Nhìn lại toàn cảnh bức tranh kinh tế thế giới năm 2013 cho thấy, kinh tế EU vẫn chiếm nhiều mảng tối. Tuy nhiên, tại một số quốc gia thành viên đã xuất hiện những tín hiệu tích cực khiến các chỉ số kinh tế chung của EU đã tăng trưởng nhẹ sau khi thoát khỏi suy thoái vào cuối quý II năm nay.
Đầu tàu chuyển động
Đức và Pháp là hai nền kinh tế lớn và đầu tàu của EU cũng đang dẫn đầu với mức tăng trưởng khá. Quý II, Đức tăng trưởng với mức 0,7%, quý III tụt xuống còn 0,3%, con số tương ứng của Pháp là 0,5% và 0,1%, nhưng mức tăng trưởng cả năm của hai nước này có khả năng khá hơn dự báo trước đó.
Hội đồng chuyên gia kinh tế Đức công bố báo cáo hằng năm (ngày 13-11) cho biết, năm 2013 kinh tế Đức đã điều chỉnh dự báo tăng từ 0,3 lên 0,4%, và dự báo năm 2014 sẽ tăng 1,6%. Nguyên nhân khiến hoạt động của kinh tế cải thiện là do sản xuất toàn cầu đi lên, triển vọng kinh tế sáng sủa đã giúp kinh tế trong nước tăng lên; chi cho tiêu dùng tăng (1% lên 1,3%), tỷ lệ thất nghiệp giảm (6,9% xuống 6,8%).
Kinh tế Pháp cũng thoát khỏi tình trạng suy thoái nhẹ, song thất nghiệp vẫn ở mức ba triệu người trong quý II, do giá nhân công đắt, kém cạnh tranh, nên Pháp vẫn phải cắt giảm chi tiêu 19,8 tỷ USD trong năm tài khóa 2014.
Kinh tế Anh (thứ ba khu vực) tăng trưởng đạt mức 0,9% vào quý III. Trong đó, ngành chế tạo đang trở thành “điểm sáng”, chế biến thực phẩm, điện tử và giao thông đều tăng mạnh. Xuất khẩu tăng, thâm hụt thương mại giảm 50% nhờ ngành dịch vụ được cải thiện đáng kể.
Chỉ số quản lý sức mua (PMI) Markit/CIPS ngành dịch vụ tăng từ 54,9 điểm lên 56,9 điểm, mức cao nhất kể từ năm 2011. PMI cao hơn ngưỡng 50 điểm cho thấy ngành dịch vụ chiếm hơn 75% GDP của Anh đang có chiều hướng tăng trưởng tốt.
Dư luận đang kỳ vọng vào sự bứt phá của nền kinh tế EU trong năm 2014. Ảnh: Internet |
Niềm tin dần được khôi phục
Theo các chuyên gia, niềm tin của giới doanh nhân và người tiêu dùng trong khu vực Eurozone cũng đã tăng từ mức âm 17,4 điểm (tháng 8-2013) lên mức âm 5,6 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 7-2011 và cao hơn dự đoán là âm 16,5 điểm trước đó.
PMI đã giảm từ 51,9 điểm trong tháng 10 xuống 51,5 điểm trong tháng 11. Đây là mức thấp nhất trong ba tháng và là con số gây bất ngờ khi các nhà kinh tế nhận định PMI sẽ tăng lên 52 điểm. Trên cơ sở số liệu PMI này, tăng trưởng kinh tế của Eurozone được nhận định sẽ ở mức 0,2% trong quý cuối của năm nay.
Khu vực Eurozone đã đạt thặng dư thương mại 18,2 tỷ euro (tháng 7-2013), chủ yếu nhờ trao đổi nội khối, tăng 4,3 tỷ euro so với cùng kỳ năm trước. Một trong những tác nhân quan trọng là ECB đã giảm lãi suất cơ bản thêm 25% điểm xuống còn 0,50% (tháng 5-2013), mức thấp nhất từ trước đến nay.
Ngành du lịch của EU đang tăng trưởng mạnh. Lượng khách du lịch nước ngoài đến Anh tăng 4% với hơn 15 triệu người trong sáu tháng đầu năm 2013 - mức cao nhất kể từ khi xảy ra khủng hoảng nợ công châu Âu.
Tại Hy Lạp, ước tính mức doanh thu trực tiếp của du lịch cũng tăng hơn 10% với 17 triệu người trong năm 2013, đóng góp vào doanh thu toàn ngành du lịch nước này 39% với 11 tỷ euro.
Các nước Đức, Hung-ga-ri, Séc, Hà Lan... cũng là điểm đến yêu thích của khách du lịch quốc tế khi cơn bão khủng hoảng quét qua châu Âu. Sự phát triển của ngành du lịch góp phần thúc đẩy sự phát triển của những khu vực khác như vận tải, thông tin liên lạc, xây dựng và thương mại…
Lát-vi-a, là quốc gia vừa mới gia nhập Eurozone cũng được đánh giá có triển vọng kinh tế sáng sủa. Hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch đã nâng mức tín nhiệm của Lát-vi-a lên mức BBB+, với triển vọng ổn định.
Có bốn nhân tố đóng góp vào sự phục hồi kinh tế: (1) Chính phủ các nước EU đã có các biện pháp: giảm lãi suất cơ bản, giảm chi tiêu công, nới lỏng “thắt lưng buộc bụng”; (2) Áp dụng các biện pháp tài chính, tiền tệ tích cực, phối hợp các ngân hàng Mỹ, Anh và EU; (3) Sự tăng trưởng của Đức đã có tác động mạnh đối với khu vực; (4) Du lịch là một trong những ngành có vai trò động lực cho tăng trưởng kinh tế của toàn khối.
Nguy cơ tái khủng hoảng vẫn tiềm ẩn
Theo giới chuyên gia, sự phục hồi kinh tế EU vẫn còn mong manh, nguy cơ tái khủng hoảng vẫn tiềm ẩn, do các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” vẫn chưa được sự đồng thuận xã hội, hoạt động cho vay yếu kém và bất ổn kéo dài là lực cản đà phục hồi của nền kinh tế khu vực.
Đức là nước đầu tàu nhưng vẫn có tới 72.000 tỷ USD thuộc diện “dễ bị tổn thương”, trong khi GDP của Đức hiện chỉ đạt khoảng 3.600 tỷ USD. Pháp vẫn phải tiếp tục nỗ lực vì đầu tư của Pháp đang đình trệ, thất nghiệp kéo dài và vẫn ở mức cao.
I-ta-li-a, GDP vẫn sụt giảm, tuy chỉ ở mức 0,2% vào quí II, so với mức sụt giảm 0,6% của quý trước đó. Bộ trưởng Kinh tế I-ta-li-a tuyên bố suy thoái sắp kết thúc, nhờ chính phủ áp dụng nhiều biện pháp mạnh như: cắt giảm chi tiêu công, nới lỏng “thắt lưng buộc bụng”, lấy lại khả năng thanh toán, đình chỉ một số sắc thuế bất động sản. Ai-len cũng tuyên bố chính thức thoát khỏi suy thoái kinh tế vào quý II, nhưng với mức tăng GDP chỉ là 0,4%.
Trong khi đó, Tây Ban Nha còn được dự báo chưa thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng do “bong bóng” bất động sản kéo dài. Hiện nước này vẫn còn hơn ba triệu căn hộ “tồn kho”.
Phát biểu tại Pa-ri (Pháp) ngày 11-11, Tổng Giám đốc IMF, bà Crít-xtin La-gát cho rằng khu vực Eurozone vẫn là “trung tâm” gây lo lắng khi nhiều nền kinh tế trong khu vực này vẫn chưa thể thoát khỏi tình trạng khó khăn từ nhiều năm nay.
Như vậy, nhìn tổng thể, kinh tế EU đang tiếp tục xu thế tăng trưởng, song vẫn còn nhiều khó khăn ở phía trước: (1) Vẫn còn những “khâu yếu” cần hỗ trợ để tháo gỡ như: Hy Lạp, Cộng hòa Síp…; (2) Tỷ lệ thất nghiệp toàn khu vực vẫn ở mức cao 12,1%. Trong đó, Tây Ban Nha 27%, Bồ Đào Nha 18,2%; (3) Tốc độ tăng trưởng vẫn ở mức thấp. Vì thế, kinh tế EU vẫn cần phải vượt qua nhiều thách thức. Tuy nhiên, với những dấu hiệu tích cực năm 2013, dư luận đang kỳ vọng vào sự bứt phá trong năm 2014 của khu vực vốn được coi là một trong những trung tâm kinh tế của thế giới./.
Theo: nhandan.com.vn