đầu tư thêm hàng tỷ USD vào khu vực tư nhân, nhất là trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực.

Tại Cốt Đi-voa, ông A-bê cam kết cung cấp khoản viện trợ trị giá 83,4 triệu USD cho người tị nạn ở khu vực Xa-hen, vành đai dài hơn 5.400km từ Đại Tây Dương tới Biển Đỏ và cung cấp 7,7 triệu USD giúp Cốt Đi-voa duy trì an ninh trong nước. Tại Mô-dăm-bích, quốc gia nằm ở vùng bờ biển phía đông của châu Phi, với các mỏ năng lượng ngoài khơi được dự đoán đủ đáp ứng nhu cầu khí ga của toàn cầu trong hơn hai năm, Thủ tướng A-bê cam kết đầu tư hơn 670 triệu USD vào lĩnh vực nguồn năng lượng tự nhiên của nước này. Ông nhấn mạnh, Chính quyền A-bê là chính quyền coi trọng quan hệ giữa Nhật Bản với Mô-dăm-bích cao nhất. Mô-dăm-bích có kế hoạch xây dựng bốn nhà máy LNG với tổng năng suất 20 triệu m3/năm vào năm 2018. Các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Mô-dăm-bích khẳng định, việc thực hiện thành công dự án khai thác tài nguyên ở Mô-dăm-bích vừa góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế ở Mô-dăm-bích, vừa tạo nguồn cung năng lượng cho Nhật Bản. Tại Ê-ti-ô-pi-a, quốc gia giữ ghế Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Phi, Thủ tướng Nhật Bản vừa thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương nói riêng, vừa công bố phương châm cơ bản trong chính sách ngoại giao đối với châu Phi trong tương lai nói chung. Trong khuôn khổ chuyến thăm các nước châu Phi (AU), Thủ tướng Nhật Bản A-bê cam kết viện trợ 320 triệu USD hỗ trợ châu Phi đối phó xung đột và thiên tai. Ông cũng có cuộc gặp 11 nhà lãnh đạo Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) và cam kết Nhật Bản sẽ thúc đẩy các chương trình hợp tác với các nước ECOWAS về cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.

Giới chức Nhật Bản bác bỏ thông tin cho rằng, chuyến công du Trung Đông và châu Phi của Thủ tướng A-bê là nhằm gia tăng cạnh tranh trước sự ảnh hưởng ngày càng lan rộng của Trung Quốc ở khu vực này. Tô-ki-ô nhấn mạnh, khu vực Trung Đông trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản vừa là khu vực chiến lược, vừa là khu vực an ninh quan trọng; với châu Phi, Nhật Bản luôn coi trọng việc tăng cường quan hệ với khu vực. Sự trở lại Trung Đông và châu Phi của Thủ tướng A-bê một lần nữa cho thấy, Chính quyền A-bê muốn lấy lại uy thế của một Nhật Bản, cường quốc hàng đầu thế giới trong thế kỷ 21./.

Theo: nhandan.com.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com