Ai Cập hoàn tất chuẩn bị cho cuộc trưng cầu ý dân về hiến pháp

09:01, 14/01/2014

Chính quyền Ai Cập đã hoàn tất mọi công tác chuẩn bị cho cuộc trưng cầu ý dân về hiến pháp mới, diễn ra vào ngày 14 đến 15-1 tới. Đây là chặng đầu tiên có ý nghĩa quyết định đối với lộ trình chuyển tiếp chính trị tại quốc gia Bắc Phi này sau cuộc chính biến ngày 3-7 lật đổ chính quyền của Tổng thống Mô-ha-mét Mơ-xi.

Theo phóng viên tại Ai Cập, một chiến dịch tổng vệ sinh đã được triển khai trên khắp cả nước từ nhiều tuần nay. Chiến dịch vận động bỏ phiếu được triển khai rộng rãi với hàng trăm cuộc hội thảo, diễn đàn tìm hiểu về hiến pháp mới. Các pa nô và áp phích khổ lớn vận động người dân bỏ phiếu "có" cho văn kiện này được treo dày đặc trên các tuyến giao thông huyết mạch và các quảng trường chính. Hệ thống báo chí, truyền thông của nhà nước và tư nhân đồng loạt mở các chuyên mục vận động bỏ phiếu ủng hộ hiến pháp mới, chống chủ nghĩa khủng bố.

Giới chức trách đã triển khai một chiến dịch an ninh lớn chưa từng có nhằm bảo vệ các địa điểm bỏ phiếu và cử tri trước nguy cơ các phần tử Hồi giáo cực đoan tấn công cũng như các hoạt động biểu tình phá rối của phe Hồi giáo ủng hộ ông Mơ-xi. Theo các nguồn tin quân sự, ngoài một lượng lớn xe tăng, xe bọc thép và trực thăng, khoảng 160.000 binh sĩ trong đó có cả lính dù và đặc công, chiếm 1/3 lực lượng vũ trang Ai Cập, sẽ được huy động trong các ngày bỏ phiếu. Ngoài ra còn có lực lượng cảnh sát với 220.000 người và 500 đơn vị chiến đấu.

Xung đột giữa những người biểu tình ủng hộ và phản đối cựu Tổng thống Mơ-xi tại Thủ đô Cai-rô, Ai Cập ngày 10-1.  Ảnh: Internet
Xung đột giữa những người biểu tình ủng hộ và phản đối cựu Tổng thống Mơ-xi tại Thủ đô Cai-rô, Ai Cập ngày 10-1. Ảnh: Internet

Nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công của các tay súng Hồi giáo, lực lượng an ninh đã được triển khai tại các sân bay để trong thời gian ngắn nhất có thể di chuyển đến các địa điểm xảy ra sự cố. Cảnh sát và quân đội còn có kế hoạch phong tỏa và cô lập các tỉnh, thành nếu tại đó xảy ra các vụ bạo loạn nghiêm trọng. Máy bay quân sự cũng được sử dụng để theo dõi các tuyến đường sa mạc ít người qua lại dẫn đến các thành phố lớn nhằm ngăn chặn sự đột nhập của các nhóm phiến quân. Dự kiến, các tay súng bắn tỉa sẽ được bí mật triển khai tại các địa điểm gần nơi bỏ phiếu.

Với mục đích tăng tỷ lệ đi bầu, Tổng thống lâm thời Át-li Man-sua đã ký sắc lệnh sửa đổi Luật quyền chính trị cho phép các cử tri bỏ phiếu ngoài địa điểm đăng ký cư trú. Dự kiến, khoảng 65-72 hòm phiếu đặc biệt sẽ được dành riêng cho các cử tri tạm trú tại Thủ đô Cai-rô và các tỉnh, thành khác. Nhằm tránh gian lận, chính quyền sẽ mạnh tay đối với những đối tượng vi phạm mà mức án cao nhất lên đến 10 năm tù giam và không được kháng cáo.

Theo Ủy ban Bầu cử trung ương Ai Cập, gần 53,5 triệu người trong tổng số 85 triệu dân nước này đủ tư cách đi bầu, tăng hơn 1,5 triệu cử tri so với cuộc trưng cầu ý dân về hiến pháp tổ chức hồi tháng 12-2012. Hơn 30.000 điểm bỏ phiếu trong cả nước sẽ mở cửa từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối trong hai ngày 14 đến 15-1 và có khả năng kéo dài tùy thuộc vào quyết định của các thẩm phán. Khoảng 14.000 thẩm phán, gần 7.000 quan sát viên của 59 tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước cùng 7 tổ chức quốc tế như Liên đoàn A-rập và Liên minh châu Âu sẽ tham gia giám sát quá trình bỏ phiếu.

Theo các nhà phân tích, hiến pháp mới nhiều khả năng sẽ được thông qua. Kết quả hai cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy gần 80% số người được hỏi đã sẵn sàng tham gia bỏ phiếu và trên 70% cử tri sẽ ủng hộ bản hiến pháp mới vốn được đánh giá ưu việt hơn hẳn so với bản hiến pháp trước đây do phe Hồi giáo chủ trì soạn thảo. Mặt khác, sau gần 3 năm chìm đắm trong tình trạng bất ổn, bạo lực chính trị, tôn giáo và sắc tộc, cử tri Ai Cập đang đặt kỳ vọng lớn vào sự ổn định.

Cùng ngày 12-1, phát biểu trên truyền hình, Tổng thống lâm thời A.Man-xua  nhấn mạnh việc hiến pháp mới được thông qua sẽ "mở đường cho các bước đi nghiêm túc hướng tới dân chủ". Đây là văn kiện tôn trọng tất cả các tôn giáo và đảm bảo các quyền tự do của mọi tầng lớp nhân dân. Ông A.Man-xua hối thúc mọi người đi bỏ phiếu "giống như đã từng xuống đường trong các ngày 25-1-2011, 30-6-2012, 3-7 và 26-7-2013 nhằm thực hiện các mục tiêu cách mạng".

Đại giáo chủ Sếch A-mét An Tay-ép đứng đầu nhà thờ An A-dơ-ha có quyền năng cao nhất trong dòng Hồi giáo Xăn-ni ở Ai Cập cũng tỏ ý hài lòng về nội dung hiến pháp mới và cho rằng văn kiện này đáp ứng kỳ vọng tự do, công lý và bình đẳng của người dân Ai Cập. Ông An-Ta-ép nhấn mạnh chủ nghĩa khủng bố là "thảm họa lớn làm hoen ố hình ảnh của đạo Hồi".

Trong khi đó, Tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) cho biết Liên minh Quốc gia ủng hộ tính hợp pháp (NASL) - lực lượng do MB dẫn đầu quy tụ hơn 30 chính đảng và phong trào Hồi giáo đang đấu tranh đòi phục chức cho ông Mơ-xi - đã chuẩn bị các hành động "gây bất ngờ" tại các địa điểm bỏ phiếu và phá hoại cuộc trưng cầu.

Theo nhật báo "Almasry Alyoum", lực lượng sinh viên ủng hộ MB tại Đại học Cairo và Đại học Al-Azhar sẽ tổ chức biểu tình tại quảng trường Ta-hơ-ria vào tối 13-1 với những hình ảnh và áp phích ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mô-ha-mét Mơ-xi. Tiếp đó, vào chiều 14-1, đám đông ủng hộ MB sẽ bất ngờ tuần hành từ ba hướng ở Cai-rô trước khi tập trung biểu tình ngồi tại quảng trường Ta-hơ-ria cũng như bao vây các địa điểm bầu cử./.

Theo TTXVN



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com