35 năm sau Ngày Chiến thắng chế độ diệt chủng Pôn-Pốt, trải qua các chế độ từ Cộng hòa Nhân dân Căm-pu-chia đến Nhà nước Căm-pu-chia và hiện là Vương quốc Căm-pu-chia, đất nước và nhân dân Căm-pu-chia đã khôi phục, xây dựng đất nước từ đống tro tàn tiến tới hòa giải, hòa hợp dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội, nỗ lực ổn định chính trị, gìn giữ hòa bình, đưa Căm-pu-chia hội nhập khu vực và quốc tế.
Lịch sử còn khắc sâu, sau ngày 17-4-1975, chế độ diệt chủng Pôn-Pốt hình thành trên cả nước Căm-pu-chia. Tập đoàn Pôn-Pốt đã tiến hành chính sách diệt chủng tàn khốc, giết hại hàng triệu người dân Căm-pu-chia, xóa bỏ đến tận gốc mọi cơ sở xã hội, đẩy dân tộc Căm-pu-chia vào thảm họa diệt chủng, làm hơn ba triệu người chết. Tập đoàn Pôn-Pốt còn tiến hành cuộc chiến tranh đẫm máu, xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ Việt Nam, gây nên những tội ác tày trời đối với nhân dân Việt Nam. Chiến thắng ngày 7-1-1979 đã lật đổ chế độ diệt chủng Pôn-Pốt, đem lại sự hồi sinh cho đất nước Chùa Tháp. Chiến thắng đó là thành quả của nhân dân, các lực lượng vũ trang Căm-pu-chia dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Đoàn kết Cứu nước Căm-pu-chia và sự giúp đỡ to lớn, chí nghĩa, chí tình của quân tình nguyện Việt Nam.
Thủ đô Phnôm Pênh. Ảnh: Internet |
Chiến thắng ngày 7-1-1979 đã tạo nền tảng cho công cuộc khôi phục, xây dựng và phát triển đất nước Căm-pu-chia trong 35 năm qua. Đảng Nhân dân Căm-pu-chia (CPP) cầm quyền, thông qua Chính phủ Hoàng gia Vương quốc Căm-pu-chia, đã lãnh đạo nhân dân Căm-pu-chia giành được những thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, cứu nhân dân và đất nước Căm-pu-chia thoát khỏi thảm họa diệt chủng; bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng. Trong những năm gần đây, đảng CPP và nhân dân Căm-pu-chia liên tục giành được những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực, tình hình an ninh, chính trị cơ bản ổn định, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện; quan hệ đối ngoại được mở rộng, vị thế và uy tín của Vương quốc Căm-pu-chia ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế: Nông nghiệp, dệt - may, du lịch và xây dựng vẫn là những trụ cột chính của nền kinh tế; Kinh tế vĩ mô, hệ thống tài chính ngân hàng ổn định, tiếp tục giữ được mức tăng trưởng cao; Lượng dự trữ ngoại tệ tăng mạnh; Cơ sở hạ tầng được cải thiện nhanh chóng. Căm-pu-chia là quốc gia có nhiều tiềm năng để duy trì sức cạnh tranh như tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực trẻ, nguồn nhân công dồi dào... Bất chấp cuộc suy thoái trầm trọng và kéo dài của nền kinh tế thế giới, các chính sách của Chính phủ do Thủ tướng Hun Xen đứng đầu đã và đang đưa Căm-pu-chia đạt mức tăng trưởng kinh tế khả quan và vững chắc. Năm 2012, Căm-pu-chia đạt mức tăng trưởng kinh tế 7,2% và dự kiến đạt 7,6% trong năm 2013, thu nhập bình quân đầu người tăng liên tục: năm 2008 đạt 760 USD, năm 2012 đạt 1.000 USD và năm 2013 đạt khoảng 1.360 USD. Ấn tượng nhất là tỷ lệ người nghèo giảm từ 22,9% vào năm 2009 xuống 20% trong năm 2012. Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Căm-pu-chia cũng đang trở thành một trong những điểm sáng ở khu vực. Nước này đã thu hút được 1,6 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2012, tăng 73% so năm 2011, chủ yếu tập trung các lĩnh vực sản xuất hàng may mặc, sản xuất nông nghiệp và du lịch. Thủ tướng Hun Xen tin tưởng, Căm-pu-chia sẽ giữ được mức tăng trưởng cao trong năm nay, giảm tỷ lệ nghèo xuống 19%, phấn đấu sớm đưa Căm-pu-chia trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình.
Căm-pu-chia thực hiện chính sách đối ngoại trung lập, không liên kết vĩnh viễn, không xâm lược hoặc can thiệp công việc nội bộ của nước khác. Chính phủ Hoàng gia Vương quốc Căm-pu-chia đã thúc đẩy nhiều hoạt động đối ngoại nhằm đưa đất nước hội nhập quốc tế và khu vực ngày càng mạnh mẽ, tạo thuận lợi cho công cuộc phát triển đất nước. Căm-pu-chia là thành viên thứ 10 của ASEAN (tháng 4-1999), thành viên chính thức thứ 148 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) (tháng 9-2003), gia nhập Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM, tháng 10-2004) và đang tích cực vận động để tham gia Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Căm-pu-chia cũng là thành viên tích cực trong hợp tác khu vực như: Ủy hội Mê Công (MRC); Khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Căm-pu-chia (CLV); Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS); Chiến lược hợp tác kinh tế ba dòng sông Ay-ây-oa-a-đi - Chao Phray-a - Mê Công (ACMECS); Hành lang kinh tế Đông Tây (WEC)...
Theo Nhân dân