Ngày 23-12, tất cả 35 chính đảng đủ tư cách đăng ký tranh cử ở Thái Lan đã bắt đầu đăng ký danh sách ứng cử viên tham gia tranh cử trong cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào ngày 2-2-2014. Tuy nhiên, trong ngày đầu tiên các đảng đăng ký danh sách ứng cử viên, phe đối lập đã đẩy mạnh biểu tình nhằm ngăn cản cuộc bầu cử.
Theo AFP, ngay từ sáng sớm 23-12, nhiều chính đảng đã có mặt tại sân vận động Thái Lan - Nhật Bản, địa điểm đăng ký tranh cử, trong khi hàng nghìn người biểu tình đã bao vây, phong tỏa 6 cổng vào sân vận động từ đêm 22-12 nhằm ngăn cản các đảng phái chính trị vào bên trong đăng ký. Chỉ có đại diện của 9 đảng, trong đó có Đảng Puea Thai (Vì nước Thái) cầm quyền, vào được bên trong và đã hoàn tất thủ tục đăng ký. Tên nữ Thủ tướng tạm quyền Dinh-lắc Xin-vắt hiện đang đứng đầu trong danh sách các ứng cử viên của đảng Puea Thai, một vị trí có nhiều khả năng sẽ đảm bảo chiếc ghế Thủ tướng cho bà nếu đảng Puea Thai giành thắng lợi trong cuộc bầu cử. 26 đảng còn lại không vào được bên trong nên phải đăng ký danh sách tranh cử tại một đồn cảnh sát gần đó. Dự kiến, thời gian đăng ký tranh cử sẽ kéo dài đến hết ngày 27-12.
Người biểu tình Thái Lan bao vây kín bên ngoài một đồn cảnh sát ở Băng-cốc. Ảnh: Internet |
Người biểu tình Thái Lan đang tìm mọi cách để phá hoại cuộc bầu cử sớm sắp diễn ra vào tháng 2 tới đây. Ngày 22-12, Ủy ban An ninh Quốc gia Thái Lan cho biết, ít nhất 150.000 người đã tổ chức cuộc tuần hành quy mô lớn trên các đường phố nhằm phản đối bà Dinh-lắc Xin-vắt và cựu Thủ tướng Thặc-xỉn Xin-vắt, anh trai bà. Người biểu tình sau đó đã di chuyển tới khu vực đăng ký bầu cử theo lời kêu gọi của thủ lĩnh biểu tình chống Chính phủ Thái Lan Xu-thép Thau-xu-ban. Phát biểu trước những người biểu tình, ông Xu-thép Thau-xu-ban kêu gọi ngăn cản công việc này, tuyên bố rằng, Chính phủ tạm quyền và ủy ban bầu cử sẽ phải "kháng cự sức mạnh của nhân dân" nếu muốn tổ chức tổng tuyển cử trước khi tiến hành cải cách. Ông này cũng cho biết, biểu tình sẽ tiếp diễn trong một tuần nếu Thủ tướng tạm quyền Dinh-lắc Xin-vắt không chấp nhận từ chức.
Các thủ lĩnh biểu tình ước tính khoảng 3 triệu người đã tham gia các cuộc tuần hành ở khắp Băng Cốc ngày 22-12, trong khi các lực lượng an ninh ước tính chỉ có khoảng 250.000 người tham gia. Người biểu tình tập trung đông đảo ở các điểm nút giao thông lớn và trung tâm thương mại khiến cho hoạt động giao thông ở Băng Cốc bị ngưng trệ. Các hệ thống tàu điện ngầm và trên cao kín đặc người biểu tình trong ngày 22-12. Một số người biểu tình cũng đến vây quanh khu tư gia của bà Dinh-lắc Xin-vắt để yêu cầu bà từ chức.
Trước đó, Đảng Dân chủ đối lập đã thề sẽ tẩy chay cuộc bầu cử sớm được bà Dinh-lắc kêu gọi tổ chức nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan. Trong khi đó, một nhóm người tự xưng là Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân do người biểu tình tự lập ra đã kêu gọi thành lập một “hội đồng nhân dân” không qua bầu cử để giám sát các cuộc cải cách được định nghĩa một cách mơ hồ trước khi tiến hành bầu cử trong vòng 12 đến 18 tháng. Ngoài ra, người biểu tình Thái Lan đã kêu gọi quân đội nước này hậu thuẫn, song các tướng lĩnh quân đội đều thẳng thừng bác bỏ và khẳng định họ sẽ không can thiệp vào chính trường trong giai đoạn hiện nay.
Đảng Dân chủ Thái Lan cũng đã từng tẩy chay cuộc bầu cử vào năm 2006 và tạo ra bầu không khí bất ổn về chính trị, dẫn tới cuộc đảo chính lật đổ ông Thặc-xỉn Xin-vắt. Tuy nhiên, Ủy ban bầu cử nêu rõ họ đã có kế hoạch dự phòng trường hợp tình hình trở nên hỗn loạn, song không tiết lộ chi tiết. Thủ tướng Dinh-lắc Xin-vắt và đảng Puea Thai cũng khẳng định sẽ xúc tiến bầu cử theo đúng lịch trình và thực hiện các tiến trình cải cách theo luật pháp./.
Theo: qdnd.vn