Cộng đồng người Việt tại Bỉ hướng về đất Mẹ Việt Nam

10:01, 10/01/2014

Thế là đã tròn 40 năm kỷ niệm ngày thành lập Hội Người Việt Nam tại Bỉ. 40 năm qua là 40 mùa xuân các thế hệ người Việt tại Bỉ đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau và cùng hướng về Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

Quê hương Việt Nam trong trái tim kiều bào

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, nguyên Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Bỉ Đỗ Tấn Sĩ cho biết: Sống xa Tổ quốc nhưng những người con chung dòng máu Lạc Hồng luôn hướng về đất Mẹ Việt Nam. Yêu đất nước có rất nhiều cách. Cách mà những người Việt ở Bỉ luôn giữ gìn bản sắc văn hóa Việt, truyền dạy cho các thế hệ thứ 3, 4 học tiếng Việt để truyền thống văn hóa Việt không mai một cũng là cách thể hiện tình cảm với đất nước. Sự gìn giữ giá trị văn hóa Việt có lẽ biểu hiện rõ nhất vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Tết đến, bất kỳ người Việt nào sống trên đất Bỉ cũng đều đến các cửa hàng Việt, Hoa ở Bruxelles, Liège chọn mua nhang đèn, trà, rượu, bánh mứt để cúng rước ông bà trong đêm giao thừa và thức ăn để chuẩn bị tiệc tùng trong ba ngày Tết. Hoa là thứ không thể thiếu trong 3 ngày Tết. Nhiều người cầu kỳ phải săn tìm bằng được một nhánh đào Nhật Tân, một cây mai Bình Định hoặc nếu không thì thay hoa mai bằng những cành hoa forsythia cắt sớm đem vào nhà sưởi ấm, ép nở giữa mùa đông cho vơi bớt nỗi nhớ quê nhà.

Họp mặt mừng xuân của cộng đồng người Việt tại Bỉ. Ảnh: Internet
Họp mặt mừng xuân của cộng đồng người Việt tại Bỉ. Ảnh: Internet

Không được nghỉ Tết ta, những người con đất Việt ở Bỉ đành phải chọn một ngày nghỉ cuối tuần gần Tết nhất, mời bạn bè thân thuộc đến nhà, cùng chúc nhau những điều lành cho năm mới trong một bữa tiệc có bánh chưng, bánh tét, giò chả, thịt kho, dưa giá, măng hầm… giống như trong một mâm cỗ ở quê nhà. Thế là niềm vui Tết Việt cũng được an ủi phần nào đối với những đứa con xa quê. Nhưng Tết như vậy thì vẫn là niềm vui chưa trọn vẹn. Tết còn là lễ hội, là trống múa lân, là ca hát vui chơi, là tụ tập đông người, nơi ta có thể gặp lại nhiều bè bạn mà cuộc sống bộn bề quanh năm chia cách... Đáp ứng sự thiếu hụt này, một đội văn nghệ mang tên Trường Sơn ra đời.

Gắn kết sợi dây nguồn cội

Ông Đỗ Tấn Sĩ cho biết, đội văn nghệ được thành lập từ lâu rồi. Đầu tiên là do những người thuộc thế hệ ông sáng lập, nhưng nay công việc này đã được giao cho những bạn trẻ vừa bước qua tuổi 20. Cách Tết Nguyên đán chừng hơn 3-4 tháng, các thành viên của đội văn nghệ tập trung lại bàn nhau tập tiết mục gì đó để mừng Đảng, mừng Xuân nhằm vơi phần nào nỗi nhớ nhà trong mỗi người Việt tại Bỉ.

Các bạn trẻ bây giờ rất nhanh nhạy, ông Sĩ chia sẻ. Rất nhiều điệu múa dân gian đã được các bạn công diễn một cách thuần thục, cuốn hút được người xem. Thậm chí, đến xem các buổi diễn văn nghệ của đội văn nghệ Trường Sơn còn có người Bỉ, Pháp và một số nước Đông Âu khác. Không chỉ hát, múa phục vụ miễn phí cho bà con vào mỗi dịp Tết, các thành viên trong đội văn nghệ đã có sáng kiến nhân rộng mô hình biểu diễn văn nghệ có bán vé hoặc tổ chức quyên góp để chuyển khoản tiền này về nước hỗ trợ những cảnh ngộ khó khăn. Số tiền quyên góp được không nhiều, mỗi lần chỉ được vài nghìn euro nhưng đó là tiếng lòng của những người con xa gửi về Tổ quốc.

Số tiền này đã được quy đổi thành sách vở, quần áo, bút viết, thước kẻ, chăn chiếu cho những đứa trẻ vùng cao Việt Nam. Thậm chí, một dự án hỗ trợ Trường Tiểu học Suối Giàng ở Yên Bái với phương châm "của ít lòng nhiều” bằng cách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi để cải thiện bữa ăn cho trẻ vùng cao cũng là một ý tưởng thiết thực giúp tiếp sức cho trẻ vùng cao đến trường.

Không chỉ tiếp bước cho trẻ nhỏ vùng cao đến trường mà bất kỳ lúc nào Đất Mẹ gặp khó, các đứa con xa trên đất Bỉ cũng có hành động thiết thực. Ông Chu Sơn Hợp, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Bỉ cho biết: Kiều bào tại Bỉ luôn hướng về Tổ quốc trên tinh thần "tương thân tương ái”, sẵn sàng nhường cơm, xẻ áo khi đồng bào trong nước gặp hoạn nạn, khó khăn. Ông khẳng định bà con Việt kiều đang sinh sống, làm việc và học tập tại Bỉ luôn luôn tâm niệm phải gìn giữ truyền thống của người Việt Nam là "lá lành đùm lá rách”, "máu chảy ruột mềm”.  Cứ mỗi khi trong nước gặp thiên tai, hoạn nạn là bà con lại đau đáu hướng về người thân, sẵn sàng đóng góp một phần nhỏ bé của mình để giúp đỡ đồng bào vượt qua khó khăn, với hy vọng có thể hàn gắn được phần nào những mất mát của bà con./.

Theo: Đại Đoàn Kết
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com