Trong bối cảnh chính quyền Ca-bun và Oa-sinh-tơn đang bất đồng liên quan tới việc Tổng thống H.Ca-dai trì hoãn việc ký Hiệp định an ninh song phương (BSA) với Mỹ thì căng thẳng mới lại bùng phát giữa hai bên khi một em bé 2 tuổi bị thiệt mạng và 2 phụ nữ Áp-ga-ni-xtan bị thương trong một cuộc không kích của lực lượng NATO do Mỹ dẫn đầu.
“Vụ không kích này cho thấy quân đội Mỹ không tôn trọng mạng sống người dân Áp-ga-ni-xtan”, AFP dẫn thông báo của văn phòng Tổng thống Áp-ga-ni-xtan cho biết. Ngày 29-11, NATO cũng đã thừa nhận có biết báo cáo về vụ việc và bày tỏ “lấy làm tiếc về thường dân bị thương vong trong vụ không kích” xảy ra ngày 28-11, tại tỉnh Hen-man, miền Nam Áp-ga-ni-xtan, một khu vực được cho là cứ địa của phiến quân Ta-li-ban.
Vụ không kích này được nhìn nhận sẽ khiến cho chặng đường ký kết BSA-quy định về những điều khoản liên quan tới sự hiện diện của 8.000 đến 12.000 lính Mỹ và NATO tại quốc gia Tây Nam Á này sau lộ trình rút quân vào cuối năm 2014 - thêm chông gai. Và thông báo của văn phòng Tổng thống Áp-ga-ni-xtan đã nêu rõ: “Một khi quân đội Mỹ còn tiếp tục có các hành động đơn phương và tàn bạo đối với người dân Áp-ga-ni-xtan, chúng tôi sẽ không ký BSA với Mỹ”.
Tổng thống Áp-ga-ni-xtan H.Ca-dai lên án vụ không kích của NATO ngày 28-11, tại tỉnh Hen-man. Ảnh: Internet |
Cách đây không lâu, bất chấp khuyến nghị của Hội đồng Trưởng lão Áp-ga-ni-xtan và áp lực liên tục từ phía Mỹ, ngày 24-11, Tổng thống H.Ca-dai vẫn tiếp tục từ chối ký BSA trong năm 2013. Ông H.Ca-dai đưa ra điều kiện ký kết là hiệp định này cần phải đem lại nền hòa bình cho Áp-ga-ni-xtan, trong đó Mỹ phải chấm dứt các chiến dịch quân sự trên lãnh thổ Áp-ga-ni-xtan, hợp tác với quốc gia Tây Nam Á này trong cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 4-2014 và hợp tác cả trong nỗ lực kiến tạo hòa bình với lực lượng Ta-li-ban. Đến ngày 27-11, ông H.Ca-dai đã giảm bớt các điều kiện và tuyên bố sẵn sàng ký BSA nếu Mỹ chấm dứt các cuộc đột kích vào nhà dân Áp-ga-ni-xtan và hỗ trợ tái khởi động các cuộc hòa đàm với Ta-li-ban.
Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma đã nhiều lần thúc giục ông H.Ca-dai ký BSA trong năm 2013, nếu không Nhà Trắng sẽ phải xem xét lại các khoản viện trợ, thậm chí có thể rút toàn bộ binh lính ra khỏi cuộc chiến đã kéo dài hơn 12 năm này, sau năm 2014.
Trên thực tế, mặc dù đã xây dựng được lực lượng an ninh khá mạnh trong thời gian qua, nhưng quân đội Áp-ga-ni-xtan vẫn chưa đủ mạnh để đảm nhận hoàn toàn các trọng trách an ninh sau khi quân đội nước ngoài rút hết khỏi đây. Mặt khác, nền kinh tế nước này cũng gặp nhiều khó khăn, nên sự hỗ trợ tài chính của Mỹ và phương Tây vào lúc này là vô cùng quan trọng. Một thành viên của Hội đồng Trưởng lão K.Ba-bơ cũng nhận định: “Nếu BSA không được ký, Áp-ga-ni-xtan sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tương tự mà chúng ta đã phải đối mặt cách đây 12 năm. Sẽ có một cuộc nội chiến và thương vong sẽ lại bao phủ quốc gia này”.
Biết là quan trọng như vậy, nhưng ông H.Ca-dai cũng có cái lý của mình khi trì hoãn ký kết BSA. Bộ trưởng Tài chính Áp-ga-ni-xtan Ô.Da-khin-oan cho rằng, việc trì hoãn này "không phải là một vấn đề nghiêm trọng". "Đó là cách chúng tôi quản lý, tạo ra môi trường để ký BSA, và môi trường sẽ được tạo ra. Quan điểm của Tổng thống H.Ca-dai không phải là ông từ chối BSA. Tôi lạc quan về việc ký kết của BSA trong thời gian tới, bởi vì các biện pháp xây dựng lòng tin theo yêu cầu của Tổng thống là hợp lý, có lợi cho cả đôi bên, và không khó khăn như nó được miêu tả", ông Ô.Da-khin-oan nói với tờ Wall Street Journal.
Trong khi đó, theo chuyên gia O.Oa-pha, thuộc Đại học Kabul, sự bảo đảm ổn định của đất nước trong tương lai là một yếu tố quan trọng nên những điều kiện mà Tổng thống Áp-ga-ni-xtan đưa ra, ở một mức độ nào đó sẽ giúp ông, sau hai nhiệm kỳ cầm quyền, không phải ra đi trong sự lãng quên khi Áp-ga-ni-xtan tổ chức bầu cử để bầu ra người kế nhiệm ông vào tháng 4-2014./.
Theo: qdnd.vn