Đã thành thông lệ, trung tuần tháng 12 hằng năm, Tổng thống Vladimir Putin trình bày Thông điệp liên bang, đánh giá các thành tựu đối nội và đối ngoại của nước Nga trong một năm qua. Thông điệp liên bang năm nay của ông chủ Điện Kremlin thể hiện sự tự tin vào vai trò lãnh đạo toàn cầu của Moscow.
Đây là thông điệp thứ 20 trong lịch sử nước Nga hiện đại và lần thứ 10 của Tổng thống Putin. Về đối nội, ông nhấn mạnh tới thành công củng cố vị thế đất nước, xây dựng nước Nga giàu mạnh, thay đổi căn bản hiện trạng kinh tế - xã hội và tạo được tiền đề vững chắc cho sự nghiệp chấn hưng đất nước. Về đối ngoại, Tổng thống Putin nhấn mạnh Nga không chấp nhận sự áp đặt từ bên ngoài và không có ý định áp đặt điều kiện với các đối tác; cho rằng thế giới hiện đại đang đòi hỏi trách nhiệm của Nga không chỉ như một trong những nhân tố bảo đảm sự ổn định toàn cầu, mà còn như một quốc gia kiên quyết bảo vệ các nguyên tắc trong quan hệ quốc tế.
Tổng thống Nga Putin đọc Thông điệp Liên bang trước Quốc hội. Ảnh: Internet |
Ông Putin nhấn mạnh với vai trò Chủ tịch Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-8) năm 2014 và là nước đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) năm 2015, Nga sẵn sàng làm việc cùng các đối tác vì lợi ích an ninh chung, giải quyết các vấn đề quốc tế cấp bách như chống phổ biến vũ khí hủy diệt, chống khủng bố và buôn bán ma túy,...
Giới chuyên gia nhận định qua bài phát biểu thường niên với những nét cơ bản ở trên, Tổng thống Putin đã thể hiện một sự tự tin đầy sức thuyết phục, khẳng định các nguyên tắc cơ bản trong quan hệ song phương và đa phương - đó là tôn trọng luật pháp quốc tế, không can thiệp công việc nội bộ và không dùng cường quyền. Theo ông Fedor Lukyanov, Tổng Biên tập Tạp chí “Russia in Global Affairs”, Tổng thống Putin muốn nước Nga trở thành một cường quốc có thể thiết lập trật tự thế giới thông qua sự đồng thuận và nói “không” với việc áp đặt mô hình phát triển của một nước này cho nước khác. Điều này được chứng minh qua thực tế các diễn biến quốc tế năm qua. Lập trường kiên định trong các vấn đề Syria và Iran, cách xử lý vấn đề Edward Snowden của Nga đã chứng tỏ hiệu quả của các giải pháp ngoại giao hòa bình, và trong nhiều trường hợp còn đối thoại quan trọng hơn giải pháp quân sự hay trừng phạt kinh tế.
Chia sẻ quan điểm này ở một góc nhìn khác, ông Andrei Kortunov, Chủ tịch Hội đồng Đối ngoại Nga, cho rằng vai trò lãnh đạo toàn cầu đòi hỏi sự tổng hòa giữa các chính sách đối ngoại linh hoạt, nền tảng kinh tế vững chắc và tiềm lực quốc phòng vững mạnh. Nước Nga hiện nay đang hướng tới củng cố ba yếu tố căn bản này. Trong thông điệp liên bang, Tổng thống Putin tuyên bố ngân sách quốc phòng trong một thập kỷ tới sẽ vào khoảng 23.000 tỷ ruble (tương đương 705 tỷ USD), cho phép Moscow sẵn sàng ứng phó với mọi nguy cơ và thách thức an ninh. Theo ông Kortunov, Nga sẵn sàng làm việc với các đối tác để bảo đảm một nền an ninh cân bằng và thống nhất, điều mà ông Putin gọi là “thành công chia đều cho các bên”.
Về đối nội, các chuyên gia cũng cho rằng Tổng thống Putin đã “hết sức thẳng thắn và mạnh mẽ” khi đề cập tới các vấn đề kinh tế và sắc tộc. Ông Putin đã quy trách nhiệm cho chính quyền liên bang trong điều hành không hiệu quả các cuộc cải tổ theo hàng loạt sắc lệnh của Tổng thống hồi tháng 5 năm ngoái. Mặt khác, Tổng thống Putin yêu cầu các chính quyền địa phương chia sẻ trách nhiệm này.
Không phải vô cớ trong các thông điệp liên bang của mình, Tổng thống Putin nhấn mạnh Nga là quốc gia đa dân tộc, song có chung nền văn hóa và ngôn ngữ, khẳng định được bản sắc trên thế giới. Chính quyền coi trọng việc củng cố khối đại đoàn kết, chống mọi biểu hiện dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi, ly khai và phân biệt sắc tộc, đe dọa chia rẽ đất nước. Nga không có con đường nào khác ngoài phát triển xã hội dân chủ trên cơ sở nhu cầu của xã hội Nga và được điều chỉnh bởi luật pháp Nga, không phải các điều kiện áp đặt từ bên ngoài. Nga phát triển dân chủ có kiểm soát, ủng hộ sáng kiến của người dân, tăng tiếng nói đại diện của các địa phương trong các cơ quan lập pháp, tạo điều kiện cạnh tranh chính trị lành mạnh, nhưng phải đặt lợi ích quốc gia và khối đại đoàn kết lên hàng đầu, chống mọi biểu hiện lợi dụng cạnh tranh để phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, đe dọa sự tồn vong của nước Nga.
Các nhà quan sát nhận định năm qua, chính sách chủ trương đối thoại tìm giải pháp cho các vấn đề nóng của Nga đã phát huy hiệu quả, khẳng định tính đúng đắn của một sách lược đối ngoại mềm dẻo. Điều này đã góp phần làm nên một nước Nga với tư cách là một cường quốc có trách nhiệm./.
Theo: daibieunhandan.vn