Ngày 18-1, thủ lĩnh phong trào biểu tình Xu-thép Thau-xu-ban tiếp tục dẫn đầu các đoàn người biểu tình đi qua các tuyến phố chính ở Băng Cốc, bất chấp việc mới xảy ra vụ nổ lựu đạn làm 1 người thiệt mạng và 37 người khác bị thương.
Giới chức Thái Lan cho biết, vụ nổ lựu đạn xảy ra ngày 17-1 khi thủ lĩnh biểu tình Xu-thép dẫn đầu đám đông người ủng hộ tuần hành trên một giao lộ nhộn nhịp ở Thủ đô Băng Cốc và chỉ cách vị trí của ông Xu-thép khoảng 50m. Đây là vụ tấn công trực diện đầu tiên nhằm vào thủ lĩnh biểu tình. Nạn nhân thiệt mạng trong vụ nổ trên được xác định là Phra-công Chu-chan, 46 tuổi, cư dân quận Nô-pi-tam thuộc tỉnh Na-khon Si Tham-ma-rát. Phra-công Chu-chan đã qua đời lúc 2 giờ 35 phút ngày 18-1 tại Bệnh viện Ra-ma-thi-bô-di do bị mất nhiều máu và các cơ quan nội tạng bị tổn thương nghiêm trọng. Đây là nạn nhân thứ 9 thiệt mạng trong thời gian diễn ra làn sóng biểu tình chống chính phủ tạm quyền của Thủ tướng Dinh-lắc Xin-vắt tại Thủ đô Băng Cốc kể từ tháng 11-2013. Theo mạng bangkokpost.com, gia đình nạn nhân Phra-công Chu-chan ngày 18-1 đã nhận được hỗ trợ tài chính trị giá một triệu bạt từ Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân (PDRC). Ngoài ra, PDRC cũng sẽ trả toàn bộ viện phí cho 37 người bị thương.
Người biểu tình kéo đến trụ sở Cảnh sát Quốc gia Thái Lan yêu cầu tìm ra thủ phạm sát hại ông Phra-công ngày 18-1. Ảnh: Internet |
Tổng thư ký PDRC Xu-thép đã cáo buộc chính phủ lâm thời đứng sau vụ tấn công trên, đồng thời tuyên bố cuộc tấn công không hề khiến ông và những người ủng hộ ông khiếp sợ, chùn bước vì đã “đầu tư quá nhiều vào cuộc chiến này”. Ông Xu-thép khẳng định, sẽ phát động các cuộc biểu tình ở nhiều thành phố khác vào những ngày tiếp theo nhưng không tiết lộ thêm chi tiết. Ngay sau sự cố, Thủ tướng lâm thời Dinh-lắc cũng lên tiếng phủ nhận lời cáo buộc của PDRC cho rằng chính phủ đứng sau cuộc tấn công. “Tôi không ủng hộ bất kỳ hành động bạo lực nào và sẽ có hành động trừng phạt đối với những người thực hiện điều đó”, bà Dinh-lắc nói.
Cái chết của Phra-công Chu-chan đã làm gia tăng căng thẳng chính trị ở đất nước Chùa Vàng và đặt ra nghi vấn có sự liên quan của cảnh sát trong vụ nổ lựu đạn này hay không. Ngày 18-1, khoảng 2.000 người biểu tình chống chính phủ đã kéo tới trụ sở Cảnh sát Quốc gia và trình một lá thư với nội dung yêu cầu nhà chức trách phải tìm ra thủ phạm sát hại ông Phra-công. Trong khi đó, cảnh sát Thái Lan đang đặt ra nhiều nghi vấn về việc PDRC đột ngột thay đổi các tuyến đường biểu tình trước khi vụ nổ xảy ra. Cảnh sát nước này cho biết, việc thay đổi hành trình là điều bất bình thường đối với người biểu tình.
Giới phân tích nhận định, những mâu thuẫn và tình trạng “đối địch” giữa các bên tại Thái Lan có thể sẽ khiến quốc gia Đông Nam Á này lún sâu hơn vào khủng hoảng. Người biểu tình luôn đặt mục tiêu hủy bỏ cuộc bầu cử sắp tới nhằm mở đường cho việc thành lập một Hội đồng nhân dân, trong đó bao gồm những thành viên do phong trào biểu tình lựa chọn, để điều hành một chính phủ chuyển tiếp ở Thái Lan. Song Chính phủ tạm quyền Thái Lan đã bác bỏ yêu cầu này và khẳng định, bầu cử là giải pháp duy nhất giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.
Bức xúc trước những cuộc biểu tình chống chính phủ rầm rộ, phong trào ủng hộ bầu cử tại Thái Lan đã và đang tiến hành những chiến dịch trên mạng xã hội facebook và chiến dịch thắp nến với lời kêu gọi “Hãy tôn trọng lá phiếu của tôi” tại Thủ đô Băng Cốc.
Theo AFP, các cư dân mạng đã đăng tải trên facebook những hình ảnh của chính họ mang theo những biểu ngữ với dòng chữ “Chúng tôi bỏ phiếu. Chúng tôi muốn bỏ phiếu! Ngày 2-2-2014, hãy đi bỏ phiếu”… Nguồn tin trên cho biết, đa số những người ủng hộ bầu cử là người dân ở Thủ đô Băng Cốc, nhưng nay phong trào ủng hộ bầu cử đã lan rộng ra nhiều nơi ở Thái Lan./.
Theo: qdnd.vn