Thế giới tuần qua: "Vùng xác nhận phòng không" gây căng thẳng ở Đông Bắc Á

07:12, 07/12/2013

Cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela - biểu tượng của cuộc chiến chống chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid (A-pác-thai) qua đời ở tuổi 95; "kẻ lộ mật" tiết lộ hàng trăm triệu điện thoại di động bị nghe lén và Mỹ sẽ cải tổ NSA hay việc Nhật Bản thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia cùng những thông tin xung quanh tranh cãi về việc Trung Quốc thành lập Vùng xác nhận phòng không (ADIZ)…là những thông tin được bạn đọc quan tâm trong tuần qua... 

Chủ tịch Cuba Fidel Castro và Nelson Mandela trong lễ kỷ niệm Ngày Cách mạng ở Matanzas, Cuba hôm 27-7-991. Ảnh: AP

1- Cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela - biểu tượng của cuộc chiến chống chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid (A-pác-thai) và là một trong những chính khách xuất chúng của thế kỷ XX, đã qua đời vào lúc 20 giờ 50 phút, ngày 5-12 (giờ địa phương, rạng sáng 6-12 theo giờ Việt Nam), ở tuổi 95. Tổng thống Nam Phi, Z.Zuma ngày 6-12 cho biết, Nam Phi sẽ tổ chức quốc tang cựu Tổng thống Nelson Mandela.

Mandela và vợ Winnie hôm 19-2-1990 khi ông được thả khỏi nhà tù Victor ở Cape Town, Nam Phi. Ảnh: AP

Dư luận quốc tế bày tỏ thương tiếc về sự kiện cựu Tổng thống Nelson Mandela qua đời. Lãnh đạo nhiều quốc gia và các tổ chức lớn trên thế giới ca ngợi Nelson Mandela là người đã hy sinh cả tự do của mình để giành lại tự do cho người khác. Cựu Tổng thống Nelson Mandela sinh ngày 18-7-1918. Năm 1948 ông nổi lên như một nhà hoạt động chính trị kiệt xuất của ANC. Năm 1964, bị chính quyền Apartheid kết án tù chung thân vì âm ưu lật đổ chính quyền. Sau 27 năm bị giam cầm tại nhiều nhà tù, cuối cùng, chính quyền Apartheid đã phải trả tự do cho ông vào năm 1990. Ông được bầu làm Chủ tịch ANC vào năm 1991 và trở thành Tổng thống da đen đầu tiên của nước CH Nam Phi dân chủ vào ngày 10-5-1994. Ông đã được trao hơn 250 giải thưởng cao quý, trong đó có Giải thưởng Nobel hoà bình, Huân chương Lê-nin của Liên Xô, Huy chương Tự do của Mỹ v.v.... Đã có hàng nghìn cuốn sách và gần một chục bộ phim nói về ông.

2- Tình hình tại Thái Lan chỉ lắng dịu được vài ngày nhân dịp sinh nhật của Nhà Vua. Những dấu hiệu căng thẳng đã xuất hiện bằng những tuyên bố cứng rắn của cả Chính phủ và phe biểu tình. Ngày 6-12, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Surapong Tovichakchaikul cho biết Thủ tướng Yingluck Shinawatra (Dinh-lúc Xin-vắt) đã khẳng định lại một lần nữa rằng bà sẽ không từ chức và sẽ không có chuyện giải tán quốc hội.

Người dân Thái Lan bày tỏ lòng kính yêu với Nhà Vua Thái Lan. Ảnh: AFP

Về phần mình, Chính phủ Thái Lan giữ thái độ ôn hòa với dân chúng khi bày tỏ quan điểm kiềm chế tối đa trong xử lý các cuộc biểu tình. Tuy nhiên để bảo đảm an ninh, chính phủ đã quyết định đặt thủ đô Bangkok trong tình trạng an ninh cao nhất, với hơn 21.000 cảnh sát được triển khai cùng gần 3.000 binh sĩ từ ba quân chủng.

Theo thông báo, có khoảng 70.000 người tham gia các cuộc biểu tình do phe đối lập phát động. Hiện đã có ít nhất 4 người thiệt mạng và khoảng 100 người bị thương trong các đụng độ bạo lực. Động thái cứng rắn nhất mà Chính phủ áp dụng là trong ngày 2-12, Tòa án Hình sự đã ra lệnh bắt giữ ông Suthep Thuagsuban.

3- Ngày 4-12, Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) Nhật Bản vừa thành lập đã tiến hành phiên họp đầu tiên nhằm đẩy nhanh việc hoạch định các quyết sách liên quan đến an ninh, quốc phòng. Trong chiến lược an ninh đầu tiên được Nhật Bản soạn thảo, Tokyo tuyên bố sẽ dành ưu tiên trong việc đảm bảo an ninh hàng hải khu vực. Ngoài ra, Nhật Bản khẳng định việc thiết lập đường dây nóng với Mỹ và Anh là nhằm thúc đẩy hợp tác với các đồng minh.

 Cuộc họp của NSC. Ảnh: Japandailypress.com
 Cuộc họp của NSC. Ảnh: Japandailypress.com

Văn phòng NSC sẽ bao gồm khoảng 60 quan chức được phái cử chủ yếu từ Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng. Về khuôn khổ hoạt động của NSC, Thủ tướng, Chánh Văn phòng Nội các, các bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng sẽ nhóm họp định kỳ 2 lần trong tháng để quyết định về đề cương cơ bản cho chính sách an ninh. Việc thành lập NSC trao cho Văn phòng Thủ tướng thêm quyền điều hành, giúp đẩy nhanh việc hoạch định các quyết sách liên quan đến ngoại giao, an ninh quốc phòng trong bối cảnh tình hình khu vực đang có nhiều diễn biến phức tạp.

4- Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa có chuyến thăm Đông Bắc Á trong tình hình khu vực này ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, căng thẳng. Chuyến công du bắt đầu từ ngày 1-12 và kéo dài một tuần tới ba nước gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Chuyến thăm này của ông Joe Biden đã được lên kế hoạch từ trước, với mục đích thể hiện chủ trương của chính quyền Barack Obama coi khu vực châu Á là trọng tâm trong chương trình nghị sự đối ngoại; thảo luận với các nhà lãnh đạo trong khu vực về quan hệ song phương, các vấn đề an ninh và thúc đẩy buôn bán. Song chuyến thăm đang thực sự trở lên khó khăn khi mục đích chính rất có thể không đạt được bởi các bên chỉ chú ý tới chuyện Trung Quốc thông báo thiết lập "Vùng xác nhận phòng không" (ADIZ) bao gồm cả không phận nhóm đảo tranh chấp Trung Quốc gọi là Điếu Ngư và Nhật Bản gọi là Senkaku ở vùng biển Hoa Đông.

 
 Ông J.Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh AP

Tại Nhật Bản, Phó Tổng thống Biden đã tái khẳng định quan hệ đồng minh Nhật Bản - Mỹ. Trong khi đó, trong các cuộc hội đàm ở Trung Quốc, ngày 5-12, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo Trung Quốc đang làm gia tăng căng thẳng khi thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông. Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết tại cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 4-12, Phó Tổng thống Biden tái khẳng định Mỹ không công nhận ADIZ mà Bắc Kinh mới tuyên bố. Trong một diễn biến liên quan, ngày 5-12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hối thúc Mỹ tôn trọng quyết định thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông của Bắc Kinh với thái độ khách quan và bình đẳng.

Liên quan tới ADIZ của Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 1-12 cho biết nước này đã đề nghị Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) thuộc Liên hợp quốc xem xét liệu việc Trung Quốc đơn phương thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông có gây nguy hiểm cho hàng không dân sự quốc tế trong khu vực hay không. Tuy nhiên, phía Trung Quốc cực lực phản đối sự can thiệp của ICAO đối với vấn đề này. Cũng liên quan tới ADIZ, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 2-12 cho biết nước này đã tổ chức một hội nghị chính sách an ninh quốc gia để thảo luận việc mở rộng Vùng Nhận dạng Phòng không của Hàn Quốc (KADIZ) nhằm đáp trả việc Trung Quốc vừa tuyên bố xác lập ADIZ của riêng mình.

 
 Người biểu tình ở Ukraine. Ảnh: USAToday.com

5- Liên quan tới các cuộc biểu tình tại Ukraine, Nga vừa ra tuyên bố cáo buộc nhiều nước châu Âu kích động căng thẳng tại Ukraine. Ngày 5-12, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã lên án việc các nước châu Âu kích động căng thẳng tại Ukraine sau khi nước này từ chối kỷ thỏa thuận liên kết với Liên minh châu Âu (EU). Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, cảnh sát Ukraine đã áp đặt thời hạn chót yêu cầu người biểu tình tại Kiev trong vòng 5 ngày phải rời khỏi các tòa nhà chính phủ đang chiếm giữ. Thủ tướng Ukraine Mykola Azarov đã kêu gọi phe đối lập chấm dứt làm leo thang căng thẳng đồng thời cảnh báo những người biểu tình không nên có những hành động đi ngược lại Hiến pháp và pháp luật, bởi vì những hành động này sẽ bị trừng trị thích đáng.

Tình hình Uknaine diễn biến căng thẳng sau khi xảy ra đụng độ ngày 30-11 giữa cảnh sát và biểu tình. Khoảng 10.000 người biểu tình đã tụ tập tại trung tâm thủ đô Kiev và có nhiều hành vi quá khích, buộc cảnh sát chống bạo động phải can thiệp, dẫn tới xô xát khiến 165 người bị thương.

 E.Snowden. Ảnh AP

6- Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) mỗi ngày thu thập khoảng 5 tỷ dữ liệu nhờ theo dõi vị trí của ít nhất hàng trăm triệu chiếc điện thoại di động trên khắp thế giới. Thông tin được đăng tải trên tờ “Washington Post” (Bưu điện Washington) ngày 4-12. “Washington Post” trích dẫn các tài liệu của cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ (CIA) Edward Snowden cho biết trong số các hoạt động do thám của Mỹ bị tiết lộ tính đến thời điểm này, chương trình giám sát điện thoại di động là lớn nhất về mặt quy mô và phạm vi.  Theo “Washington Post”, kho dữ liệu khổng lồ của NSA chứa thông tin về “ít nhất hàng trăm triệu điện thoại di động” trên thế giới và được bổ sung hàng tỷ thông tin mỗi ngày.

Không chỉ có vậy, cũng trong tuần qua, thêm một tiết lộ mới từ E.Snowden, trên tờ "The Guardian Australia" công bố ngày 2-12, cho biết, cơ quan tình báo Australia từng đề nghị chia sẻ thông tin về công dân nước này cho các đối tác tình báo nước ngoài. Liên quan tới những thông tin tình báo xuyên quốc gian, tiết lộ của Snowden được đăng tải công khai ngày 5-12 trên Đài truyền hình quốc gia SVT của Thụy Điển cho thấy, chính quyền Stockholm đã cung cấp cho Mỹ thông tin tình báo "tối mật" về các hoạt động của nhà nước Nga. Theo các tài liệu trên, Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) coi Cơ quan tình báo viễn thông của Thụy Điển (FRA) là "đối tác hàng đầu" trong việc theo dõi và cung cấp nhiều thông tin tối mật liên quan đến ban lãnh đạo và các hoạt động chính trị nội bộ của Nga.

 
  E.Snowden. Ảnh AP

Ý thức rõ hậu quả nghiêm trọng đã và đang xảy ra, nhằm tái đảm bảo với người dân Mỹ rằng đời tư của họ sẽ không bị xâm phạm, ngày 5-12, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết đang cân nhắc một kế hoạch cải tổ sâu rộng Cơ quan An ninh quốc gia (NSA). Phát biểu trên kênh truyền hình MSNBC, Tổng thống Obama thông báo sẽ yêu cầu NSA có những điều chỉnh trong hoạt động thu thập thông tin để củng cố niềm tin của người dân.

7- Ngày 30-11, tại trường Đại học New South Wales (Australia) đã diễn ra Hội thảo về Biển Đông, thu hút sự quan tâm của đông đảo chuyên gia, bạn bè quốc tế, Việt kiều và lưu học sinh, sinh viên Việt Nam đang sinh sống, học tập tại nước này.

 Tiến sĩ Nguyễn Nhã trình bày tại Hội thảo

Hội thảo đã nghe Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã trình bày về những chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, theo đó nhấn mạnh quyền bất khả tranh nghị này được ghi rõ trong chính sử, sách điển chế, sách địa lý, trong châu bản, văn bản chính quyền từ trung ương đến địa phương thế kỷ XIX, trong nhiều tư liệu phương Tây thế kỷ XIX. Tiến sĩ Nguyễn Nhã cũng dẫn một số luận điểm của các luật gia phương Tây phản bác những yêu sách của Trung Quốc đối với các đảo Trường Sa cũng như tại Biển Đông, cho rằng chúng không có cơ sở pháp lý. Tham dự hội thảo, Giáo sư danh dự Carlyle A.Thayer của trường Đại học New South Wales cũng trình bày về những cơ sở pháp lý và chính sách thực dụng trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, vai trò của Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 cũng như những bước đi của ASEAN và Trung Quốc trong giải quyết vấn đề Biển Đông.

8- Ngày 3 và 4-12, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhóm họp tại thủ đô Brussels (Bỉ) để tập trung thảo luận về vấn đề Afganistan. Bà Carmen Romero cho biết sứ mệnh của Lực lượng Hỗ trợ an ninh quốc tế của NATO (ISAF) tại Afghanistan dự kiến sẽ kết thúc vào cuối năm 2014. Kể từ năm 2015, việc triển khai lực lượng quốc tế sau năm 2014 tại Afghanistan còn phụ thuộc vào việc ký kết hiệp định an ninh giữa Kabul và Washintong hiện đang bỏ ngỏ khi Tổng thống Afghanistan Harmid Karzai muốn lui việc ký Hiệp ước an ninh song phương (BSA - cho phép Quân đội Mỹ triển khai lực lượng tại Afghanistan sau khi 75.000 lính của NATO rút khỏi nước này vào cuối năm 2014) với Mỹ sau cuộc bầu cử Tổng thống Afghanistan vào tháng 4-2014.

 Tổng thống Afghanistan H.Karzai trong một cuộc gặp với Tổng thống Mỹ B.Obama. Ảnh: AFP

Để cùng Mỹ gia tăng áp lực với Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai, ngày 2-12 Tổng thư ký khối Hiệp ước Bắc Đại tây dương (NATO) tuyên bố sẽ rút toàn bộ binh lính. Washington cũng cảnh báo rằng nếu ông Karzai không "nhượng bộ" trong năm nay thì Mỹ sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc lên kế hoạch rút toàn bộ quân, để mặc Afghanistan đối mặt với nguy cơ nổi dậy của phe Taliban và bị cắt giảm hàng tỷ USD viện trợ quân sự.

Theo qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com