Dụng "gậy", Mỹ gây nguy hiểm cho đàm phán về vấn đề hạt nhân I-ran

08:12, 16/12/2013

Chính phủ Mỹ ngày 13-12 tuyên bố bảo vệ quan điểm về các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào một loạt Cty và cá nhân của nhiều quốc gia, trong đó có Xinh-ga-po, Pa-na-ma và U-crai-na, với lý do hậu thuẫn chương trình hạt nhân gây tranh cãi của I-ran. Động thái trên là dấu hiệu cho thấy Oa-sinh-tơn sẽ tiếp tục thực thi các biện pháp trừng phạt hiện có bên cạnh việc theo đuổi một giải pháp ngoại giao với Tê-hê-ran.

Trước đó, Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Mỹ đã đóng băng tài sản và áp đặt lệnh cấm giao dịch đối với khoảng 20 tổ chức và cá nhân trong đó có Cty Mid Oil Asia, Singa Tankers, Siqiriya Maritime, Ferland và Vitaly Sokolenko, cùng 5 thực thể I-ran và một số cá nhân bị cáo buộc cung cấp hàng hóa và các dịch vụ liên quan tới chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Tê-hê-ran. Tuyên bố chung của 2 bộ cho biết: “I-ran vẫn đang nỗ lực che giấu chương trình hạt nhân mờ ám của mình bằng cách sử dụng các Cty ở nước ngoài để lừa các nhà cung cấp vật liệu và tránh né các biện pháp trừng phạt”. Giới chức Mỹ nhấn mạnh quyết định này là lời cảnh báo đối với giới doanh nghiệp, ngân hàng cũng như doanh nhân rằng Oa-sinh-tơn sẽ vẫn tiếp tục thực thi một cách nghiêm khắc các lệnh trừng phạt đối với chính quyền Tê-hê-ran, bất chấp việc Mỹ đang tìm kiếm khả năng tiến tới một giải pháp mang tính lâu dài và toàn diện nhằm giải tỏa những quan ngại của quốc tế đối với chương trình hạt nhân gây tranh cãi của I-ran.

Các đại biểu tham gia cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân của I-ran tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ). Ảnh: Internet
Các đại biểu tham gia cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân của I-ran tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ). Ảnh: Internet

Đáp lại, Bộ Ngoại giao I-ran đã chỉ trích động thái trên của Mỹ là không mang tính xây dựng và không phù hợp với thỏa thuận Giơ-ne-vơ. Ngày 13-12, ngay sau khi Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với một loạt Cty và cá nhân vì hậu thuẫn chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tê-hê-ran, I-ran thông báo các nhà đàm phán nước này đã ngừng các cuộc đàm phán hạt nhân với nhóm P5+1 (gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) diễn ra tại Viên (Áo).

Cùng ngày, Nga cũng cho biết nước này không chấp nhận quyết định gần đây của Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào một nhóm các cá nhân và doanh nghiệp I-ran, cảnh báo rằng động thái này có thể gây nguy hiểm các vòng đàm phán hạt nhân. Trả lời Báo Chính phủ "Rossiiskaya Gazeta", Thứ trưởng Ngoại giao Nga Xéc-gây Ri-áp-cốp cho biết, quyết định của Mỹ sẽ gây nguy hiểm cho toàn bộ quá trình giải quyết bất đồng giữa I-ran và cộng đồng quốc tế, bao gồm sự hợp tác tích cực hơn giữa Tê-hê-ran và IAEA. Ông Ri-áp-cốp cảnh báo rằng thành công của cuộc đàm phán hạt nhân đạt được với I-ran hồi tháng 11 vừa qua không phải là không thể đảo ngược.

Trong nỗ lực trấn an cộng đồng quốc tế, cũng như I-ran trước nguy cơ đổ vỡ của các nỗ lực đàm phán, người phát ngôn Nhà Trắng Giây Ca-ni ngày 13-12 nhấn mạnh động thái của Chính phủ Mỹ chỉ dựa trên những lệnh trừng phạt đang hiện hành và khẳng định chính quyền của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma sẽ kiềm chế không đưa ra bất cứ lệnh trừng phạt mới liên quan đến vấn đề hạt nhân của I-ran. Trong một tuyên bố khác, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Me-ri Háp cho biết, Oa-sinh-tơn đã thông báo trước với Tê-hê-ran về quyết định này và cho rằng hành động của Mỹ sẽ không làm chệch hướng tiến trình đàm phám hạt nhân giữa I-ran và nhóm P5+1. Chính quyền Mỹ cũng thúc giục các nghị sĩ Quốc hội kiềm chế không đưa ra thêm bất kỳ biện pháp trừng phạt mới nào liên quan đến vấn đề hạt nhân I-ran. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị Oen-đi Sơ-men nói: “Chúng tôi tin rằng, giờ không phải lúc đưa ra các biện pháp trừng phạt mới, việc này có nguy cơ phá hoại các bước đi đầu tiên nhiều triển vọng, gây tan rã mối quan hệ với các đồng minh của chúng ta và chia rẽ liên minh trong việc thúc đẩy các biện pháp trừng phạt một cách có hiệu quả”.

Thời gian gần đây, Mỹ và I-ran đã có một loạt những động thái tích cực nhằm cải thiện quan hệ giữa hai nước, với kết quả rõ ràng nhất là thỏa thuận hạt nhân tạm thời đạt được hồi cuối tháng 11 vừa qua. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, những quan điểm cứng rắn của chính quyền Oa-sinh-tơn trong việc tiếp tục củng cố những điều khoản trừng phạt hiện thời đối với nước Cộng hòa Hồi giáo sẽ khiến cho thỏa thuận toàn diện về vấn đề hạt nhân I-ran còn xa mới đạt được và đẩy Mỹ và I-ran vào thế đối đầu hơn nữa./.

Theo: qdnd.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com