Hội nghị cấp cao ALBA - PetroCaribe

07:12, 20/12/2013

Theo Prensa Latina ngày 17-12, Hội nghị cấp cao bất thường lần thứ 2 giữa Liên minh Bô-li-va cho châu Mỹ (ALBA) và Tổ chức hợp tác năng lượng Ca-ri-bê (PetroCaribe) diễn ra tại Thủ đô Ca-ra-cát, Vê-nê-xu-ê-la nhằm thảo luận, đánh giá tiến trình hội nhập tại khu vực.

Hội nghị đã thông qua đề xuất thành lập khối kinh tế chung mở rộng giữa ALBA - PetroCaribe và Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) gồm 23 nước Mỹ la-tinh, hơn 400 triệu dân với tổng thu nhập quốc dân GDP gần 900 tỷ USD. Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la N.Ma-đu-rô nhấn mạnh việc thành lập khu vực kinh tế này là một trong những sự kiện quan trọng nhất tại Mỹ la-tinh nhằm tạo ra một sự phát triển công bằng, bình đẳng và hỗ trợ lẫn nhau. Ông Ma-đu-rô cho biết, sẽ trình đề xuất thành lập khối liên kết kinh tế mở rộng với MERCOSUR tại hội nghị cấp cao của khối này tổ chức tại Vê-nê-xu-ê-la vào tháng 1-2014 tới...

Eurozone quyết định giải ngân một tỷ ơ-rô giúp Hy Lạp

Theo AFP, tại cuộc họp diễn ra ngày 17-12 ở Thủ đô Brúc-xen của Bỉ, Bộ trưởng tài chính các nước thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã đồng ý giải ngân một tỷ ơ-rô cho Hy Lạp trong gói cứu trợ thứ hai, sau khi A-ten thực hiện tốt cam kết cải cách nền kinh tế. Đây là khoản cứu trợ vốn bị trì hoãn từ nhiều tháng nay do các cuộc thương lượng giữa Hy Lạp và các chủ nợ quốc tế không đạt kết quả.

Chủ tịch Eurozone G.Đây-sơn-blum bày tỏ hài lòng vì Hy Lạp đã đáp ứng được bốn yêu cầu mà các chủ nợ đòi hỏi. Theo đó, Hy Lạp đã tiến hành nhiều cải cách quan trọng, nhất là cải cách hệ thống hành chính công, bố trí lại 12.500 công chức để thực hiện các dịch vụ công hiệu quả hơn, một chương trình mà làm dấy lên các cuộc biểu tình ở Hy Lạp. A-ten cũng cơ cấu lại và giải thể ba Cty nhà nước để chuyển sang cổ phần hóa, đổi mới quy chế luật sư cũng như cải thiện tình hình tài chính của hai Cty cung cấp nước.

A-déc-bai-gian mở "hành lang khí đốt" sang châu Âu

Ngày 17-12, tại Thủ đô Ba-ku của A-déc-bai-gian, các bên tham gia dự án khí đốt Shah Deniz II đã ký thỏa thuận trị giá 28 tỷ USD, mở ra một nguồn mới cung cấp khí đốt cho các khách hàng châu Âu, ngoài Nga. Các bên tham gia dự án Shaz Deniz bao gồm: Cty dầu mỏ nhà nước SOCAR của A-déc-bai-gian, cùng các đối tác như BP (Anh), Statoil (Na Uy) và Total (Pháp). Theo thỏa thuận, Trans-Anatolian (TANAP) và Đường ống xuyên biển Adriatic (TAP) được chọn làm hệ thống vận chuyển khí đốt tiềm tàng sang các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, An-ba-ni, Bun-ga-ri và I-ta-li-a. Dự kiến, thông qua các tuyến đường ống này, từ năm 2018 sẽ bảo đảm cung cấp mỗi năm khoảng 10 tỷ m3 khí đốt từ A-déc-bai-gian cho các nước châu Âu như I-ta-li-a, Hy Lạp, Bun-ga-ri, cùng 6 tỷ m3 cho Thổ Nhĩ Kỳ và Gru-di-a. Tổng thống A-déc-bai-gian In-ham A-li-ép khẳng định, dự án này sẽ làm thay đổi "bản đồ năng lượng" trong khu vực và châu Âu./.

Theo Nhân dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com