Sau những cuộc chuyển giao thế hệ lãnh đạo đồng loạt diễn ra tại một số nước, khu vực Đông Bắc Á bước vào năm 2013 với những kỳ vọng không nhỏ về hòa bình, ổn định. Thế nhưng, những hy vọng mong manh ấy đã nhanh chóng bị vỡ vụn bởi “cơn bão siêu cấp” liên quan đến vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, quan hệ liên Triều và đặc biệt là những tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông… Có thể nói, năm 2013 là một năm đầy rẫy những bất ổn và cả những diễn biến bất ngờ đối với khu vực được coi là điểm nóng của thế giới.
Đầu năm 2013, các nước thành viên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) thông qua Nghị quyết 2087 lên án “vụ phóng vệ tinh” của Bình Nhưỡng diễn ra giữa tháng 12-2012. Triều Tiên sau đó lại tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ ba vào ngày 12-2-2013, khiến HĐBA LHQ ra thêm một nghị quyết nữa về việc tăng cường các biện pháp trừng phạt tài chính chống lại nước này.
Hai tàu tuần duyên Nhật Bản áp sát tàu của Trung Quốc trên biển Hoa Đông. Ảnh: Internet |
Căng thẳng trong quan hệ liên Triều được đẩy tới một nấc thang mới trong năm qua với việc Triều Tiên cắt đứt đường dây liên lạc quân sự với Hàn Quốc và hủy bỏ Hiệp định đình chiến vốn được ký vào cuối cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Kê-xâng, khu công nghiệp chung được coi là biểu tượng hòa bình còn sót lại giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, bị đóng cửa. Cùng với đó, Bình Nhưỡng mạnh mẽ tuyên bố sẽ tiến hành các đòn tấn công phủ đầu nhằm vào “các thế lực thù địch”. Trong khi đó, trên biển Hoa Đông những "cơn sóng dữ" cũng nổi lên trong năm qua. Thế cạnh tranh tại đây đã được phơi bày rõ hơn với những cuộc khẩu chiến quyết liệt giữa Trung Quốc và Nhật Bản xung quanh quần đảo tranh chấp Xen-ca-cư/Điếu Ngư, giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đối với quần đảo Ta-kê-si-ma/Đốc Đô. Đặc biệt, càng về cuối năm, quan hệ Trung - Nhật càng tiến gần hơn tới “điểm chết” khi Chính phủ Nhật Bản thông qua kế hoạch bắn hạ bất cứ máy bay không người lái nào dám lờ đi các cảnh báo phải rời khỏi không phận của Tô-ki-ô, trong khi Trung Quốc bất ngờ tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) gây tranh cãi trên biển Hoa Đông.
Căng thẳng leo thang cũng đã khiến một số nước tích cực tăng cường tiềm lực quân sự, tăng ngân sách quốc phòng. Giữa tháng 12-2013, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua chiến lược an ninh quốc gia mới, theo đó, Tô-ki-ô sẽ chi khoảng 24.700 tỷ yên (tương đương 240 tỷ USD) cho ngân sách quốc phòng giai đoạn 2014-2019. Ngoài việc mua sắm vũ khí mới, số tiền nói trên còn được dùng vào việc thành lập đơn vị đổ bộ có khả năng tác chiến, giám sát và phản ứng nhanh trước các biến cố bất ngờ. Nhiều khả năng ở Đông Bắc Á đang ngấm ngầm diễn ra một cuộc chạy đua vũ trang khốc liệt, mà mục đích chủ yếu vẫn là để củng cố “sức nặng” cho những tuyên bố chủ quyền.
Những tranh chấp về chủ quyền ở Đông Bắc Á giờ đây không đơn thuần chỉ bắt nguồn từ tầm quan trọng chiến lược của những hòn đảo và nguồn tài nguyên phong phú xung quanh. Đằng sau những tuyên bố về lãnh thổ là nước đi nhằm “khẳng định vị thế quốc gia”. Đó cũng là nguyên nhân khiến tình trạng căng thẳng ở khu vực tiếp tục "nóng" lên, có lúc gần như vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Chỉ có điều, ván cờ đôi công quyết liệt ở Đông Bắc Á chẳng thể tìm ra kẻ thắng, người thua.
Đông Bắc Á đã kết thúc năm 2013 trong hòa bình, dẫu là hòa bình mong manh, nhưng nó cũng cho thấy sự “kiềm chế” trong cách hành xử của các nước đang được coi là sự cứu cánh đối với hòa bình và ổn định của khu vực trong năm qua. Ai cũng hiểu rằng, bất cứ một hành động nóng nảy, một tính toán sai lầm nào cũng có thể dẫn đến các cuộc xung đột.
Cần phải thấy rằng, hầu hết những vấn đề tồn tại của khu vực Đông Bắc Á đều phần nào liên quan đến yếu tố lịch sử và cần phải được giải quyết bằng đối thoại và ngoại giao khôn khéo. Nhưng, trong bối cảnh lập trường của các nước ngày càng chồng chéo, khả năng giải quyết dứt điểm những tranh chấp thông qua thương lượng vẫn ở ngoài tầm với. Bởi vậy, Đông Bắc Á giờ đây vẫn phải trông chờ vào những bộ óc biết kiềm chế, nhất là khi mọi dự đoán đều cho rằng, năm 2014 tiếp tục là một năm đầy sóng gió với khu vực này./.
Theo: qdnd.vn