Vì sao Hiệp định an ninh với Áp-ga-ni-xtan quan trọng với Mỹ?

08:12, 06/12/2013

Việc Tổng thống Áp-ga-ni-xtan Ha-mít Ca-dai tuyên bố ông chỉ có thể ký văn bản Hiệp ước an ninh song phương (BSA) với Mỹ sau các cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào tháng 4-2014 khiến cho Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vô cùng bực tức. Vậy nhưng, Ca-bun chẳng tỏ ra lo sợ trước lời cảnh báo của Oa-sinh-tơn sẽ rút toàn bộ quân của Mỹ khỏi quốc gia Tây Nam Á này nếu BSA không được ký trong năm nay...

Các điều khoản trong BSA đã được giải quyết sau một năm tranh cãi. Tuy nhiên, Tổng thống H.Ca-dai sau đó lại đưa ra một số điều kiện, bao gồm việc thả tất cả tù nhân Áp-ga-ni-xtan ra khỏi nhà tù Guan-ta-na-mô của Mỹ và chấm dứt các hoạt động quân sự nhằm vào dân thường Áp-ga-ni-xtan. Nhà lãnh đạo này còn “nói bóng gió” rằng, BSA chỉ có thể được ký sau các cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào tháng 4-2014.

Trong cuộc họp tại Brúc-xen (Bỉ) ngày 3-12, ngoại trưởng các nước thành viên NATO đã hối thúc Tổng thống H.Ca-dai nhanh chóng ký BSA với Mỹ, tạo thuận lợi cho Mỹ và các đồng minh NATO soạn thảo một số kế hoạch, bao gồm việc phân bổ các khoản viện trợ lớn cho chính phủ và các lực lượng an ninh Áp-ga-ni-xtan. Các quan chức NATO cảnh báo, việc từ chối ký hiệp ước mới này sẽ ảnh hưởng tới khoản viện trợ 8 tỷ USD/năm mà Mỹ và NATO dành cho quốc gia Tây Nam Á này, trong đó có 3,5 tỷ USD viện trợ quân sự.

Quân đội Mỹ huấn luyện cho binh sĩ Áp-ga-ni-xtan. Ảnh: Internet
Quân đội Mỹ huấn luyện cho binh sĩ Áp-ga-ni-xtan. Ảnh: Internet

Với hành động phản ánh rõ quyết tâm ký bằng được BSA với Áp-ga-ni-xtan trong năm 2013, Mỹ và các nước thành viên khác của NATO tuyên bố nếu ông H.Ca-dai không nhanh chóng ký BSA vào cuối năm nay, thì đến cuối năm 2014, Oa-sinh-tơn và NATO buộc phải rút toàn bộ 84.000 binh lính đang đóng quân ở Áp-ga-ni-xtan và hủy kế hoạch để lại đây từ 8.000-12.000 quân giúp huấn luyện và làm công tác cố vấn cho quân đội Áp-ga-ni-xtan sau thời gian này. Thậm chí, Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ri còn gợi ý Bộ trưởng Quốc phòng Áp-ga-ni-xtan có thể ký văn kiện này thay Tổng thống H.Ca-dai. Ngoại trưởng Ke-ri cho rằng, Bộ trưởng Quốc phòng Áp-ga-ni-xtan Bi-xmu-la Khan Mô-ham-ma-đi, chính phủ hoặc một người nào đó có trách nhiệm đều có thể ký BSA, chứ không nhất thiết phải là Tổng thống H.Ca-dai.

Vì sao Mỹ lại cần ký BSA với Ca-bun đến như vậy? Theo Tạp chí Trung Đông số tháng 10-2013, kể từ tháng 10-2001, khi Mỹ bắt đầu cuộc chiến ở Áp-ga-ni-xtan, Lầu Năm góc đã chi khoảng 468,5 tỷ USD, bao gồm cho cả chương trình tái thiết Áp-ga-ni-xtan, chi cho Bộ Ngoại giao và các hoạt động tình báo. Theo đánh giá của cựu Đại sứ Mỹ tại Áp-ga-ni-xtan Rô-nan E.Nơ-man, số tiền Mỹ chi cho lực lượng quân đội sẽ phụ thuộc vào số lượng binh sĩ còn lại trên lãnh thổ Áp-ga-ni-xtan, nhưng ít nhất cũng phải phụ trội thêm 5 tỷ USD/năm, ngoài ngân sách của Đại sứ quán Mỹ tại nước này. Theo số liệu chi tiêu mới nhất của Bộ Quốc phòng thông qua hồi tháng 2-2013, Lầu Năm góc đã chi 97,5 tỷ USD trong năm tài chính 2012 cho các hoạt động ở Áp-ga-ni-xtan. Trong 5 tháng đầu năm 2013, Mỹ chi đến 29 tỷ USD. Thế nhưng, an ninh của Áp-ga-ni-xtan vẫn vô cùng lỏng lẻo. Trong khi đó, người nộp thuế Mỹ vẫn phải trả hàng triệu USD/giờ cho các hoạt động quân sự của Mỹ ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan trong suốt hơn một thập kỷ qua. Điều này hoàn toàn không thể chấp nhận trong tư duy của người Mỹ. Trong bối cảnh uy tín ở trong nước của Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đang xuống thấp, việc để BSA trong tình trạng hoài nghi là điều không thể chấp nhận được.

Bên cạnh đó, việc ký BSA đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ tạo khuôn khổ pháp lý để binh lính liên quân, chủ yếu là lính Mỹ, tiếp tục ở lại Áp-ga-ni-xtan sau năm 2014. Điều này đồng nghĩa với việc Lầu Năm góc sẽ không phải rút toàn bộ binh sĩ cùng hệ thống vũ khí, hậu cần về nước, bởi thực tế cho thấy, rút quân khỏi Áp-ga-ni-xtan sẽ là nỗ lực tốn kém và phức tạp nhất trong lịch sử quốc phòng Mỹ do Lầu Năm góc sẽ không biết đem thiết bị quân sự đi đâu.

Có lẽ, do nắm được tâm lý lo lắng của Oa-sinh-tơn nên Tổng thống H.Ca-dai tỏ ra chẳng vội vàng thò bút ký BSA. Sự chần chừ này hoàn toàn xuất phát từ chủ ý của ông H.Ca-dai muốn biết rõ “phần thưởng” mà ông sẽ nhận được khi BSA được ký. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, ông H.Ca-dai chớ có “già néo” để rồi “xôi hỏng bỏng không”./.

Theo: qdnd.vn
 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com