Ngày 13-1, Thủ tướng tạm quyền Thái Lan Dinh-lắc Xin-vắt đã mời các thủ lĩnh biểu tình chống chính phủ và các chính đảng cùng thảo luận về đề xuất của Ủy ban Bầu cử (EC) nhằm lùi thời điểm tổ chức cuộc bầu cử trước thời hạn dự kiến vào ngày 2-2 tới. Thư ký của bà Dinh-lắc, ông Xu-ra-nan Vây-gia-gi-va cùng ngày xác nhận, Thủ tướng Dinh-lắc cho rằng, vẫn còn một số điểm chưa rõ ràng trong đề xuất của EC và cách tốt nhất là nhóm họp để thảo luận về đề xuất đó. Cho tới nay, các bộ trưởng trong chính phủ vẫn cho rằng, theo Hiến pháp Thái Lan, việc trì hoãn bầu cử sẽ không thể xảy ra. Tuy nhiên, EC trước đó tuyên bố rằng, cơ quan này có thể lùi thời điểm bầu cử và một thành viên gợi ý vào ngày 4-5 tới.
Cùng ngày, các giao lộ lớn của Băng Cốc bị đóng cửa, sinh hoạt và kinh doanh của nhiều người bị đảo lộn khi hàng chục nghìn người quyết làm tê liệt thành phố nhằm gây sức ép buộc Thủ tướng Thái Lan từ chức. Theo AFP, bắt đầu từ sáng 13-1, thủ lĩnh biểu tình chống chính phủ Xu-thép Thau-xu-ban đã dẫn đầu cuộc tuần hành quy mô lớn tại Thủ đô Băng Cốc nhằm làm tê liệt thành phố và ép Thủ tướng tạm quyền Dinh-lắc Xin-vắt từ chức. Người biểu tình đã phong tỏa 7 điểm cắt giao thông chính trong Thủ đô. Hàng nghìn người mang theo cờ và mặc áo in khẩu hiệu "chiếm đóng Băng Cốc" đã tụ tập tại các điểm giao thông chiến lược trong thành phố, trong đó có khu mua sắm chính từng là tâm điểm trong làn sóng biểu tình chống chính phủ đẫm máu năm 2010. Ước tính khoảng 50.000 người tham gia biểu tình. Những người tổ chức cho biết, mục đích của chiến dịch này chỉ là ngăn cản các quan chức và nhân viên chính phủ tới công sở, đồng thời cắt điện, nước tại các tòa nhà chính phủ.
Hàng nghìn người tập trung tại trung tâm Thủ đô Băng Cốc của Thái Lan vào ngày 13-1. Ảnh: Internet |
Truyền thông Thái Lan đưa tin, chiến dịch "chiếm đóng Băng Cốc" do phe đối lập phát động đã ảnh hưởng tới hơn 2 triệu người dân ở Thủ đô, 12 bệnh viện, 28 khách sạn, 24 trường học và 5 trụ sở cứu hỏa tại các khu vực biểu tình. Chiến dịch "chiếm đóng Băng Cốc" cũng ảnh hưởng tới 4,8 triệu lượt vận tải. Cty Hàng không Thái Lan đã phải cấp giấy thông hành đặc biệt cho khoảng 6.000 tắc xi sân bay nhằm chứng minh với người biểu tình rằng, đây là các phương tiện chuyên chở khách du lịch để họ không cản trở các tắc xi này khi đi qua các tuyến đường bị phong tỏa. Cảnh sát ước tính có 70.000 phương tiện lưu thông qua các địa điểm này trong ngày thường. Tuy nhiên, mọi người đều chọn cách để xe ở nhà và đi phương tiện công cộng, khiến giao thông trong trung tâm thành phố cũng giãn ra. Tàu điện ngầm và tàu điện trên cao của Băng Cốc vẫn hoạt động và nhiều người vẫn đi làm như bình thường.
Cùng ngày, Cơ quan điều tra đặc biệt (DSI) của Thái Lan đã triệu tập 55 lãnh đạo của Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân (PDRC) và nhiều nhóm khác để thông báo cho họ về những cáo buộc liên quan đến làn sóng biểu tình chống chính phủ hiện nay. Những người này bị buộc tội nổi loạn, kích động bất ổn và gây tình trạng rối loạn. Thủ lĩnh biểu tình Xu-thép Thau-xu-ban là Tổng thư ký PDRC lại không nằm trong danh sách 55 người này vì trước đó giới chức Thái Lan đã ban hành lệnh bắt đối với ông này. Trong khi đó, ủy ban trên cho biết, chiến dịch "chiếm đóng Băng Cốc" có thể kéo dài 4-5 ngày và ở một số điểm nóng có thể xảy ra xung đột./.
Theo: qdnd.vn